Hội nghị 3 trong 1
Tại họp báo chiều 21/11, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, vào 26/11/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp tổ chức Hội nghị công bố Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.
Với chủ đề “Tư duy mới - Đột phá mới - Giá trị mới”, Hội nghị được tổ chức tại TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự kiến, khoảng 500 đại biểu sẽ tham dự.
"Đây là hội nghị 3 trong 1", Thứ trưởng Phương chia sẻ. Theo ông, hội nghị tại TP. Vũng Tàu ngoài công bố chương trình hành động của Chính phủ, còn nhiệm vụ xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế.
Tại hội nghị, ban tổ chức còn triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề “Đông Nam bộ: Đột phá mới - Tầm cao mới”. Đồng thời, các sản phẩm thế mạnh của Đông Nam bộ cũng được trưng bày trong hai ngày 25-26/11, nhằm khắc họa những thế mạnh về dịch vụ, công nghiệp, du lịch của tỉnh, thành phố; những nét đẹp tiêu biểu trong đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc trong vùng.
Đánh giá về hội nghị sắp tới, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận xét: Đây là sự kiện mở ra “cơ hội mới” cho vùng đất Đông Nam bộ, vốn năng động, sáng tạo, đi đầu trong đổi mới và phát triển của cả nước.
7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2020, quy mô tổng sản phẩm toàn vùng (GRDP) theo giá hiện hành gấp 4,9 lần so với năm 2005 và 2,6 lần so với năm 2010. Đông Nam bộ là khu vực có kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước, là địa bàn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất, chiếm 41,1% tổng vốn FDI.
Điểm nhấn của vùng là TP. HCM. Đây là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo không những của Đông Nam bộ mà còn trên bình diện cả nước.
Tuy nhiên, những năm qua Đông Nam Bộ gặp một số khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước; Đóng góp vào tổng thu ngân sách nhà nước giảm; Tốc độ tăng năng suất lao động thấp; Kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng, nhất là giao thông chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng.
Nghị quyết số 24-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành nhằm lấy lại sự năng động và tốc độ tăng trưởng cho vùng. Để thực hiện, Chính phủ đề ra 7 nhóm nhiệm vụ, 35 nhiệm vụ cụ thể và 29 dự án kết cấu hạ tầng. Trong đó, nhấn mạnh tới công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự thống nhất, đồng thuận của xã hội trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động.
Những giải pháp cụ thể trong chương trình thực hiện Nghị quyết số 24 được Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhắc tới gồm: Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; Phát triển nhanh hệ thống đô thị thông minh và hiện đại; Phát huy hơn nữa vai trò đầu tàu trong nền kinh tế cả nước của Đông Nam bộ; Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực.
Cùng với đó, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục - đào tạo, y tế của Đông Nam bộ phải phát triển đứng đầu cả nước. Tình trạng ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông và ngập úng phải được giải quyết cơ bản.
Với TP.HCM, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, đây phải trở thành nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đồng thời phấn đấu trở thành trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới.
Xác định tỷ trọng nông nghiệp hợp lý
Giáp với Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, những vùng nguyên liệu dồi dào để phát triển công nghiệp chế biến, Đông Nam bộ có thế mạnh về phát triển cây công nghiệp. Vùng nổi tiếng với thủ phủ điều tại Bình Phước, cà phê tại Đồng Nai, cao su ở Bình Dương.... Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế của khu vực nông lâm ngư nghiệp thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung cả nước.
"Trong bất cứ quy hoạch nào, nông nghiệp, với vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, luôn có vai trò hết sức quan trọng", Thứ trưởng Phương nhận xét.
Về định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Đông Nam bộ đến năm 2030, Thứ trưởng cho rằng, mỗi tỉnh, thành phố và rộng hơn là cả vùng sẽ dựa vào đặc điểm sẵn có để xác định cơ cấu phát triển.
Theo ông, Đông Nam bộ còn ít dư địa về tài nguyên, đất đai, nguồn lực nên khó phát triển theo chiều rộng. Nhìn vào dài hạn, vùng muốn tái cơ cấu kinh tế hoặc xây dựng các mô hình tăng trưởng bắt buộc phải "tăng vào chiều sâu". Cụ thể, đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và dịch vụ chất lượng cao.
Song song với đó là các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, sản xuất - kinh doanh của toàn vùng. Đây sẽ là những nội dung chính ở hội nghị ngày 26/11, bên cạnh lễ trao các thỏa thuận hợp tác, biên bản ghi nhớ, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với đối tác.
"Điều quan trọng nhất là xác định được không gian phát triển và quy hoạch cho toàn vùng Đông Nam bộ. Cần nhấn mạnh, là lợi thế phát triển công nghiệp, dịch vụ của Đông Nam bộ rất lớn. Vấn đề là chúng ta cần xác định một tỷ lệ hợp lý trong cơ cấu kinh tế để phát triển hiệu quả, bền vững", Thứ trưởng nhấn mạnh.