"Các chính phủ Hồi giáo cần phải chấm dứt ngay lập tức các vụ rải bom của Israel ở Dải Gaza. Con đường xuất khẩu dầu và lương thực sang Israel cần bị chặn lại", Lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei phát biểu hôm 1/11
Ông tuyên bố rằng Israel "hiện đang ở trong tình trạng sốc và tuyệt vọng và không biết phải làm gì", đồng thời chỉ ra rằng cuộc xung đột ở Gaza đã khiến nhiều người xuống đường biểu tình và lên án hành động của Israel, không chỉ ở các quốc gia Hồi giáo, mà còn ở Mỹ và Tây Âu.
Vào giữa tháng 10/2023, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian cũng đưa ra một lời kêu gọi tương tự, yêu cầu các quốc gia Hồi giáo áp đặt lệnh cấm vận dầu mỏ "toàn diện và ngay lập tức" đối với Israel.
Tuần trước, Hạ viện chính quyền miền Đông Libya, nằm ở thành phố Tobruk, cũng yêu cầu chính phủ ngừng xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt sang các quốc gia ủng hộ Israel nếu Tel Aviv không chấm dứt chiến dịch quân sự của mình. Các nhà lập pháp cũng kêu gọi trục xuất đại sứ của các nước ủng hộ Israel tại nước này.
Cũng trong tháng 10/2023, hãng tin AP dẫn lời Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani cảnh báo rằng “nguồn cung dầu Trung Đông cho thị trường quốc tế có thể bị gián đoạn nếu các quốc gia khác tham gia cuộc xung đột giữa Israel và Hamas”.
Iran, bên cạnh việc là nhà sản xuất dầu mỏ thứ 8 thế giới, cũng có khả năng chặn eo biển Hormuz, nối Vịnh Ba Tư với Vịnh Oman và Biển Ảrập. Đây là tuyến vận tải huyết mạch lưu thông khoảng 1/3 lượng dầu vận chuyển bằng đường biển trên thế giới.
Hồi năm 1973, các quốc gia Ảrập từng áp lệnh cấm xuất khẩu dầu mỏ với Mỹ và các nước phương Tây nhằm phản đối sự ủng hộ của các nước này với Israel trong Chiến tranh Yom Kippur, điều này sau đó đã dẫn đến một cuộc suy thoái kinh tế.