Đây là nơi đất hẹp người đông, luôn luôn phải đối mặt với khẩu hiệu "phá xiềng 3 sào" mà vẫn có trang trại gần 300ha trồng chuối xuất khẩu. Vậy làm cách nào để anh Thành có nguồn đất rộng lớn như vậy mà không vướng vào quy chế hạn điền?
Hiện trang trại của anh Thành có 3 khu đất chính:
1/ Khu đất thuộc cụm các tỉnh phía Bắc, anh thuê lại của bà con ở các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Thanh Hóa, gom tất cả lại được 100ha.
2/ Khu đất ở Gia Lai, cũng thuê lại của nông dân với diện tích 100ha.
3/ Khu đất ở miền Tây, thuộc vùng Cờ Đỏ, Sông Hậu (Cần Thơ) có 87ha. Với quỹ đất lớn như vậy anh chỉ sở hữu được 30ha mua ở khu vực Gia Lai và 10ha ở khu vực sông Hậu. Tất cả quỹ đất này đều dùng trồng chuối để xuất khẩu.
Được hỏi, làm sao một lúc anh có nguồn vốn lớn để có trang trại rải khắp đất nước như vậy, và làm thế nào để quản lý mọi hoạt động của trang trại? Anh Thành trả lời đầy tự tin rằng: Thiếu vốn thì liên kết với những người cùng chí hướng để có vốn. Vấn đề chính là cách tổ chức và có tầm nhìn hợp với thời cuộc. Dựa vào thực tế của địa hình, trang trại được chia thành 3 cụm theo vùng địa lý và sinh thái khác nhau. Từng cụm được tổ chức gọn nhẹ về mặt hành chính, quản lý lao động, chăm sóc, thu hoạch, chế biến,đóng gói và bảo quản. Mỗi cụm có một nhóm kỹ thuật thuộc biên chế của trang trại. Lực lượng lao động, chính là các chủ đất đã cho trang trại thuê trồng chuối.
Cách tổ chức như vậy người nông dân vẫn lao động trên mảnh đất của mình mà vẫn có lương và tiền cho thuê đất để sinh sống. Đấy là lực lượng tạo ra sản phẩm. Nhưng là đơn vị vừa sản xuất vừa chế biến xuất khẩu thì việc hiểu biết thị trường là khâu trọng yếu. Khâu này bao gồm một nhóm cán bộ có trình độ giao tiếp và khai thác thông tin tốt, đứng đầu là Tổng giám đốc Phạm Năng Thành. Dựa trên nhu cầu và thị hiếu về sản phẩm mà trang trại dành sản phẩm của cụm các tỉnh miền Bắc để xuất khẩu sang Trung Quốc, còn sản phẩm của 2 cụm thuộc các tỉnh phía Nam để xuất cho các nước như Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản.
Được biết để cho sản phẩm của trang trại được khách hàng khó tính chấp nhận, thì trang trại đã tuân thủ áp dụng quy trình sản xuất và chế biến đóng gói, bảo quản theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo đó trang trại đã sử dụng tỷ lệ bón 50% phân hữu cơ và 50% là phân hóa học, và ngưng bón phân trước thu hoạch khi quả chuối đã ngừng tăng trưởng. Với quy trình này cứ 2 tháng bón 1 kg phân gà hay phân hữu cơ chế biến cho một gốc chuối, và sử dụng phân NPK 15-15-15 bón cho mỗi gốc 200g, mỗi năm bón 4 - 5 lần theo mức quy định như vậy.
Trang trại cũng rất hạn chế sử dụng thuốc hóa học và khi chế biến cũng không sử dụng hóa chất bảo quản, chỉ sử dụng phèn chua rửa chuối để diệt khuẩn, sau đó bảo quản ở nhiệt độ 13 - 14oC.
Trong quá trình sản xuất do trang trại nằm phân tán nên mới sử dụng cơ giới cho quá trình làm đất, vận chuyển. Các khâu khác còn sử dụng lao động thủ công. Nhưng nhờ có đội ngũ công nhân được đào tạo kỹ nên sản phẩm luôn luôn được bảo đảm đủ tiêu chuẩn theo khách hàng của nhiều nước.
Mô hình tổ chức trang trại của anh Thành đã giúp làm giảm nhẹ mối lo âu về tích tụ ruộng đất trong khung cảnh làm ăn lớn, người nông dân không ly nông mà vẫn có đời sống hàng ngày được nâng cao một cách ổn định. Như vậy là dù không có đất vẫn làm được trang trại lớn. |