| Hotline: 0983.970.780

Bình Thuận: Chuyển mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang trang trại, gia trại

Thứ Tư 27/05/2020 , 11:08 (GMT+7)

Để kiểm soát dịch bệnh và môi trường, tỉnh Bình Thuận sẽ chuyển mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Vấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận với PV NNVN nhằm tái cơ cấu lại ngành chăn nuôi trên địa bàn.

 Năm 2019, chăn nuôi gặp nhiều khó khăn

Theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận, tình hình chăn nuôi, nhất là chăn nuôi lợn trên địa bàn năm 2019 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh và thời tiết nắng nóng kéo dài.

Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NV

Chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NV

Theo đó, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) phát sinh trên địa bàn tỉnh từ tháng 6/2019 đã lây lan nhanh và gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Tính đến ngày 31/12/2019, số lợn tiêu hủy trên địa bàn tỉnh là 41.947 con, tổng trọng lượng 2.627.455 kg của 2.196 hộ thuộc 47 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, TX, TP. Đều đáng chú ý, hầu hết số lợn bị tiêu hủy chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ và chưa chú trọng các biện pháp an toàn dịch bệnh.

Do đó, để giúp các địa phương phát triển chăn nuôi bền vững, Sở NN-PTNT đã có công văn số 4119/SNN-CCCNTY ngày 30/12/2019 về việc chỉ đạo tổ chức đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản nhằm bù đắp lượng thịt lợn thiết hụt do bệnh DTLCP.  Đồng thời, Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn UBND các huyện, TX, TP thực hiện tốt công tác phòng, chống bệnh DTLCP, bệnh lở mồm long móng gia súc, bệnh cúm gia cầm theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN-PTNT.

Nhờ thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, đến ngày 6/4/2020, 47/47 xã đã có quyết định công bố hết dịch bệnh DTLCP, tạo điều kiện để các hộ chăn nuôi tái đàn trở lại.

Tính đến 31/3, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trên 324 nghìn con bằng 97% so với khi chưa xảy ra dịch DTLCP. Ảnh: KS.

Tính đến 31/3, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận trên 324 nghìn con bằng 97% so với khi chưa xảy ra dịch DTLCP. Ảnh: KS.

Theo báo cáo của các địa phương tính đến ngày 31/3/2020, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là trên 324 nghìn con bằng 97% so với khi chưa xảy ra dịch DTLCP. Đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đang phát triển ổn định. Cụ thể, tổng đàn trâu, bò khoảng 175.750 đạt 100%, đàn gia cầm khoảng 3,521 triệu con đạt 103,10% so với cùng kỳ năm 2019.

Tuy nhiên theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, việc sản xuất chăn nuôi trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, tái đàn lợn tại các địa phương gặp nhiều khó khăn do các hộ gia đình không còn chăn nuôi nái sinh sản. Từ đó không chủ động con giống để thả nuôi mà phải mua từ nơi khác về với giá rất cao, lại không đảm bảo an toàn dịch bệnh. Thêm vào đó, điều kiện chăn nuôi của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chưa đảm bảo để áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học.

Ngoài ra, nắng hạn trên địa bàn kéo dài nên diện tích mặt nước để chăn thả vịt (nhất là vịt chạy đồng) bị thu hẹp. Những bãi cỏ để chăn nuôi bò cũng như các phụ phẩm làm thức ăn cho bò không đủ cung cấp nhu cầu dinh dưỡng cho đàn gia súc. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến khả năng phát triển đàn vịt và đàn bò của các địa phương như Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Do thiếu dinh dưỡng nên khả năng đề kháng của đàn bò thấp, dễ xảy ra dịch bệnh…

Tái cơ cấu chăn nuôi để phát triển bền vững

Trước những tồn tại, khó khăn, tỉnh Bình Thuận đang thực hiện tái cơ cấu chăn nuôi theo kế hoạch giai đoạn 2015-2020 trên địa bàn tỉnh đảm bảo thích ứng với tình hình dịch bệnh.

Một doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Ảnh: NV.

Một doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh Bình Thuận áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học. Ảnh: NV.

Cụ thể, tỉnh đặt mục tiêu đẩy nhanh phát triển chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng trên 8%/năm, giá trị gia tăng chăn nuôi chiếm 21% trong cơ cấu giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (năm 2014 đạt 16,35%). Nâng quy mô, nâng chất lượng đàn nuôi, đáp ứng yêu cầu an toàn sinh học, an toàn thực phẩm ngày càng cao; phát triển chăn nuôi gắn với giết mổ, chế biến tập trung với quy mô tổng đàn năm 2020 đạt 350 nghìn con heo; 200 nghìn con trâu, bò và 40 nghìn dê, cừu và 5 triệu con gia cầm, với tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 65 nghìn tấn. Đồng thời phát triển chăn nuôi tập trung chiếm 60%.

Ông Nguyễn Ngọc Vấn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bình Thuận cho biết, để đạt mục tiêu trên, trong thời gian tới tỉnh sẽ chuyển mạnh chăn nuôi nhỏ lẻ sang hình thức trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường; gắn quy hoạch phát triển chăn nuôi với hệ thống giết mổ, chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ. Chuyển giao nhanh công nghệ chăn nuôi theo hướng an toàn để phát triển chăn nuôi bền vững, khuyến khích áp dụng công nghệ cao, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất giống, thức ăn đến chế biến. Cũng như chuyển dịch cơ cấu đàn nuôi theo hướng tăng tỷ trọng các loài nuôi có giá trị kinh tế, dễ tiêu thụ, có thị trường ổn định để nâng cao thu nhập cho người trực tiếp chăn nuôi, đảm bảo cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định.

“Trong chăn nuôi gia cầm, chúng tôi cho phát triển đàn gà, vịt siêu thịt; ưu tiên phát triển đàn gia cầm theo mô hình trang trại, gia trại theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; chú ý các giống gà thịt chất lượng cao. Chăn nuôi bò thì phát triển đàn bò thịt theo hình thức trang trại, gia trại gắn phát triển trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn; ưu tiên đầu tư cho công tác cải tạo giống để nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò. Chăn nuôi heo phát triển theo phương thức nuôi trang trại tập trung và chú ý các giải pháp xử lý triệt để các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường (kể cả cơ sở nuôi hiện trạng và phát triển mới). Đồng thời sẽ cải tiến và nâng cao chất lượng đàn giống trên cơ sở mở rộng mạng lưới thụ tinh nhân tạo heo. Còn chăn nuôi dê, cừu, các loài nuôi đặc sản thì theo điều kiện của từng địa phương và nhu cầu thị trường để phát triển các hình thức, quy mô nuôi phù hợp”, ông Vấn chia sẻ.

Toàn tỉnh có 65 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao

Ông Vấn cho biết: Hiện toàn tỉnh hiện có 65 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học và dịch bệnh, với tổng đàn gia cầm trên 2 triệu con, lợn thịt 200 nghìn con, bò thịt 3 nghìn con. Trong đó có 45 trại chăn nuôi lợn gồm các Công ty như: Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Greenfarm Asia, Công ty Cổ phần chăn nuôi BaF Việt Nam, Công ty TNHH Sunjin Vina Mêkong – Chi nhánh Bình Thuận, Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản – Chi nhánh Bình Thuận và các trang trại chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn sinh học, với tổng đàn khoảng 234.868 con. Trong quá trình hoạt động, các trang trại lợn của doanh nghiệp đều thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, cũng như chăn nuôi con giống có nguồn gốc rõ ràng, tiêm phòng vacxin đầy đủ. Từ đó, các trang trại không xảy ra dịch bệnh, góp phần tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững.

Xem thêm
Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Lào Cai đẩy nhanh thu hoạch cây vụ đông, triển khai phương án vụ xuân

Sở NN-PTNT Lào Cai đề nghị các địa phương trong tỉnh tập trung chỉ đạo thu hoạch cây vụ đông và triển khai một số công tác quan trọng trong vụ đông xuân 2024-2025

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất