Kéo dài thời gian khai thác cát biển
Đánh giá sơ bộ từ Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, đối với nguồn cát biển, đến nay, UBND tỉnh đã xác nhận 2 mỏ (tại Tiểu khu B1.1 và B1.2), do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C tiến hành khai thác, với trữ lượng gần 5,5 triệu m3, diện tích khoảng 200ha, phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2021 – 2025.
Tuy nhiên, vừa qua Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP là một trong những nhà thầu liên danh tham gia thi công gói thầu số 12, dự án thành phần 4 (thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng) và Dự án Đầu tư Xây dựng cầu Đại Ngãi, đã đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng giao thêm mỏ cát biển, khai thác theo cơ chế đặc thù, thuộc khu B1 tỉnh Sóc Trăng (Tiểu khu B1.3) phục vụ cung ứng cát san lấp cho 2 dự án này.
Trước đề xuất này, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có văn bản thống nhất để Tổng Công ty Xây dựng số 1 - CTCP tiến hành khảo sát, đánh giá, khoanh định cụ thể vị trí, khu vực đề nghị khai thác mỏ cát biển.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã làm việc với các sở, ngành, đơn vị có liên quan, thống nhất đề xuất, điều chuyển khoảng 1,2 triệu m3 cát từ 2 mỏ cát biển ở Tiểu khu B1.1 và B1.2, cung ứng cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi 2 (300.000m3) và Dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (900.000m3).
Đơn vị cũng đề xuất UBND tỉnh Sóc Trăng có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ cấp phép khai thác theo quy định.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, thời gian qua, địa phương rất quan tâm đến việc cấp phép khai thác mỏ cát biển và cát sông, phục vụ nhà thầu triển khai các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh và quốc gia.
Trước đề xuất của các đơn vị, ông Lâu đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh có văn bản đề nghị các Bộ, ngành trung ương trình Chính phủ cho phép kéo dài thời gian khai thác cát biển hàng ngày. Mặt khác, phối hợp với các đơn vị điều chỉnh Quyết định giao khu vực khai thác cát biển, cho dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh tiếp tục lập hồ sơ để tiếp tục khai thác cát biển tại mỏ B1.3.
Hiện nay, tỉnh Sóc Trăng đã giao cho Ban quản lý dự án 2 và Sở Tài nguyên và Môi trường thuê đơn vị đánh giá tác động môi trường từng đoạn, đoạn nào phù hợp thì sử dụng cát biển và lập thành hồ sơ kỹ lưỡng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn cát phục vụ các dự án cao tốc, ông Lâu đề nghị các đơn vị liên quan phải quyết tâm, quyết liệt, dồn hết công sức để thực hiện các công trình giao thông trọng điểm. Quá trình khai thác, vận chuyển cát, phải thực hiện đúng quy định, lắp đặt camera giám sát hành trình các phương tiện.
Đổi mới công nghệ khai thác cát sông
Với mỏ cát sông MS05 tại xã An Thạnh Nhất và An Thạnh Đông (huyện Cù Lao Dung), đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cấp phép khai thác. Tuy nhiên, qua khảo sát, đánh giá trữ lượng, kết quả khai thác đang vướng phải một số khó khăn.
Cụ thể, từ ngày 30/6, Tổng Công ty Trường Sơn đã tiến hành khai thác tại thân khoáng 1 (độ sâu từ 0 – 7m) và thân khoáng 2 (độ sâu 16 – 17,5m).
Đến ngày 3/7, việc khai thác phải dừng lại do kết quả không được như kỳ vọng. Lượng cát thu hồi quá nhỏ, làm năng suất khai thác giảm.
Thực tế kiểm tra tại hiện trường cộng với nghiên cứu tài liệu, Liên hiệp Khoa học Sản xuất Địa chất Nam Bộ nhận định, cát ở khu vực mỏ MS05 nằm trong lớp bùn, sét có lẫn cát.
Hiện nay, công nghệ khai thác của đơn vị thi công chủ yếu là thổi nước xuống để làm tan rã thân khoáng, rồi hút dung dịch bùn sét lên khoang chứa của sà lan, để cát lắng tự nhiên, bùn cát chảy tràn ra ngoài.
Công nghệ này chỉ phù hợp khai thác tại các thân khoáng có thành phần cát là chủ yếu. Trong khi lượng cát tại các thân khoáng của mỏ MS05 chỉ chiếm trung bình 30 – 40%, còn lại là sét, bùn. Dẫn đến khi hút lên, chỉ được khối lượng ít cát có lẫn bùn.
Từ thực tế kết quả khai thác và đề xuất của các cơ quan chuyên môn, ông Trần Văn Lâu cho biết, tỉnh sẽ nghiên cứu, đề xuất, cho phép các nhà thầu khai thác cát ở độ sâu hơn.
Với các nhà thầu, ông Lâu đề nghị phải mạnh dạn thay đổi công nghệ khai thác cát sông phù hợp với thổ nhưỡng. Các bên liên quan cần khẩn trương, hợp sức, sớm giải quyết khó khăn, đảm bảo tiến độ khai thác theo yêu cầu đề ra.
Trường hợp cần thiết, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiến hành đàm phán tại các mỏ gia hạn, đề điều tiết nguồn cát với mức giá phù hợp nhất.