| Hotline: 0983.970.780

Huyện có 100% số xã xử lý rác thải làm phân bón hữu cơ

Thứ Tư 11/05/2022 , 09:15 (GMT+7)

NAM ĐỊNH Tận dụng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt và phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ đã trở thành thói quen thường nhật của người dân ở huyện Hải Hậu.

Phân loại, xử lý ngay tại nguồn

Trong khi ở nhiều vùng nông thôn, vấn nạn rác thải sinh hoạt đang là vấn đề nhức nhối thì tại huyện Hải Hậu (Nam Định), hoạt động phân loại rác tại nguồn, sử dụng thùng hoặc hố có nắp đậy xử lý rác hữu cơ thành phân bón không còn dừng ở khẩu hiệu mà thực sự đã đi vào đời sống, trở thành phong trào rộng khắp và đã thành một thói quen thường nhật của người dân nơi đây.

Hiện tại, 34/34 xã của huyện Hải Hậu, người dân đều sử dụng thùng hoặc hố có nắp đậy xử lý rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Hiện tại, 34/34 xã của huyện Hải Hậu, người dân đều sử dụng thùng hoặc hố có nắp đậy xử lý rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Bài liên quan

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu chia sẻ: Năm 2018, Hội Nông dân tỉnh Nam Định triển khai mô hình "Thu gom, phân loại và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón tại hộ gia đình", trong đó xã Hải Lý là địa phương được chọn để xây dựng mô hình điểm của tỉnh. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 1 thùng phuy nhựa, men vi sinh và hướng dẫn kỹ thuật phân loại, ủ rác hữu cơ.

Theo bà Hoa, ưu điểm của việc phân loại rác tại nguồn và xử lý làm phân bón hữu cơ là chi phí đầu tư thấp và cách thực hiện đơn giản: Người dân thu gom rác sinh hoạt có thể phân hủy, phế phụ phẩm nông nghiệp như vỏ trấu, lạc, rau màu, hoa quả hỏng, lá cây… cho vào thùng ngâm ủ với men vi sinh, đậy nắp kín trong thời gian từ 30 - 40 ngày là có thể cho ra loại phân bón hữu cơ sử dụng cho sản xuất nông nghiệp.

Qua thời gian triển khai mô hình, thói quen của người dân trên địa bàn xã Hải Lý thay đổi rõ rệt, lượng rác thải đưa ra khu xử lý tập trung giảm đi trông thấy. Đường làng, ngõ xóm không còn tình trạng rác thải sinh hoạt, rác thải sau thu hoạch nông sản vứt bừa bãi như trước...

Trên cơ sở kết quả thu được đó, được sự đồng ý của UBND huyện, Hội Nông dân huyện Hải Hậu đã chỉ đạo Hội Nông dân các xã, thị trấn triển khai nhân rộng mô hình. Đến nay, mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải thành phân bón hữu cơ tại hộ gia đình đã được triển khai ở 34/34 xã, thị trấn của huyện với hơn 38.400 thùng và hố có nắp đậy xử lý bằng men vi sinh. Nhiều xã có tỷ lệ hộ dân tham gia đông đảo từ 90 - 100% như xã Hải Thanh, Hải Phúc, Hải Quang, Hải Bắc...

Bà Phạm Thị Lụa, xóm Quang Thanh, xã Hải Quang chia sẻ về quy trình phân loại, xử lý rác thải làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Bà Phạm Thị Lụa, xóm Quang Thanh, xã Hải Quang chia sẻ về quy trình phân loại, xử lý rác thải làm phân bón hữu cơ. Ảnh: Trung Quân.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2019 - 2025, toàn bộ 34/34 xã, thị trấn đã triển khai thực hiện, vận động trên 1.800 hộ gia đình đăng ký tham gia xây dựng mô hình vườn kiểu mẫu, sử dụng phân bón hữu cơ.

"Từ khi triển khai phong trào tận dụng rác thải sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp uxử lý làm phân bón hữu cơ cho cây trồng tại huyện Hải Hậu đã mang lại nhiều lợi ích: Lượng rác thải ra môi trường đã giảm tới 60 - 70% so với trước đây, bảo vệ sức khỏe con người, đất, nước... Bên cạnh đó, người dân có thêm nguồn phân bón chất lượng, an toàn cho ra màu, cây ăn quả, hoa… tiết kiệm được chi phí đầu tư sản xuất. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao như hiện nay". 

(Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hải Hậu)

Lợi đủ đường

Về Hải Hậu hôm nay, đi dọc các con đường trải bê tông nhẵn nhụi vào thôn xóm, không khó để bắt gặp những thùng xử lý rác thải hữu cơ đặt tại góc vườn của mỗi gia đình. Khi được hỏi, bất kỳ người dân nào cũng có thể trả lời rất rành rọt về kỹ thuật phân loại, xử lý rác thải làm phân bón như một chuyên gia.

Bà Phạm Thị Lụa, xóm Quang Thanh, xã Hải Quang cho biết: Khi Hội Nông dân xã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn làm phân bón, ban đầu gia đình bà cũng như nhiều hộ dân còn ái ngại, không muốn tham gia vì hình dung nó rất rắc rối, mất thêm thời gian để học kiến thức nhận biết đâu là rác vô cơ, hữu cơ để tiến hành phân loại, kỹ thuật trộn ủ men vi sinh… Tuy nhiên, được sự động viên, hướng dẫn của cán bộ Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể, chỉ trong thời gian ngắn bà đã nắm vững kỹ thuật xử lý rác thành phân bón.

Chị Vũ Thị Thanh Dáng, xóm B, xã Hải Lý, một nhà vườn trồng hoa, cây cảnh phấn khởi vì từ khi sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất được, hàng năm gia đình chị tiết kiệm được 70 - 80% chi phí phân bón so với trước đây. Ảnh: Trung Quân. 

Chị Vũ Thị Thanh Dáng, xóm B, xã Hải Lý, một nhà vườn trồng hoa, cây cảnh phấn khởi vì từ khi sử dụng phân bón hữu cơ tự sản xuất được, hàng năm gia đình chị tiết kiệm được 70 - 80% chi phí phân bón so với trước đây. Ảnh: Trung Quân. 

“Trước đây, rác thải sinh hoạt, hay phụ phẩm sau thu hoạch nông sản bà con đều gom lại cho vào bao tải đưa ra bãi rác hoặc đốt là xong. Khi Hội Nông dân xã triển khai phân loại, xử lý rác, nghe đến thùng này thùng kia, rác này rác kia, men vi sinh... cũng ái ngại lắm. Tuy nhiên, càng làm lại càng ham vì thấy nhà cửa, ao, vườn sạch sẽ hơn, mình lại có thêm nguồn phân bón chất lượng, an toàn cho rau màu, cây ăn quả trong vườn, tiết kiệm được khối tiền mua phân bón”, bà Lụa vui vẻ cho biết.

Không chỉ xã Hải Quang mà tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hải Hậu khi được tiếp cận với phương pháp tận dụng phế phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt làm phân bón hữu cơ, những gia đình có diện tích canh tác nông nghiệp trên cơ sở những kiến thức học được đều chủ động mua thêm nguyên liệu, men vi sinh, đầu tư cơ sở vật chất để tăng khối lượng sản phẩm phân bón tạo ra, phục vụ cho sản xuất của gia đình mình.

Chị Vũ Thị Thanh Dáng, xóm B, xã Hải Lý, chủ nhân của trang trại trồng hoa, cây cảnh theo hướng hữu cơ chia sẻ: Chị có niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp xanh, an toàn. Chị sớm nhận ra rằng việc sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón hóa học sẽ làm đất nhanh bị chai, thoái hóa, dư lượng để lại trong đất lớn, ô nhiễm nguồn nước...

Theo chị Dáng, cây trồng có xanh tốt, khỏe mạnh hay không là phụ thuộc chủ yếu vào đất. Khi đất được bổ sung dinh dưỡng hữu cơ một cách khoa học sẽ trở nên tơi xốp, cây trồng sẽ khỏe mạnh, ít sâu bệnh. Từ đó, tiết kiệm được công chăm sóc, chi phí mua phân bón, thuốc BVTV...

Với suy nghĩ đó, được sự ủng hộ của gia đình, hai vợ chồng chị đã quyết định cải tạo lại khu vườn hơn 1 mẫu phát triển trồng các loại hoa, cây cảnh theo hướng hữu cơ. Ban đầu chị tự đào hố chôn rác thải tại vườn, sau đó trồng cây lên phía trên. Tuy nhiên, về lâu dài phương pháp này gặp phải hạn chế là diện tích vườn hẹp, trong khi lượng rác thải hàng ngày rất lớn. Bên cạnh đó, chất lượng phân bón làm theo phương pháp này không cao.

Khi tận dụng phế phụ phẩm làm phân bón hữu cơ, người dân có thêm nguồn phân bón chất lượng, an toàn cho ra màu, cây ăn quả, hoa…, tiết kiệm được chi phí đầu tư sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Khi tận dụng phế phụ phẩm làm phân bón hữu cơ, người dân có thêm nguồn phân bón chất lượng, an toàn cho ra màu, cây ăn quả, hoa…, tiết kiệm được chi phí đầu tư sản xuất. Ảnh: Trung Quân.

Từ năm 2018, được Hội Nông dân các cấp trang bị thêm kiến thức về việc phân loại, xử lý rác thải, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón, ngoài những thùng xử lý rác hữu cơ, hàng năm chị mua thêm 200 bao phân gà, tiến hành trộn ủ với vôi bột, men vi sinh... ủ kín trong thời gian 3 tháng để tạo ra phân bón hữu cơ chất lượng, đủ phục vụ cho sản xuất hoa, cây cảnh của mình.

“Cái lợi lớn nhất cho nhà vườn như mình là giảm công đi đổ rác vì hàng ngày lượng lá cây thải ra rất lớn. Bên cạnh đó, gia đình tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua phân bón hóa học. Trung bình mỗi năm chỉ phải mua 1 bao phân tổng hợp NPK và 1 - 2 bao lân để ủ cùng phân hữu cơ, tính ra chi phí chỉ khoảng 500.000 đồng/toàn bộ diện tích. Nếu tính chi li thì hàng năm gia đình chị có thể tiết kiệm từ 70 - 80% chi phí so với việc dùng toàn bộ bằng phân bón hóa học như trước đây”, chị Dáng cho hay.

Chị Dáng chia sẻ thêm: Hiện nay, gia đình chị đang phát triển cây cảnh để bàn, trồng hoa giá thể nên việc sử dụng phân bón hữu cơ lại càng phù hợp và được xem là giải pháp tối ưu, vừa thân thiện với môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe người làm cây cũng như người sử dụng. Do đó, khi chị đưa sản phẩm ra thị trường được khách hàng rất ưa chuộng. Thời gian tới, chị dự định thuê thêm đất, mở rộng quy mô sản xuất hướng tới vừa bán sản phẩm vừa kết hợp làm điểm tham quan, trải nghiệm để gia tăng thu nhập...

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.