| Hotline: 0983.970.780

Huyện vùng sâu phát triển mạnh chăn nuôi

Thứ Tư 25/08/2021 , 10:00 (GMT+7)

Là huyện vùng sâu của tỉnh Lai Châu, tuy nhiên huyện Mường Tè đã và đang đẩy mạnh thu hút đầu tư vào chăn nuôi, nhất là chăn nuôi trang trại, gia trại.

Thu hút đầu tư 

Ông Tống Đình Thi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Tè cho biết, đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp huyện đã đạt được một số kết quả nhất định, trong đó có phát triển chăn nuôi đàn gia súc theo mô hình liên kết nhóm hộ, hợp tác xã chăn nuôi trang trại tập trung với quy mô từ hàng nghìn con gia súc, gia cầm gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh. 

Là huyện vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên Mường Tè đã thu hút mạnh mẽ phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại. Ảnh: Đăng Hải.

Là huyện vùng sâu, vùng xa, tuy nhiên Mường Tè đã thu hút mạnh mẽ phát triển chăn nuôi, nhất là chăn nuôi quy mô trang trại, gia trại. Ảnh: Đăng Hải.

Những năm qua, triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, tại huyện Mường Tè bước đầu đã hình thành, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp vào chăn nuôi trang trại, gia trại gia súc, gia cầm tập trung, chăn nuôi có chuồng trại nhằm giải quyết nhu cầu tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người dân. 

Cụ thể như trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH Thương mại Thắng Lợi có quy mô 2.000 con lợn thịt, 300 con lợn nái sinh sản tại xã Bum Nưa; trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH MTV 24 với trên 6.000 lợn thịt, 250 lợn nái tại xã Vàng San; trang trại chăn nuôi gia súc quy mô 100 con lợn và 25 con trâu của hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hiền (thị trấn Mường Tè)…

Nhờ mạnh dạn đầu tư trên 10 tỷ đồng vào nuôi lợn tập trung, ông Nguyễn Anh Tuấn, chủ trang trại chăn nuôi Anh Tuấn ở xã Vàng San (huyện Mường Tè) cho biết, tổng đàn của trang trại hiện khoảng 2.000 con, chủ yếu tiêu thụ tại thị trường huyện, trong đó tỷ lệ lợn đen bản địa chiếm khoảng 5%. 

Tại Mường Tè, theo phong tục, lợn đen thường được người dân sử dụng vào cúng lễ những dịp lễ, Tết, không sử dụng lợn trắng. Một số dân tộc thiểu số, phụ nữ cũng không ăn thịt lợn, trâu trắng. Do đó, trang trại duy trì một lượng lợn đen bản địa cung cấp cho thị trường. 

Mường Tè khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi các giống vật nuôi bản địa. Ảnh: Bá Thắng.

Mường Tè khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi các giống vật nuôi bản địa. Ảnh: Bá Thắng.

“Trước đây lợn chỉ vận chuyển từ dưới xuôi lên, nhưng thực phẩm từ nơi khác đưa đến đã có sự khác biệt về chất lượng nhưng quan trọng nhất là nó không phù hợp với nhu cầu tập tục, thói quen sử dụng thực phẩm của người dân. Thế nên, tôi mạnh dạn đầu tư trang trại lợn tại đây mặc dù Mường Tè không phải thế mạnh về nông nghiệp. Ngay từ ban đầu, tôi xác định là vất vả, vì làm nông nghiệp không thể làm theo kiểu đánh trống bỏ rùi được”, anh Tuấn tâm sự.

Nhờ có tầm nhìn và thực hiện các bước bài bản ngay từ đầu, nên trong những đợt dịch tả lợn châu Phi mấy năm qua, trang trại Anh Tuấn không có lợn bị nhiễm bệnh.  

Anh Tuấn chia sẻ, về phòng dịch theo hướng an toàn sinh học, trang trại thực hiện nghiêm ngặt. Công nhân phải tuân thủ các quy trình, chuồng trại phải đảm bảo khử khuẩn… Do đó, lợn của dân bị nhiễm bệnh còn trang trại anh vẫn giữ được đàn.

Nguồn thức ăn cho lợn trong trang trại tuỳ thuộc từng giai đoạn. Lợn trên 50 kg, trang trại tự sản xuất cám ngô, còn dưới 50 kg sử dụng cám nhiều thành phần. Do đó, khi lợn xuất chuồng đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng trong huyện và các vùng lân cận.

Chú trọng vật nuôi đặc sản bản địa

Theo ông Tống Đình Thi, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mường Tè, hiện nay người dân vẫn nuôi lợn nhỏ lẻ, chủ yếu là nuôi lợn đen bản địa theo tập tục nhưng để mang lại hiệu quả kinh tế cao thì phải đầu tư lớn, do đó không phải ai cũng làm được.

Vì vậy, mục tiêu trọng tâm trong giai đoạn 5 năm tới của ngành nông nghiệp huyện là tiếp tục chuyển chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi tập trung công nghiệp, khuyến khích phát triển trang trại, chăn nuôi có liên kết với doanh nghiệp, nhóm hộ; phát triển các sản phẩm chăn nuôi có lợi thế của huyện, đáp ứng nhu cầu tiêu dung và cung ứng ra thị trường, góp phần vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. 

Mường Tè khuyến khích người dân liên kết với doanh nghiệp trong phát triển chăn nuôi giai đoạn tới. Ảnh: Đăng Hải.

Mường Tè khuyến khích người dân liên kết với doanh nghiệp trong phát triển chăn nuôi giai đoạn tới. Ảnh: Đăng Hải.

Từng bước chuyển từ mục tiêu chăn nuôi lấy sức kéo là chính, sang mục tiêu sản xuất thực phẩm hàng hóa; nâng cao chất lượng đàn, nâng cao sản lượng, tăng giá trị sản phẩm thịt hàng hóa; dần đưa công nghệ chế biến, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc.

Huyện định hướng đến năm 2025, tổng đàn gia súc đạt tốc độ tăng đàn bình quân đạt 4,2%/năm; thực hiện tốt các công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, xây dựng chuồng trại và chống rét cho vật nuôi. 

Phát triển đàn lợn ở các vùng trọng điểm lương thực như Mường Tè, Bum Nưa, Vàng San, thị trấn Mường Tè, Ka Lăng, Thu Lũm... để hình thành vùng chăn nuôi lợn hàng hóa tập trung theo hướng trang trại, gia trại, xa khu dân cư; chú trọng cải tạo, chọn lọc giống nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, chú trọng tạo ra các sản phẩm hàng hóa đặc sản, có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng và lợi thế của huyện như: Lợn ỉ, lợn đen địa phương và kết hợp với một số loài động vật rừng nuôi vườn hoang dã, nuôi trang trại.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Tiền Giang phát động Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Sau phát động, các ngành, các cấp cần cụ thể hóa thành kế hoạch với những nhiệm vụ, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, tổ chức thực hiện thắng lợi Đề án.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.