| Hotline: 0983.970.780

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật

IPM hết sức ý nghĩa và mang lại rất nhiều lợi ích

Thứ Sáu 26/06/2020 , 09:06 (GMT+7)

Chương trình đào tạo giảng viên IPM đã được khởi động lại sau 28 năm. Báo NNVN đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN-PTNT.

Ông Hoàng Trung, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật. Ảnh: Ngọc Thắng.

Ông Hoàng Trung, Cục Trưởng Cục Bảo vệ Thực vật. Ảnh: Ngọc Thắng.

Thưa ông, chương trình đào tại giảng viên IPM (TOT) được khởi động lại. Cụ thể là ngày 23/6 đã khai giảng khóa đào tạo cho 30 học viên các tỉnh phía Nam. Xin ông cho biết đôi nét về ý nghĩa của chương trình này?

IPM là một chương trình hết sức ý nghĩa và mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân và nền nông nghiệp. Bắt đầu từ năm 1992, chương trình đã được tiến hành với sự tài trợ của FAO và sự nỗ lực của Bộ NN-PTNT cùng các địa phương.

28 năm qua, chương trình đã đào tạo được một khối lượng gần 3.000 giảng viên IPM. Hàng nghìn lớp FFS, với hàng triệu nông dân tham gia làm thí nghiệm và kiểm soát hệ sinh thái, thiên địch ngoài đồng ruộng.

Sau đó, nông dân tự chủ động các biện pháp để phòng trừ các loại sâu bệnh. Đây là chương trình tạo sự chủ động cho người dân trên các nguyên tắc: Bảo đảm trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, người dân trở thành chuyên gia thực sự trên đồng ruộng của mình.

Trong những năm qua, chương trình đạt được nhiều thành quả, tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển tới người dân một cách nhanh chóng để áp dụng trực tiếp trên đồng ruộng.

Qua đó, đã thay đổi nhận thức của người dân một cách mạnh mẽ. Bà con nông dân thấu hiểu khi nào và đối tượng sâu bệnh nào nên phun, cần phải sử dụng các biện pháp kỹ thuật nào.

Theo đó, trên bình diện chung đã giảm đáng kể số lần phun thuốc BVTV, bảo vệ được môi trường, hệ sinh thái, nhất là thiên địch trên đồng ruộng. Đây cũng là nguyên tắc để hướng đến nền nông nghiệp sạch. Áp dụng được đúng các nguyên tắc này sẽ có một nền sản xuất nông nghiệp bền vững.

Kiểm tra lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Kiểm tra lúa. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thưa ông, với kết quả và ý nghĩa thiết thực như vậy, mục tiêu phải hướng đến trong thời gian tới là gì?

Thứ nhất, Cục Bảo vệ Thực vật chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh chương trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM đối với các loại cây trồng. Việc này đã được thực hiện từ năm 2015 đến nay.

Thứ hai, Cục cũng đã kết hợp với tổ chức FAO xây dựng lại khung chương trình cho các lớp đào tạo giảng viên IPM, cũng như lớp đào tạo nông dân tham gia thí nghiệm để cập nhật tình hình mới hiện nay.

Hiện nay có rất nhiều vấn đề mới cần phải cập nhật và thay đổi.

Một là, tình hình biến đổi khí hậu dịch bệnh cũng sẽ thay đổi theo.

Hai là, việc sử dụng các loại vật tư đầu vào, thuốc BVTV và phân bón phải  theo chủ trương của Chính phủ, của Bộ NN-PTNT. Tập trung sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học để giảm thiểu tối đa hóa chất.

Đồng thời, cũng phải đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên đồng ruộng. Theo đó, các nội dung khoa học, chương trình thí nghiệm mới nhất được đưa vào đào tạo.

Đối với chương trình IPM của lớp giảng viên cũng được bổ sung thêm 12 chuyên đề thiết thực nhất. Các chuyên đề này vừa mang tính bao quát, vừa mang tính xu thế bảo đảm sản xuất nông nghiệp bền vững.

Làm sao để sản phẩm đầu ra đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, phục vụ xuất khẩu và mang lại giá trị cao. Đó là những cái người dân cần, các địa phương cần và ngành nông nghiệp cần hơn bao giờ hết.

Học viên khóa đào tạo giảng viên IPM được cán bộ của Trung tâm BVTV phía Nam hướng dẫn, tìm hiểu ngay trong phòng thí nghiệm của Trung tâm.

Học viên khóa đào tạo giảng viên IPM được cán bộ của Trung tâm BVTV phía Nam hướng dẫn, tìm hiểu ngay trong phòng thí nghiệm của Trung tâm.

Chính vì vậy, cho đến nay điều đầu tiên cần phải thực hiện đó là tổ chức các lớp IPM. Cục sẽ mở một lớp ở phía Nam, một lớp ở phía Bắc và nhiều lớp ở các nơi khác trong thời gian tới. Không chỉ IPM trên cây lúa mà sắp tới chúng tôi còn thực hiện IPM trên cây ăn quả.

Đặc biệt, là những loại cây ăn quả chủ lực với diện tích và sản lượng lớn. Đó là định hướng mà Bộ NN-PTNT chỉ đạo Cục Bảo vệ Thực vật tập trung nguồn lực cũng như kêu gọi các nguồn lực để thực hiện các chương trình này trong thời gian tới.

Thưa ông, khi đào tạo xong các học viên này sẽ phải làm gì khi về địa phương?

Các lớp IPM này mang tính chất đào tạo giảng viên. Tất cả những kiến thức mới nhất đều được cập nhật trong chương trình này.

Ngoài 12 chuyên đề thì có cả một khung về nội dung tập huấn cho IPM sẽ được tập huấn ở đây. Khi các học viên tốt nghiệp lớp này họ sẽ trở thành giảng viên IPM.

Khi trở về địa phương họ góp phần xây dựng được ngay kế hoạch để tổ chức các lớp IPM. Những kiến thức thu nhận được ở đây sẽ mang về truyền tải lại cho các cán bộ kỹ thuật ở địa phương và từ đó sẽ lan tỏa ra.

Trách nhiệm của Cục Bảo vệ Thực vật là đào tạo các lớp giảng viên nguồn. Khi có giảng viên về địa phương họ sẽ có kế hoạch và tự tổ chức các lớp IPM ở đó. Rồi tổ chức các lớp FFS cho nông dân trải nghiệm và được học tại địa phương của mình.

Tôi nghĩ làm theo các bước và tính chất lan tỏa như vậy thì mới có thể phủ khắp được 63 tỉnh thành. Khi các giảng viên đã nắm được những kiến thức cơ bản được trang bị ở khóa đào tạo này sẽ xác định được vấn đề mà địa phương mình đang cần gì?

Tùy vào nhu cầu của từng nơi mà chủ động. Ví dụ như Bình Thuận, Long An ngoài cây lúa ra, thanh long là một cây chủ lực cần tập trung làm dịch hại tổng hợp trên cây trồng đó. Hoặc những nơi khác có những trái cây giá trị cao như sầu riêng, xoài thì căn cứ vào điều kiện của từng tỉnh để xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp IPM.

Nhân đây ông có thể nói đôi chút về hiệu quả của mô hình ruộng lúa bờ hoa ở ĐBSCL?

Mô hình ruộng lúa bờ hoa ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Mô hình ruộng lúa bờ hoa ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Đây là chương trình phải nói là rất tốt, rất ý nghĩa và mang tính chất bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái rất lớn. Ruộng lúa bờ hoa tức là ven các thửa ruộng có trồng các rặng hoa màu sắc rực rỡ.

Nó có tác dụng dẫn dụ các côn trùng gây bệnh, gây hại đến đó để người dân tập trung xử lý rất hiệu quả.

Ngoài tác dụng dẫn dụ tập trung xử lý thì tất cả cây trồng cũng đều có chu trình sinh trưởng và phát triển, bản thân các cây hoa này cũng sẽ trở thành phân bón hữu cơ rất tốt trên đồng ruộng.

Mô hình này ở ĐBSCL hiện nay sử dụng khá nhiều. Tuy nhiên, đánh giá một cách cụ thể thành công và hạn chế sâu bệnh thì chúng ta cũng cần có hội đồng để đánh giá lại.

Cái gì tốt thì tiếp tục nhân rộng, cái gì cần bổ khuyết thì sẽ khắc phục. Ruộng lúa bờ hoa cũng là một trong những biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, sử dụng hệ sinh thái trên đồng ruộng.

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi nào thật cần thiết là tư duy rất tốt

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi nào thật sự cần thiết. Ảnh: LHV.

Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi nào thật sự cần thiết. Ảnh: LHV.

Trước hết phải nói là người nông dân của chúng ta trong cả nước rất thông minh và sáng tạo.

Chúng ta thấy rằng ở phía Bắc cũng như trong Nam có những biện pháp kỹ thuật mà bà con nông dân đã chủ động sáng tạo trước rồi.

Trong những năm gần đây, người dân rất chú trọng đến việc tạo ra các sản phẩm chất lượng. Vì mục tiêu đầu ra phải có những sản phẩm như thế thì mới đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Bà con nông dân chỉ sử dụng thuốc BVTV khi nào thật sự cần thiết đấy là tư duy rất tốt. Chứ không phải là cứ bảy ngày một lần chạy ra phun, hoặc nhìn thấy con gì cũng phun. Đấy là những thay đổi hoàn toàn.

Ngoài ra, khi lựa chọn thuốc BVTV nếu có thuốc sinh học thì lựa chọn trước. Trong trường hợp không có thuốc sinh học để diệt trừ các đối tượng sinh vật gây hại đó thì họ lựa chọn các thuốc BVTV thế hệ cao để lại các tồn dư rất ít và không còn lưu trữ trong đất. (Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV)

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Nước, nguồn sống và nỗi lo: Khi ngập úng 'kéo lên' đô thị vùng cao

Sơn La Tình trạng ngập úng kéo dài không chỉ gây xáo trộn cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất nông nghiệp của người dân tại TP Sơn La.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.