Đường đi đến đâu, người dân hiến đất đến đó
Tuyến đường liên xã Phúc Lương, huyện Đại Từ đi xã Hợp Thành, huyện Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) có chiều dài là 3,56km, đi qua 2 xóm Cầu Tuất và Thành Long của xã Phúc Lương, tổng giá trị xây dựng là hơn 13 tỷ đồng. Công trình do Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng huyện Đại Từ là chủ đầu tư, nhà thầu là liên danh Công ty TNHH xây dựng Giang Ngọc Anh – Công ty CP xây dựng Hồng Thịnh – Công ty TNHH Chuyên Anh. Đây là công trình tiêu chuẩn giao thông nông thôn, mặt đường bê tông rộng 5m, có lề đường. Dự án được khởi công từ ngày 12/8/2022, thời hạn thi công là 6 tháng, tức hết tháng 2/2023 là phải hoàn thành.
Ông Lưu Truyền Thuyết, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Giang Ngọc Anh chia sẻ: Dự tính công trình sẽ hoàn thành trước thời hạn khoảng 2 tháng, dự kiến là trong năm 2022, do điều kiện thi công rất thuận lợi về mặt bằng, bà con tạo điều kiện rất tốt cho việc xây dựng. Mặc dù gần như cả chiều dài tuyến đường đi lấn vào đất của người dân, nhưng bà con tự nguyện hiến đất để cho chúng tôi có mặt bằng để thi công.
Qua tìm hiểu, tuyến đường phải cắt cua, mở rộng vào đất của người dân nhiều, nhưng Nhà nước không phải bỏ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng. Người dân ở 2 xóm Cầu Tuất và Thành Long với chủ yếu là người dân tộc thiểu số (phần lớn là người dân tộc Tày) đã không đòi hỏi bồi thường, mà còn bảo nhau hiến đất. Theo thống kê, có 79 hộ dân đã tự nguyện hết đất cho Nhà nước, trong đó có 8 gia đình hiến từ 300m2 – gần 700m2, hơn 10 hộ dân khác hiến từ 100m2 – dưới 300m2.
Để người dân nhận thức được lợi ích xây dựng công trình
Chúng tôi đã đến nhà ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Chi bộ xóm Thành Long để tìm hiểu về phong trào hiến đất ở địa phương. Qua câu chuyện, được biết ông Quang cùng với em trai là ông Nguyễn Văn Thảo chính là gia đình hiến nhiều đất nhất cho dự án làm đường liên xã Phúc Lương, huyện Đại Từ đi xã Hợp Thành, huyện Phú Lương, với diện tích lên tới gần 700m2. Có mảnh đất kéo dài theo mặt đường tới 300m, trong đó có nhiều thửa đất đang trồng chè và đã cho thu hoạt.
Không chỉ vậy, ông Quang cũng đi vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu được việc làm đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp người dân thuận lợi trong giao thương hàng hóa, đi lại dễ dàng hơn, vì vậy mà cơ bản bà con đồng tình, phấn khởi làm theo ngay. Chỉ còn 1 số ít hộ dân còn tiếc tài sản, nhưng sau 2 – 3 lần đến nói chuyện, thì cũng chấp nhận để nhường đất cho dự án, giúp đơn vị xây dựng có thể thi công nhanh nhất.
Ông Tống Văn Bình, người đứng thứ 2 về diện tích hiến đất, lên tới gần 500m2, nếu tính theo thị trường thì giá trị lên tới gần 200 triệu đồng. So với nông thôn là tài sản lớn, nhưng cả nhà không có ai phản đối, mà còn rất đồng thuận hiến đất. Được biết nhà ông Bình là gia đình chính sách, có bố là liệt sỹ hy sinh tại Quảng Trị năm 1969 trong chiến tranh chống Mỹ.
Ông Bình cho rằng: Việc bị mất đất rất tiếc, nhưng công trình cho người dân sử dụng thì tiếc cũng phải hiến đất để mà có đường đi. Như vậy cuộc sống mới sướng hơn được, con cháu đi học thuận lợi hơn, người dân có đường đi lại sẽ đỡ khổ hơn thì mới phát triển được kinh tế.
Ngoài ra, có thể kể tên một số gia đình hiến đất với diện tích lớn để làm đường liên xã Phúc Lương, huyện Đại Từ đi xã Hợp Thành, huyện Phú Lương như: ông Tống Văn Tít hiến hơn 350m2; ông Ma Văn Vỹ hiến hơn 370m2; ông Đào Văn Phòng hiến hơn 340m2; ông Đào Văn Lương hiến hơn 350m2; ông Dương Văn Ngon hiến hơn 300m2.
Ông Triệu Văn Hưởng, Bí thư Đang ủy xã Phúc Lương, huyện Đại Từ, Thái Nguyên thông tin: Tuyến đường liên xã Phúc Lương, huyện Đại Từ đi xã Hợp Thành, huyện Phú Lương khi xây dựng được 100% người dân hiến đất, tổng diện tích là hơn 9.700m2 của 79 hộ dân thuộc 2 xóm Cầu Tuất và Thành Long. Trước đó, trên địa bàn xã đã xây dựng nhiều tuyến đường và công trình khác, số diện tích người dân hiến tổng là hơn 5ha.