| Hotline: 0983.970.780

Huyện Thới Bình chuyển đổi số gắn với xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm 06/06/2024 , 11:09 (GMT+7)

Cà Mau Huyện Thới Bình (Cà Mau) hiện có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), địa phương có nhiều nỗ lực, quyết tâm phấn đấu để về đích huyện NTM.

Nỗ lực của chính quyền địa phương

Xác định, NTM góp phần nâng cao đời sống sinh kế lâu dài cho người dân, thời gian qua, huyện Thới Bình đã rất quyết liệt trong công tác này. Địa phương đã xây dựng quy chế hoạt động, việc phân công nhiệm vụ của ban chỉ đạo; quy chế hoạt động của ban chỉ đạo đã được xây dựng ngay từ khi ra quyết định thành lập. Việc phân công rõ trách nhiệm của thành viên ban chỉ đạo đã giúp cho các thành viên chủ động hơn trong công tác tham mưu, bố trí cán bộ chuyên trách xây dựng NTM.

Tuyến đường nông thôn mới khang trang tại xã Trí Lực, huyện Thới Binh. Ảnh: Trọng Linh.

Tuyến đường nông thôn mới khang trang tại xã Trí Lực, huyện Thới Binh. Ảnh: Trọng Linh.

Đặc biệt, từ cấp huyện đến cơ sở sẽ tạo tâm lý ổn định, chuyên tâm theo dõi, giúp cho công tác tham mưu được hiệu quả, công tác tổng hợp báo cáo được nhanh, chính xác hơn. Qua đây khẳng định, với cách lựa chọn mô hình tổ chức bộ máy Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện Thới Bình thời gian qua là rất hiệu quả.

Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Bạo cho biết, để tăng cường chỉ đạo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã tổ chức kiểm tra thường xuyên tiến độ thực hiện tiêu chí nông thôn mới tại 11 xã, trong đó tập trung chú trọng xã điểm và kiểm tra kế hoạch duy trì nâng chất các xã đã đạt chuẩn NTM.

“Qua đó, kịp thời xử lý khó khăn trong quá trình thực hiện, lồng ghép triển khai và kết luận trong các hội nghị, kiểm tra, chỉ đạo cấp xã quán triệt thông suốt trong nội bộ và nhân dân hưởng ứng, thực hiện. Ban chỉ đạo xây dựng NTM cấp huyện còn phân công nhiệm vụ cho Tổ giúp việc Ban chỉ đạo và tổ chức đoàn kiểm tra theo chỉ đạo nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo theo nghị quyết, kế hoạch đề ra, nhất là các xã trong kế hoạch năm 2024”, ông Đạo chia sẻ.

Về cơ sở vật chất, trường học, huyện Thới Bình tiếp tục xây dựng, hoàn chỉnh các công trình cấp xã, cấp huyện đảm bảo đạt chuẩn cơ sở vật chất cho các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT hoặc trường phổ thông có nhiều cấp học. Kết quả, đến tháng 3/2024 toàn huyện có 46/52 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm hơn 88%.

Mục tiêu của địa phương trong thời gian tới, tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường nông thôn. Qua đó, thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung. Lựa chọn, thí điểm đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp xã, liên xã), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường.

Đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp. Trong đó, thí điểm, phát triển các mô hình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ gia đình, cấp ấp.

Mô hình liên kết giữa nông dân tại xã Trí Lực với doanh nghiệp phát huy hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình liên kết giữa nông dân tại xã Trí Lực với doanh nghiệp phát huy hiệu quả, nâng cao chuỗi giá trị. Ảnh: Trọng Linh.

Theo ông Bạo, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, thời gian qua, MTTQ các cấp trong huyện đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Qua đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM được phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM ở địa phương. Công tác tuyên truyền, vận động và phổ biến về các chủ trương, chính sách xây dựng NTM được MTTQ huyện, Ban Chỉ đạo thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các ngành, các cấp quan tâm triển khai, thực hiện.

“Điểm nổi bật trong công tác xây dựng NTM ở huyện Thới Bình trong thời gian qua là MTTQ và các tổ chức thành viên đã thể hiện sâu sắc vai trò đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong các hoạt động giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, góp ý các dự thảo văn bản, quy trình, trình tự công nhận đánh giá kết quả thực hiện tiêu chí nông thôn mới. Đặc biệt, thông qua việc tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM đã góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của MTTQ trong hệ thống chính trị, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM”, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình cho biết thêm.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Theo ông Nguyễn Hoàng Bạo, để thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM địa phương đã bám sát vào 3 nội dung chính của chương trình đó là, phát triển chính quyền số ở nông thôn; phát triển các chủ thể kinh tế số ở nông thôn, phát triển xã hội số cho cộng đồng dân cư ở nông thôn. Qua đó, góp phần hình thành NTM thông minh, nâng cao hiệu quả hoạt động của cộng đồng thông qua áp dụng chuyển đổi số, xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Mô hình nuôi cua 2 giai đoạn tại xã Thới Bình, huyện Thới Bình thành công giúp người dân phát triển bền vững trước BĐKH. Ảnh: Trọng Linh.

Mô hình nuôi cua 2 giai đoạn tại xã Thới Bình, huyện Thới Bình thành công giúp người dân phát triển bền vững trước BĐKH. Ảnh: Trọng Linh.

“Phấn đấu đến năm 2025, huyện Thới Bình đạt 100% hồ sơ công việc cấp huyện, cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; có ít nhất 50% số xã (5 xã trở lên) đạt chỉ tiêu về thông tin và truyền thông và chỉ tiêu về hành chính công theo bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao; huyện đạt chuẩn tiêu chí về an ninh trật tự - hành chính công theo bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số” ông Bạo nói.

Đồng thời, ông cho biết, phong trào thi đua “Thới Bình chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” luôn được huyện duy trì thực hiện thường xuyên, huy động được sự tham gia tích cực của các ngành, các cấp và nhân dân trong xây dựng NTM. Qua đó, nhận được sự đồng tình hưởng ứng cao của nhân dân, tạo sự quyết tâm trong nâng chất phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở, phát triển kinh tế gia đình, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đến nay toàn huyện Thới Bình có tổng số 11/11 xã đạt chuẩn NTM.

Đến tháng 5/2024 huyện Thới Bình đã phát triển được 8 sản phẩm OCOP trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm(OCOP). Trong đó, có 1 sản phẩm 4 sao cấp tỉnh, 4 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm huyện công nhận 3 sao cấp huyện. Toàn huyện hiện có có 30 HTX nông nghiệp (ngưng hoạt động là 7 HTX). Tất cả các HTX đang hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012.

Mục tiêu trong thời gian tới, huyện Thới Bình đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất. Vận động nhân dân đầu tư máy móc, thiết bị để thực hiện tốt cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tổ chức sản xuất để nâng cao thu nhập, nhất là nhân rộng các mô hình có hiệu quả.

Theo đánh giá của chính quyền địa phương, các tiêu chí, chỉ tiêu về xây dựng NTM ở huyện Thới Bình có bước phát triển khá tốt, nhất là các chỉ tiêu liên quan đến đời sống của nhân dân như: thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo… Nông nghiệp, nông thôn của huyện từng bước phát triển, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Cảnh quang, môi trường ngày càng được cải thiện theo hướng xanh – sạch – đẹp. Đời sống người dân được nâng lên. Kinh tế xã hội phát triển, cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hạ tầng thủy lợi dần hoàn thiện. Chất lượng giáo dục, khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ sử dụng điện, nước hợp vệ sinh, tham gia bảo hiểm y tế tăng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Có gì ở 'Lễ hội nông sản'?

TP.HCM 60 gian hàng nông sản, sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của các tỉnh thành trên cả nước quy tụ tại sự kiện 'Kết nối sản phẩm OCOP thường kỳ tại TP.HCM'.