| Hotline: 0983.970.780

“Hương sen màu nhiệm” mừng lễ Phật đản

Thứ Năm 12/05/2011 , 09:55 (GMT+7)

20h ngày 14/5/2011, tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, Giáo hội Phật giáo VN, Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ tổ chức chương trình ca múa nhạc chủ đề “Hương sen màu nhiệm”.

Hoà chung niềm hân hoan kỷ niệm 2.635 năm ngày đức Phật Thích ca đản sinh, 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (1911 - 2011), vào 20h ngày 12/4 Tân Mão (tức 14/5/2011), tại Cung Văn hoá Hữu nghị Hà Nội, Giáo hội Phật giáo VN, Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ tổ chức chương trình ca múa nhạc chủ đề “Hương sen màu nhiệm”.

Trao đổi với NNVN, Thượng tọa Thích Minh Hiền, trụ trì chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), Phó trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo VN, tham gia đạo diễn chương trình “Hương sen màu nhiệm” cho biết: Đại lễ Phật đản 2011 vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Bác Hồ rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ suốt gần một thế kỷ của thực dân Pháp. Vì thế, đây là cơ hội cho mỗi Phật tử, mỗi người dân vừa hướng về nhà Phật vừa tưởng nhớ công ơn các thế hệ cha ông đã hi sinh xương máu để bảo vệ non sông đất nước.

Theo Thượng tọa, tiếp nối sự thành công của “Hương sen màu nhiệm” lần đầu tiên tổ chức năm 2010 gây tiếng vang trong lòng công chúng, năm nay chương trình sẽ được tiếp tục với nhiều tác phẩm mới, được dàn dựng công phu với những tiết mục đặc sắc mang đậm dấu ấn thời gian và âm hưởng Phật giáo đương đại. Tham gia dàn dựng và biểu diễn có các đạo diễn, biên đạo, thiết kế sân khấu, các nhạc sĩ và nghệ sĩ hàng đầu như: đạo diễn Việt Tú, biên đạo múa Hồng Phong, Kiều Lê, nhà thiết kế mỹ thuật Đinh Công Đạt, các nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Anh Quân và các ca sỹ Mỹ Linh, Lan Anh, Tân Nhàn, Tuấn Anh…

“Hương sen màu nhiệm” được công diễn lần này đúng vào mùa đức Phật đản sinh, giữa tháng tư khi hoa sen đầu mùa nở rộ. Khác với “Hương sen màu nhiệm” năm ngoái mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, năm nay chương trình có nhiều thay đổi cho phù hợp với kỷ niệm ngày Phật đản. Từ những bước chân đầu trên bảy đoá sen, Bậc Chính Giác thị hiện khai mở cho nhân loại chân trời trí tuệ. Hành trạng của Đức Thế Tôn là một sự nghiệp cao cả gắn liền với hình ảnh hoa sen tinh khiết, thánh thiện và vô nhiễm giữa cõi đời đầy ô trược… “Tâm niệm của chúng tôi là, thông qua âm nhạc Phật giáo để truyền tải nội dung tư tưởng của Đức Phật đến với đại chúng bằng con đường nghệ thuật. Chương trình không chỉ phục vụ cho tăng ni, Phật tử mà cho mọi tầng lớp trong xã hội”.

Theo Thượng tọa Thích Minh Hiền, nghệ thuật Phật giáo đương đại đang hướng nhiều vào giới trẻ. Vì vậy mỗi thông điệp trong chương trình “Hương sen màu nhiệm” truyền tải cần phải nhanh và ngắn gọn chứ không dài lê thê như thông điệp đưa đến với người cao tuổi. “Bài “Xưng tán Tam Bảo” tôi sáng tác cho cháu Anna (con gái nhạc sĩ Anh Quân) hát trong “Hương sen màu nhiệm” năm ngoái được nhiều người tâm đắc và đã copy làm nhạc chuông điện thoại. Bài hát chỉ có 8 ca từ, nhưng được giọng ca trong trẻo của Anna thể hiện bằng rất nhiều giai điệu đi từ khoan thai đến dồn dập khiến cả khán phòng sửng sốt. Những câu niệm Phật giản dị, quá đỗi thân thương đã ăn sâu vào tâm thức mỗi người dân Việt vang lên thánh thót: “Nam mô A Di Đà Phật/Nam mô Phật/Nam mô Pháp/Nam mô Tăng/Nam mô vô thượng tam bằng”, ông bộc bạch.

“Năm nay Phật giáo VN kỷ niệm ngày Phật đản đúng dịp “bách thiên vạn kiếp nan tao ngộ” (trăm ngàn kiếp không dễ gặp) vào thời điểm hoa sen đang được bình chọn là Quốc hoa Việt Nam. Điều đó càng khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn tỏa sáng, thấm vào mạch nguồn của dân tộc và đời sống văn hoá của đất nước”, Thượng tọa Thích Minh Hiền.

Thượng tọa Minh Hiền cũng tiết lộ: “Khi chuyển kinh kệ thành âm nhạc, tôi thường chọn những lời chú vì trong mỗi thời kinh bao giờ cũng có câu chú ngắn gọn súc tích quy nạp lời kinh. Chẳng hạn như “Bát nhã tâm kinh” khá dài với 165 chữ, nhưng tôi gút lại chỉ bằng một câu chú cuối cùng. Nhiều bài chỉ có 7-8 câu chú thôi mà thanh thiếu niên Phật tử thuộc ngay, thậm chí đôi khi mặc dù nghe lời hát chưa hiểu gì, nhưng thấy nhạc thánh thót du dương nên cũng hát theo”.

Được biết “Hương sen màu nhiệm” lần này hội tụ âm nhạc Phật giáo đương đại với lực lượng sáng tác và biểu diễn khá hùng hậu. Với những nhạc sĩ - Phật tử: Anh Quân, Thẩm Oánh, nghệ sĩ Trần Mạnh Hùng, đạo diễn Việt Tú, NSƯT Thúy Đạt, nhà lý luận âm nhạc Cù Lệ Duyên, các ca sĩ Mỹ Linh, Tân Nhàn, Đức Tuấn, Trọng Tấn, Lan Anh… Trong đó không thể thiếu gương mặt của tăng sĩ - Đại đức Thích Minh Xuân ở chùa Long Đẩu (Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội). Thượng tọa Minh Hiền nhận định: Với mỗi nghệ sĩ khi đi đúng chính pháp và tu tập, nghiên cứu, thực hành những lời Phật dạy, thì ngòi bút sẽ tuôn chảy nhẹ nhàng như cơm ăn nước uống hàng ngày. Thông qua những giai điệu, những bài ca, điệu múa, cho thấy âm nhạc đương đại đang được dệt nên bằng chính trái tim tràn đầy yêu thương và lòng thành dâng lên Tam Bảo.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm