| Hotline: 0983.970.780

Huy động mọi biện pháp chống đói rét cho trâu bò

Thứ Tư 13/01/2021 , 12:24 (GMT+7)

Chuồng được thưng che kín. Trâu, bò được cho ăn no, uống nước nóng, ban đêm đốt lửa sưởi ấm, nên những ngày rét hại vừa qua không có con trâu, bò nào chết.

Nghệ An hiện có tổng đàn trâu, bò gần 800.000 con, trong số này hơn 2/3 tập trung ở 10 huyện, thị ở miền núi. Những ngày qua, một số địa phương thuộc vùng núi cao Nghệ An như Mường Lống, Na Ngói, Nậm Cắn, Huôi Tụ huyện Kỳ Sơn; Tam Hợp huyện Tương Dương; Tri Lễ huyện Quế Phong… nhiệt độ xuống dưới 0 độ C, tuyết rơi phủ trắng, kéo dài nhiều giờ.

Tại xã Mường Lống nơi giáp với biên giới nước bạn Lào và là nơi có địa hình cao 1.400m so với mặt biển. Những ngày qua nhiệt độ không khí ở đây xuống -1 đến -2oC, rét nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, đồng bào các dân tộc ở đây đã chủ động có biện pháp phòng chống rét tốt cho đàn gia súc, nhất là trâu, bò.

Ông Xồng Bá Tồng ở bản Mường Lống 2 xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn) chuyên chăn nuôi bò thịt với đàn bò luôn luôn có trong chuồng từ 5 – 7 con. Ông cho biết trước đây, những năm rét đậm, rét hại đã làm cho trâu, bò cả xã chết rất nhiều. Bởi trâu bò thả rông ngoài rừng, không chuồng trại nuôi nhốt, ăn không no…

Người dân đã chủ động tích trữ thức ăn, che chắn chuồng trại giữ ấm cho trâu bò khi trời rét đậm, rét hại. Ảnh: TL

Người dân đã chủ động tích trữ thức ăn, che chắn chuồng trại giữ ấm cho trâu bò khi trời rét đậm, rét hại. Ảnh: TL

Năm nay, dân trong xã đã được cán bộ huyện, bộ đội biên phòng về tận bản thông báo từ rất sớm về việc mùa đông năm nay sẽ có rét rất nhiều, đồng thời hướng dẫn bà con phương pháp phòng chống rét cho trâu, bò.

Năm nay, dân bản nhà nào cũng đã làm chuồng nuôi nhốt trâu, bò. Chuồng được thưng che kín bằng bạt. Trâu, bò được cho ăn no, uống nước ấm, ban đêm đốt lửa sưởi ấm, nên những ngày rét hại vừa qua không có con trâu, bò nào chết.

Gia đình ông Lầu Nềnh Mư ở xã Na Ngói (huyện Kỳ Sơn) cho biết mấy ngày vừa qua, tuyết phủ trắng trên cả mái nhà và cây cối. Đàn trâu của ông gần 10 con không còn thả rông như trước đây nữa. Chuồng trâu được lợp kín bằng tấm phiro-xi măng, quanh chuồng dùng bạt che chắn kín gió. Mặc cho rét, cả 2 vợ chồng ông vào nương rẫy cắt cỏ về cho trâu ăn no, uống nước nóng có pha tí muối, vào rừng lấy củi về đốt lửa sưởi ấm cho cả chuồng trâu.

Ông Và Chá Xà, Chủ tịch UBND xã Mường Lống cho biết: Toàn xã nhà nào cũng chuẩn bị sẵn những đống củi to để ở góc vườn, bên cạnh nhà để đốt lửa chống rét cho cả trâu, bò và cả cho người trong những ngày gió rét ghê gớm vừa qua. Đồng thời, UBND xã còn tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong các thôn bản không thả rông trâu, bò vào những ngày giá rét. Nhà nào cũng có chuồng, trại được che chắn kín, chuẩn bị đầy đủ thức ăn xanh và cả thức ăn tinh bột, nước uống ấm cho trâu bò. Nhờ vậy cả xã có 3.270 con bò, hơn 900 con trâu vẫn khỏe mạnh.

Những ngày rét đậm, rét hại vừa qua, UBND các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông… đã cử nhiều đoàn cán bộ huyện trực tiếp xuống các xã, các thôn bản có nguy cơ trâu bò dễ bị chết rét để kiểm tra, đôn đốc cán bộ các xã, hợp tác xã cùng bà con dân bản triển khai tốt các biện pháp chống rét cho trâu bò. Trong đó đặc biệt quan tâm 3 việc: Có chuồng trại đủ ấm để nuôi nhốt trâu bò; có đủ thức ăn xanh và thức ăn tinh bột bổ sung và ngăn ngừa tốt dịch bệnh gia súc, gia cầm trong mùa đông này.

Tại huyện Tương Dương, địa phương hiện có trên 50.000 con trâu, bò, ông Lô Khăm Kha, Trưởng phòng NN-PTNT của huyện cho biết: Ngay từ khi huyện có đề án phát triển sản xuất vụ đông năm nay, UBND huyện đã có kế hoạch sản xuất vụ đông gắn liền với công tác phòng chống rét cho gia súc trong mùa đông năm nay.

Theo đó, khuyến khích bà con trồng nhiều cây ngô vừa trồng ngô lấy hạt, vừa trồng ngô lấy thân lá (ngô sinh khối), cỏ voi để có đủ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông được dự báo rét sẽ đến sớm, rét đậm, rét hại xuất hiện nhiều, kéo dài, nên phải chủ động ngay từ đầu vụ.

Để chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại trong mùa đông năm nay, đầu tháng 12/2020, UBND tỉnh cũng đã có công điện giao UBND các huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành, thị chỉ đạo tốt công tác phòng chống rét cho người, chống đói rét cho trâu bò, cho cây trồng.

Bên cạnh đó, yêu cầu phải bố trí ngân sách địa phương, quỹ phòng chống thiên tai và các nguồn lực tại chỗ để kịp thời hỗ trợ kinh phí khi cần thiết giúp đỡ nhân dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số, các hộ nghèo để mua sắm vật tư gia cố chuồng trại hỗ, trợ thức ăn tinh, vắc xin phòng bệnh… nhằm bảo đảm an toàn gia súc trong mùa đông năm nay.

Không chăn thả gia súc khi dưới 12 độ C

Đối với vật nuôi, Bộ NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo các biện pháp cấp bách phòng, chống đói, rét cho vật nuôi vụ đông xuân 2020-2021 các tỉnh phía Bắc.

Theo đó, các địa phương cần khẩn trương, chủ động hướng dẫn người chăn nuôi tẩy ngoại, nội ký sinh trùng và tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y, đặc biệt là tiêm phòng vắc xin dịch bệnh lở mồm long móng, tụ huyết trùng và dịch tả cho trâu, bò. Chú ý bệnh mới viêm da nổi cục trên đàn gia súc ăn cỏ để có biện pháp phòng chống kịp thời.

Ngoài ra, phải củng cố, che chắn chuồng trại, thu dọn vệ sinh để giữ khô nền chuồng và sử dụng rơm, rạ làm đệm ủ ấm cho vật nuôi. Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả hoặc đi làm khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 12 độ C.

Người chăn nuôi cũng cần dự trữ và cung cấp đủ thăn ăn thô xanh, thức ăn tinh cho vật nuôi, bổ sung muối, khoáng và vitamin khi nhiệt độ xuống dưới 12 độ C để tăng sức đề kháng cho vật nuôi.

Bên cạnh đó, các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; hỗ trợ vật tư, kinh phí ưu tiên cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ đồng bào dân tộc thiểu số... để gia cố, che chắn chuồng trại và mua thức ăn bổ sung cho đàn vật nuôi.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.