Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ, trên địa bàn có tới 41 công trình hồ chứa nước, đập dâng nước chưa được bổ sung vào danh mục quản lý theo Quyết định số 1232/QĐ-UBND, ngày 26/4/2021 của UBND tỉnh Thái nguyên ban hành. Hiện nay, số công trình này đang do người dân ở các địa phương tự quản lý và khai thác sử dụng.
Trong số 41 công trình này, có 23 hồ chứa nước (có 4 công trình đã được xây dựng kiên cố, còn 19 công trình là đập đất),16 đập dâng (có 14 đập đã được xây dựng kiên cố), 2 trạm bơm điện (đã được xây dựng). Đặc biệt là có 2 đập dâng nước chỉ là đập đất và đều ở xã Bình Thuận. Tổng công suất của các công trình tưới nước cho diện tích lên tới hơn 668ha đất nông nghiệp.
Hiện tại, đã có 20 công trình đã xây dựng kiên cố và có hồ sơ kèm theo. Có tới 18 công trình chưa được đầu tư xây dựng, cũng vì vậy mà chưa có hồ sơ lưu trữ. Tuy nhiên, vẫn có một số công trình, dù đã được đâu tư xây dựng kiên cố, nhưng do thời quá lâu nên đã bị thất lạc về hồ sơ.
Địa bàn xã có nhiều hồ chứa nước nằm trong diện chưa được bàn giao quản lý là xã Tiên Hội, với 7 công trình, toàn bộ các hồ có thân đập được đắp bằng đất. Cụ thể đó là các hồ Đầm Vối, Việt Hoa, Khánh Hòa, Đầm Sen, Du Kích, Hồng Gấm và Đoàn Kết.
Theo như lãnh đạo UBND xã Tiên Hội thông tin, hiện nay toàn bộ những hồ chứa nước nói trên ở địa bàn xóm nào thì xóm đó tự quản lý. Những hồ chứa nước này được người dân địa phương sử dụng, chủ yếu dùng để bơm nước tưới cho cây chè, cây ăn quả,…
Ông Dương Trọng Hiếu, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyên Đại Từ chia sẻ: Những công trình chưa được bàn giao quản lý, nên không được cấp kinh phí vận hành. Việc nhiều hồ thủy lợi, đập dâng nước đã được xây dựng từ lâu thì càng xuống cấp nhanh hơn. Tình trạng thân đập của nhiều hồ chứa nước bị hư hỏng do thời gian hoặc bị sạt lở đất. Còn với các đập dâng nước, dễ bị bồi lắng, nhưng cơ quan chuyên môn không thể đưa vào kế hoạch sửa chữa, nạo vét và cải tạo được.
Cũng theo ông Hiếu, các công trình này đều do các xã quản lý, người dân tự khai thác sử dụng. Các địa phương cũng thi thoảng huy động nhân công là người dân tại cơ sở cùng nhau phát dọn và gia cố thân đập một cách thủ công. Nhiều hồ xuống cấp, đã không thể duy trì được mực nước theo thiết kế ban dầu, dẫn tới không phát huy được hết giá trị và làm giảm hiệu quả khai thác. Mặt khác, do không được bàn giao cho cơ quan chuyên môn quản lý nên các công trình, nhất là các hồ thủy lợi cũng không được cắm mốc danh giới, dẫn tới có tình trạng bị số ít người dân lấn chiếm lòng hồ, hành lang xảy ra.
Sau khi phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra, rà soát về các công trình thủy lợi trên địa bàn, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ đã có văn bản đề nghị Chị cục Thủy lợi Thái Nguyên xem xét, báo cáo UBND tỉnh Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT bổ sung vào danh mục các công trình hồ, đập do huyện quản lý.
Nếu được bàn giao quản lý sớm, cơ quan chuyên môn sẽ lên phương án sử dụng hiệu quả, bảo vệ công trình tránh bị hư hỏng, lấn chiếm. Đồng thời thường xuyên duy tu, bảo dưỡng để phát huy hết giá trị công trình thủy lợi, hạn chế lãng phí nguồn tài nguyên nước để phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp của người dân các địa phương được hưởng lợi từ các công trình này.