| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 08/02/2024 , 08:50 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:50 - 08/02/2024

Kẻ tha phương được trở về nhà ngày Tết cổ truyền

Kẻ tha phương mỗi năm được trở về nhà ngày Tết, như một sự chìm đắm, không rõ ngậm ngùi hay hân hoan, nhưng vẫn nghe lòng trong lành những thanh âm xao xuyến.

Kẻ tha phương dù mải mê danh lợi cũng bất giác bần thần trước mênh mông tiếng gọi quê nhà ngày Tết. Tháng Chạp bao giờ cũng vội vàng trong mắt kẻ tha phương. Tháng Chạp bao giờ cũng hấp tấp trong lòng kẻ tha phương. Vì vậy, càng nhiều tuổi, tôi càng thấy sốt ruột khi thời gian nhích dần vào khoảnh khắc tất niên mà mình chưa kịp trở về ngôi nhà thơ ấu.

Trở về, để nghe con sông ngày cũ còn dội lại những đợt sóng dại khờ một thuở nôn nao. Trở về, để nghe mái hiên ngày cũ còn vương lại những vệt rêu nhạt nhòa hồi tưởng im lìm. Trở về, để được cùng người thân ngồi quanh bữa cơm chiều cuối năm.

Bây giờ, ngày Tết rất nhạt! Nhiều người bảo vậy, vì ai cũng ngao ngán những chúc tụng đãi bôi, những tiệc tùng tốn kém. Thế nhưng, nếu đừng nhìn sự ồn ào nghi lễ mà hướng theo sự chân thành đối đãi, thì ngỳ Tết vẫn là món quà vô cùng thiêng liêng của trời đất, của tổ tiên dành cho mỗi người Việt Nam.

Khi công nghệ thông tin càng kết nối toàn cầu thì thế giới trở nên mênh mông. Chưa thể thoải mái sải cánh tự do như những cánh chim không cần hộ chiếu, nhưng người Việt Nam đã có cơ hội đặt chân đến nhiều miền đất mới mẻ và xa lạ. Thậm chí, người Việt Nam du lịch nước ngoài phổ biến như quý bà dạo gót siêu thị thường xuyên. Cũng mang thân phận chọn chốn sinh sống có khoảng cách với nơi chôn nhau cắt rối, tôi đã hiểu rằng, khi mình không còn quẩn quanh những quan hệ hạn hẹp. Cất bước đi xa bỗng nghe lòng rộng hơn vì những bùi ngùi, những nhớ nhung, những rối bời, những mong ngóng, những hoang mang.

Đôi khi xiêu vẹo trước bao bất trắc tha phương, chợt nhận ra tình cảm quê hương không phải là thứ tình thương chiếu cố, mà bền chặt và sắt son. Cho nên, tranh thủ ngày Tết để hít thở không khí xóm làng từng nuôi nấng tâm hồn mình, cũng là một phúc phận đáng trân trọng từng phút giây. Cho nên, một câu hát có vẻ ngây ngô “Tết, Tết, Tết, Tết đến rồi” cũng khơi dậy một miền xao xuyến bất ngờ.

Ngày Tết để thăm viếng, ngày Tết để lo toan, ngày Tết để suy tư, ngày Tết để nghỉ ngơi. Hoặc đơn giản, ngày Tết chỉ như cái cớ để bận bịu. Với những ai đang xa gia đình, ngày Tết là phép cộng của mọi niềm riêng, vì ngày Tết để trở về. Một nếp nhà lặng lẽ, một con đường quanh co, một ngõ nghèo hiu hắt… đều sáng lên, đều gọi đến những bâng khuâng không thể nào phân định thực hư từng bịn rịn, từng giăng mắc, từng yếu mềm, từng mong manh.

Ngày Tết trở về, với kẻ tha phương, thành bại ra sao chưa cần tính toán chi li, chỉ biết một sự thật giản dị là trái tim mình đã ngổn ngang gió sớm mưa chiều. Ngày Tết trở về, trong mông lung vắng lặng, mà thẩn thờ với bậc thềm xưa lưng còng dáng nội, mà bồi hồi với buổi chợ xưa áo mẹ mờ sương. Đời người ngỡ chừng dài lắm, sao mùa trùng phùng nào cũng ngắn ngủi, sao dịp tao ngộ nào cũng chóng qua. Ánh mắt vừa chào nhau kiêu hãnh thuở rực rỡ thanh xuân, thoáng đó đã chùng chình nét nhìn ái ngại già nua. Con người nhỏ bé và thúc thủ trước thời gian, nếu không có ngày Tết phục hồi dòng trôi ký ức hanh hao.

Mỗi năm có thể nhuộm lại mấy lần tóc bạc, nhưng mỗi năm vỏn vẹn một ngày tất niên. Tôi luôn cố gắng có mặt ở ngôi nhà thơ ấu trước giao thừa, bằng sự rộn ràng của một đứa trẻ chờ nhận phong bì mừng tuổi. Bởi lẽ, tôi đang có được sự may mắn vô biên của một người vẫn còn cha mẹ cao niên để nhắc nhở, để cưu mang. Ngày tất niên, một bữa cơm cuối năm, không cần món ngon đắt tiền hay chén đũa diêm dúa, mà chỉ cần đủ mặt thân nhân. Sự ân cần của bậc trưởng thượng, sự lễ phép của lứa hậu bối làm xanh thêm mỗi cọng rau, làm ngọt thêm mỗi chén canh. Gia vị tình thương nêm nếm không chút dè xẻn, làm nên đại tiệc sum vầy.

Kẻ tha phương mỗi năm được về quê ngày Tết, như một sự chìm đắm, không rõ ngậm ngùi hay hân hoan. Cho nên bữa cơm chiều cuối năm bao giờ cũng chậm rãi những thấu hiểu và cảm thông. Càng trải nghiệm càng nhận ra ý nghĩa vừa nồng nàn vừa run rẩy của ngày Tết, để giọng nói từ tốn lại, để tiếng cười chừng mực hơn.

Bữa cơm chiều cuối năm, không ai muốn rời đi sớm, cứ nấn ná với kỷ niệm, cứ nôn nao với hoài vọng, cứ dông dài với gửi trao. Kết thúc bữa cơm chiều cuối năm, nghĩa là đã thấy thêm một mùa đoàn tụ vụt mất sau lưng mình. Vẫn biết cuộc sống luôn tiếp nối, đường đê tiếp phố dài, cao tốc nối vạn dặm, nhưng không thể không có những dự phóng được nhấn nhá lạc quan cho năm mới. Dẫu nặng trĩu nhiều bất an thì đất đai sẽ tái sinh, thiên nhiên sẽ chữa lành cho những con người còn biết trân trọng và yêu thương con người. 

Vòng quay sinh ly tử biệt dằng dặc áo cơm và danh lợi. Tôi ngờ rằng, ngày Tết đã trở thành sứ giả duy nhất mang theo tin cậy và ấm áp đến cho chúng ta. Như tôi mùa xuân này, được trở về nhà, nghe một mùi nhang trầm bay trong chiều cuối năm, thổn thức như hương thơm từ cành hoa trên tay cô gái hôm nao bước ngược rung động trẻ trai đời mình.  

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm