BRICS được thành lập vào năm 2009 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với Nam Phi tham gia 2 năm sau đó. Mặc dù ban đầu nhóm này được định hình là một nền tảng cho các hoạt động đầu tư lẫn nhau và ổn định tài chính, nhưng sau đó BRICS đã phát triển thành một diễn đàn với chương trình nghị sự mở rộng hơn, bao gồm cả các vấn đề an ninh.
Theo Brazil, việc gia nhập của Indonesia đã được BRICS bật đèn xanh vào năm 2023, nhưng quốc gia Đông Nam Á này đề nghị tham gia sau cuộc bầu cử Tổng thống của họ vào năm 2024. Theo đó, ông Prabowo Subianto đã nhậm chức Tổng thống Indonesia hồi tháng 10.
"Indonesia chia sẻ với các thành viên khác của BRICS ủng hộ cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc làm sâu sắc hơn hợp tác ở Nam bán cầu", chính phủ Brazil cho biết trong một tuyên bố.
"Với quy mô dân số và nền kinh tế lớn nhất ở Đông Nam Á, Indonesia sẽ tham gia cùng với các thành viên khác cam kết cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc làm sâu sắc hơn hợp tác Nam-Nam", Indonesia nói thêm.
Năm ngoái, BRICS đã được mở rộng khi kết nạp thêm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) với tư cách là thành viên chính thức. Các quốc gia như Belarus, Bolivia, Kazakhstan, Thái Lan, Cuba, Uganda, Malaysia và Uzbekistan nằm trong danh sách các quốc gia sẽ trở thành đối tác của BRICS trong năm nay.
Hơn 20 quốc gia khác cũng đã thể hiện sự quan tâm đến việc hợp tác với BRICS, theo các quan chức cấp cao của Nga. Moscow đã giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm vào năm 2024.