Rủi ro
Theo các chuyên gia dịch tễ, quốc gia đông dân nhất Đông Nam Á đang đặt cược rủi ro khi đánh giá quá cao vào vacxin Covid-19 do các hãng dược phẩm Trung Quốc sản xuất. Động thái này cũng đang bị hoài nghi là giữa giới chức Bắc Kinh và Jakarta đang có những giao kèo ngoại giao đầy toan tính lợi ích ở phía sau.
Hồi đầu tuần trước, Indonesia đã tiếp nhận đợt đầu tiên tổng cộng 1,2 triệu liều vacxin Covid-19 do hãng dược Sinovac của Trung Quốc sản xuất và dự kiến sẽ có thêm 1,8 triệu liều nữa sẽ được chuyển đến xứ vạn đảo vào tháng tới. Ngay lập tức động thái trên đã bị các chuyên gia cho rằng việc nhập khẩu vacxin chóng vánh này có thể kèm theo những ràng buộc không được công bố.
Trong một bài báo do Viện Yusof Ishak có trụ sở tại Singapore xuất bản trong tháng này, hai chuyên gia Ardhitya Eduard Yeremia và Klaus Heinrich Raditio cho biết: “Chính sách ngoại giao vacxin của Trung Quốc không phải là vô điều kiện. Bắc Kinh có thể sử dụng việc tài trợ vacxin Covid-19 của mình để thúc đẩy các chương trình nghị sự trong khu vực, đặc biệt là về các vấn đề nhạy cảm như tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông".
Indonesia, quốc gia đông dân số thứ 4 thế giới với 270 triệu người, đến nay đã có hơn nửa triệu trường hợp lây nhiễm coronavirus và khoảng 18.000 ca tử vong. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, tỷ lệ lấy mẫu thử nghiệm thấp cũng đồng nghĩa là những con số bệnh nhân chính thức được cho là thấp hơn nhiều so với thực tế.
Trở lại vấn đề đại dịch coronavirus, Indonesia đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm vacxin Sinovac “made in China” trên người từ hồi mùa hè vừa qua và hiện loại vacxin này vẫn chưa được các cơ quan quản lý của Trung Quốc hoặc Indonesia phê chuẩn.
Trong khi đó, theo một dự án theo dõi vacxin của Đại học Duke (Mỹ), đến nay Jakarta đã ký hợp đồng mua hơn 350 triệu liều vacxin từ nhiều nhà cung cấp khác nhau, bao gồm cả AstraZeneca (của Anh và Thụy Điển). Tuy nhiên theo các nguồn tin địa phương, phần lớn các lô vacxin được nhập khẩu về Indonesia sẽ đến từ các nhà cung cấp Trung Quốc, chủ yếu là của Sinovac và Sinopharm.
Evan Laksmana, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở tại Jakarta cho biết: “Thương vụ hợp tác vacxin với Trung Quốc là hồ sơ tầm cỡ nhất. Nó sẽ tạo ra những mối liên can và tác động tiềm tàng xuyên suốt (và) Indonesia sẽ buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào chuỗi cung ứng vật tư, thiết bị y tế của Trung Quốc về lâu về dài ở mức độ cao".
“Trò chơi đi trên dây” của Jakarta
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Indonesia và quốc gia vạn đảo là nơi có nhiều dự án của Bắc Kinh, bao gồm cả tuyến tàu cao tốc nằm trong dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động kể từ sau khi nhậm chức.
Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Jakarta thời gian qua cũng không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Hồi tháng Giêng năm nay, quân đội Indonesia đã triển khai máy bay chiến đấu và tàu chiến để tuần tra quần đảo Natuna sau khi lực lượng bảo vệ bờ biển và tàu đánh cá Trung Quốc đi vào khu vực rìa Biển Đông, cùng với các phản đối trên mặt trận ngoại giao.
Trong khi đó, Mỹ lâu nay vẫn coi Indonesia là một đối tác chiến lược quan trọng nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, cũng như phản đối các hoạt động quân sự gây tranh cãi của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Marcus Mietzner, phó giáo sư thuộc Đại học Quốc gia Australia, cho biết: “Indonesia đang chơi bài đi giữa hai là đạn khá thông minh để tránh bị mếch lòng với một trong hai cường quốc. Một mặt họ vẫn tuyên bố rằng sẽ không chấp nhận đề nghị sâu xa của Trung Quốc về việc xây dựng một căn cứ quân sự ở Indonesia (dù không rõ liệu Bắc Kinh có thực sự đưa ra yêu cầu đó hay không), nhưng sự từ chối của họ đã ghi điểm với phương Tây".
Theo các nhà phân tích, chiến dịch ngoại giao vacxin giữa Washington và Bắc Kinh mặc dù đã giảm bớt căng thẳng trong thời gian gần đây do bầu cử ở Mỹ cũng như tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn phức tạp.
Tuy nhiên với Indonesia bất chấp điều đó, mối quan hệ với Trung Quốc vẫn rất được coi trọng thể hiện qua chương trình ngoại giao vacxin với Bắc Kinh. Nhà nghiên cứu Laksmana cho biết: “Cho đến nay, vẫn chưa có bất kỳ sự đánh đổi nào liên quan đến vacxin nhưng người dân Indonesia đều nhận thức được vấn đề và tình thế khó khăn trong chính sách đối ngoại hoặc điều gì đó có thể (phương hại) đến mối quan hệ với Trung Quốc".
Trong suốt nhiều tháng qua, Bắc Kinh liên tục cam kết và hứa hẹn rằng, các quốc gia nghèo hơn sẽ được ưu tiên tiếp cận với các loại vacxin Covid-19 do nước này sản xuất. Điều này được các chuyên gia phân tích quốc tế cho là một trong những nỗ lực nhằm sửa chữa hình ảnh đã bị hoen ố bởi đại dịch, bắt đầu khởi phát ở thành phố Vũ Hán, miền Trung Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.