Tại hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn giai đoạn 2022 - 2025 do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức vừa qua, bà Mạc Tuyết Nga, Quản lý cấp cao Chương trình Cảnh quan và cà phê (Tổ chức IDH có trụ sở chính tại Hà Lan) cho biết, trong giai đoạn 2016 - 2023, đơn vị đã tổ chức phát triển vùng cảnh quan bền vững, giảm phát thải trên cây cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên. Chương trình có 3 nhóm mục tiêu chính là sản xuất bền vững, bảo tồn và an sinh xã hội.
Trong đó, sản xuất bền vững hướng tới các mục tiêu là sử dụng nước hợp lý, quản lý thảm cỏ và chất lượng cây trồng, IPM và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, quản lý dinh dưỡng đất canh tác và nâng cao nhận thức cho người nông dân.
Hạng mục bảo tồn thì IDH tổ chức đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất nông lâm kết hợp, trồng và bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên đất và nước. Mục tiêu an sinh xã hội IDH hướng đến an toàn lao động, môi trường sống an toàn, nâng cao giới và tăng thu nhập cho người dân.
Giai đoạn 2016 - 2018, IDH đã triển khai tại 65 xã bằng cách thí điểm mô hình can thiệp cấp vườn; còn giai đoạn 2019 - 2020 thực hiện thí điểm cấp xã, cụm xã với diện tích đất khoảng 20.000ha tại Tây Nguyên.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, IDH sẽ nhân rộng mô hình cấp huyện với diện tích 180 nghìn ha đất canh tác thuộc quản lý của PPI Compact; 340 nghìn ha rừng - lưu vực thuộc quản lý của PPI Compact; 145 nghìn ha được quản lý bền vững, phát thải thấp; 55 nghìn nông dân được cải thiện 15% thu nhập; 40 nghìn ha đất được phục hồi và cải tạo. Đặc biệt, 4 huyện thực hiện các giải pháp tuân thủ EUDR. Mục tiêu là 50% diện tích cà phê tại Tây Nguyên được xác minh là sản xuất có trách nhiệm vào năm 2025; 80% sản lượng cà phê Tây Nguyên đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu thị trường châu Âu.
Tổ chức IDH đưa ra chiếc lược giảm phát thải khí nhà kính đến năm 2040 là 100% có trách nhiệm và phát thải thấp.
Theo bà Mạc Tuyết Nga, Quản lý cấp cao chương trình cảnh quan và cà phê Tổ chức IDH, giai đoạn 2016 - 2023 chương trình đạt 145 nghìn ha cà phê canh tác bền vững, phát thải thấp; bảo vệ tốt 230 nghìn ha rừng. Chương trình đã giúp giảm 20% nước tưới, tăng 10% nước mặt; giảm 20% lượng phát thải carbon; giảm 10% chi phí sản xuất và 98% giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm, từ đó tăng 15% thu nhập cho các hộ tham gia.
“Thời gian tới, IDH sẽ thí điểm EUDR ở các khu vực PPI Compact và nhân rộng ra các địa phương khác theo quy trình xây dựng cơ sở dữ liệu vùng trồng; rà soát và xây dựng bản đồ rừng; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc; truyền thông về EUDR; Thí điểm cơ chế chia sẻ thông tin và thiết kế giải pháp đảm bảo sinh kế cho nông hộ”, bà Nga thông tin.