| Hotline: 0983.970.780

Lựa chọn 'vũ khí' gì để nông sản Việt chinh phục thị trường khó tính Bắc Âu?

Thứ Năm 15/09/2022 , 13:10 (GMT+7)

Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để nông sản Việt có thể chinh phục được thị trường khắt khe này.

Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế.

Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế.

Hiện nay, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới và đứng thứ hai Đông Nam Á về kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản. Theo số liệu của Bộ NN-PTNT, năng lực sản xuất nông lâm thủy sản của Việt Nam đã đạt trên 140 triệu tấn mỗi năm, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam đang chiếm vị trí dẫn đầu trên thị trường thế giới như gạo, hồ tiêu, hạt điều, thủy sản, rau, quả, thực phẩm và dần định hình được thương hiệu, uy tín về chất lượng, giá cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Nhằm hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp xúc tiến thương mại các mặt hàng nông sản, ngày 15/9, Tổ Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp tổ chức Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu và kết nối kinh doanh nông sản quốc tế.

Diễn đàn được tổ chức với 3 điểm cầu chính tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp; Báo Nông nghiệp Việt Nam và Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam. Ngoài ra, Diễn đàn còn có sự tham dự trực tuyến của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tất cảTổng thuật

16 giờ 00

Lựa chọn 'vũ khí' gì để chinh phục thị trường khó tính Bắc Âu?

ong Toan

Phát biểu kết luận Diễn đàn, ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), cho rằng, chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã bước vào giai đoạn thúc đẩy nền kinh tế, qua đó đạt được những kết quả tích cực, trong đó ngành nông nghiệp vẫn đảm bảo mức tăng trưởng toàn diện.

“Điều đó có nghĩa nền nông nghiệp vẫn giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Trụ đỡ đó có sự đóng góp của những nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước”, ông Nguyễn Quốc Toản đánh giá.

“Qua Diễn đàn kết nối tiêu thụ Nông sản tại thị trường Hà Lan và các nước khu vực Bắc Âu, có thể thấy thị trường Bắc Âu còn nhiều dư địa để phát triển và đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao và khắt khe. Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta coi đó là khó khăn. Câu hỏi đặt ra là ta lựa chọn ‘vũ khí’ gì để chinh phục thị trường này? Muốn thực hiện được chúng ta cần dựa theo sự hiểu biết và thông tin đầy đủ. Ví dụ như việc lựa chọn các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam, các sản phẩm 'đường xa đi nhẹ' nhưng có giá trị cao để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu”, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích.

Theo đó, ông Nguyễn Quốc Toản đã đưa ra 6 đề xuất, kiến nghị để nông sản Việt có thể chinh phục được thị trường khắt khe này.

Thứ nhất, theo ông Toản, việc lựa chọn các mặt hàng đủ lực, đủ mạnh, cùng với hàm lượng chế biến ngày càng được nâng cao, sự chăm chút của cộng đồng doanh nghiệp cho khâu đóng gói, bao bì, nhãn mác và sở hữu trí tuệ là những yếu tố rất quan trọng. Để có thể triển khai những công việc đó một cách hiệu quả, cần sự kết nối tổng thể giữa hiệp hội ngành hàng, cơ quan quản lý Nhà nước, các tham tán thương mại.

Thứ hai, trên cơ sở phối hợp giữa Bộ NN-PTNT với Bộ Công thương và các tham tán thương mại, ông Toản đề xuất các cơ quan thương vụ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp tại địa bàn, của các đầu mối nhập khẩu nông sản tại từng thị trường.

Thứ ba, lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đề xuất các hiệp hội ngành hàng cần có sự đồng hành của các đơn vị tư vấn trong vấn đề xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.

Thứ tư, các doanh nghiệp tham gia vào các diễn đàn của Bộ NN-PTNT cần đưa ra những kiến nghị cụ thể để Bộ NN-PTNT xây dựng những chính sách cho dù là nhỏ nhất như tín dụng vi mô, hình thành vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở chế biến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và các HTX…

Thứ năm, các hiệp hội ngành hàng cần cùng tham gia đào tạo kỹ năng bán hàng cho các HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Thứ sáu, chỉ trong tháng 6/2022, EU đã đưa ra 36 cảnh báo về các mức dư lượng của Việt Nam. Điều đó có nghĩa tuy thị phần xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Hà Lan, thị trường Bắc Âu còn khiêm tốn nhưng yêu cầu chất lượng của các thị trường đều rất cao. Với tần suất cảnh báo dày như vậy, chính các doanh nghiệp cần tự ý thức, tránh để làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành hàng cũng như uy tín của nông sản Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Toản bày tỏ quan điểm.

15 giờ 20

Các hiệp hội làm cầu nối chia sẻ, cung cấp thông tin

TS Dung

TS Trần Thị Dung (ảnh), Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Kỹ thuật Hiệp hội Thực phẩm sạch, minh bạch đề cập đến cơ quan quản lý Nhà nước và nhà sản xuất và chế biến nông sản, thực phẩm khi phát biểu tại diễn đàn.

“Trong 10 năm qua, ngành nông nghiệp trong đó có thủy sản đã đi bước dài trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường, song đó là câu chuyện của doanh nghiệp lớn”, bà Dung cho biết. "Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hiệp hội như Hiệp hội thực phẩm sạch, minh bạch đóng vai trò như một cầu nối chia sẻ, cung cấp thông tin từ tìm hiểu thị trường, phân tích thị trường".

Bà Dung chia sẻ, các hiệp hội với đội ngũ các chuyên viên giỏi đóng vai trò như cánh tay nối dài của nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp về kinh nghiệm, kỹ năng để thực hiện các mục tiêu đặt ra. “Thương vụ các nước, Cục Xúc tiến thương mại đã hỗ trợ rất nhiều song làm thế nào để kết nối đúng mục tiêu, thị trường, cần tư vấn để đi con đường ngắn, tiết kiệm nhất thì cần đi với nhau thông qua các hiệp hội”, bà Dung cho biết.

15 giờ 00

Mở lối đưa nông sản Việt vào thị trường “cửa ngõ” châu Âu

ong Nhu Nguyen

“Tuy Hà Lan chỉ có 17 triệu dân nhưng lại là thị trường 'cửa ngõ' nhập khẩu và tái xuất sang các thị trường châu Âu khác”, ông Như Nguyễn (ảnh), Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan, đưa ra nhận định tại Diễn đàn.

Theo đó, ông Như Nguyễn cho rằng, nếu muốn đưa các sản phẩm vào thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần có chiến lược dài hạn, cần phải thực hiện nhiều bước để quảng bá thương hiệu nông sản để người tiêu dùng hiểu được giá trị của nông sản đó.

Giám đốc Công ty VIEC tại Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm, khi đã đưa được sản phẩm vào thị trường Hà Lan, bên cạnh việc đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy chuẩn, các doanh nghiệp cần tạo dựng niềm tin với khách hàng, người tiêu dùng để gây dựng thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nắm bắt được văn hóa tiêu dùng, văn hóa trong kinh doanh, xuất nhập khẩu của các đối tác tại Hà Lan.

“Trong ngắn hạn, nếu doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường Hà Lan, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào các mặt hàng giá trị cao cũng như giữ vững thương hiệu của mình. Trong dài hạn, chúng ta cần có sự phối hợp với các đối tác hiểu được thị trường Hà Lan”, ông Như Nguyễn lưu ý.

14 giờ 30

Tìm kiếm cơ hội hợp tác đưa trái cây hữu cơ vào thị trường Bắc Âu

ong Lan

Ông Trần Phong Lan (ảnh), đại diện Công ty DannyGreen tham gia diễn đàn với mong muốn giới thiệu sản phẩm trái cây hữu cơ ứng dụng công nghệ cao của công ty và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Với tên tuổi và thương hiệu trên thị trường hơn 10 năm, sản phẩm dưa lưới của Danny Green đã đạt chứng nhận GAP Nhật Bản và USDA của Mỹ và chuẩn bị chứng nhận châu Âu.

“Chúng tôi mong muốn tìm kiếm cơ hội đưa sản phẩm hữu cơ, một trong những sản phẩm cao cấp của Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, một trong những thị trường khó tính trên thế giới", ông Lan bày tỏ.

Theo thông tin ông Lan cung cấp, Danny Green đã chuẩn bị diện tích đất khoảng 120ha tại Ninh Thuận và 15 hệ thống nhà màng để phục vụ sản xuất dưa lưới hữu cơ với chất lượng ngang tầm Nhật Bản.

14 giờ 25

Kinh nghiệm đưa nông sản Việt sang thị trường Bắc Âu

z3723935930959_ce624a09009a5f69adb9f4beb5ec9d32

Chia sẻ thông tin tổng quan về thị trường Bắc Âu tại Diễn đàn, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy (ảnh), Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, cho biết, khu vực Bắc Âu gồm 5 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Iceland. Đây là những nước nhỏ nhưng có nền kinh tế mở và hiện đại. Dân số tuy ít (khoảng 25 triệu dân) nhưng có mức thu nhập cao. Trong năm 2021, 4 trong số 5 nước Bắc Âu nằm trong top 10 quốc gia có mức thu nhập bình quân cao nhất thế giới. Kim ngạch nhập khẩu tương đối ấn tượng, khoảng 500 tỷ USD/năm.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết, mặc dù so với các nước ASEAN khác, Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản sang thị trường Bắc Âu nhiều nhất, tuy nhiên thị phần chiếm rất ít, chưa đến 1%.

“Trong 27 nước EU, các doanh nghiệp mới chỉ tập trung khai thác tại thị trường Tây Âu truyền thống và còn bỏ ngỏ 20 nước nhỏ khác trong khi tiềm năng thị trường Bắc Âu còn khá lớn. Lí do là thị trường Bắc Âu nhỏ, địa lý xa xôi và tiêu chuẩn khắt khe nhất trong các nước EU”, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển phân tích.

Năm 2021, 3 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy nhập khẩu khoảng 6,5 tỷ USD mặt hàng nông sản, trong đó rau củ quả là 4,8 tỷ USD; trà, cà phê, gia vị là 1,2 tỷ USD; ngũ cốc là 503 triệu USD. Số lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang 3 quốc gia này rất ít, qua đó có thể thấy dư địa Bắc Âu để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác còn rất lớn.

“Tuy nhiên, để có thể xuất khẩu nông sản sang thị trường này, Việt Nam còn đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Bắc Âu tương đối xa và chưa có đường bay thẳng đến khu vực này nên rất khó cạnh tranh”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy phân tích.

z3723935914013_93bada88bac9d14c51e0f3e2d23c661f

Người tiêu dùng Bắc Âu chú trọng vào bảo vệ môi trường và có xu hướng tiêu dùng xanh (Ảnh minh họa).

Thông tin về xu hướng thị trường tại khu vực Bắc Âu, bà Thúy cho hay, các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề bảo vệ môi trường do vậy những vấn đề bảo vệ môi trường, tiêu dùng xanh và xu hướng chuyển sang sản xuất bền vững đang là chủ đề nóng tại các diễn đàn tại khu vực Bắc Âu, qua đó ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của người dân.

Người dân Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu dùng thực phẩm hữu cơ với các phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động đến môi trường, giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy sản và các thực phẩm thay thế thịt.

“Thế nên, các sản phẩm thực phẩm có hàm lượng protein cao, có thể thay thế thịt rất dễ dàng được đón nhận. Bên cạnh đó, người dân Bắc Âu cũng quan tâm đến yếu tố nhãn mác”, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy nhấn mạnh.

Theo đó, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển chia sẻ kinh nghiệm, nếu muốn chinh phục thị trường Bắc Âu, các doanh nghiệp cần lưu ý đến vấn đề bảo vệ môi trường, kinh tế tuần hoàn, sản xuất bền vững, trách nhiệm xã hội, thương mại công bằng. Đối với thực phẩm, các doanh nghiệp nên hướng đến sản phẩm có lợi cho sức khỏe, sản phẩm an toàn, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm mới lạ và đặc sản vùng miền, sản phẩm tiện lợi.

14 giờ 15

Nên có nhiều hội chợ quốc tế để kết nối bên mua – bên bán

ba Thuong

Bà Lê Thị Hoài Thương (ảnh), Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ tiêu Việt phát biểu: Vào tháng 8, doanh nghiệp chúng tôi đã tham dự Hội chợ BLMA tại Hà Lan, đã giao tiếp với nhiều doanh nghiệp tại nước này. Thế mạnh của chúng tôi là hạt tiêu, là đơn vị đầu tiên đã sản xuất được gia vị hạt tiêu hữu cơ đạt chuẩn EU.

Thị trường Bắc Âu nói riêng và EU nói chung, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe. Chúng tôi rất cần tư vấn về kỹ thuật, nâng cao năng suất nhà máy. Những khó khăn này rất cần sự vào cuộc giúp đỡ của Bộ NN-PTNT cũng như các đơn vị liên quan. Chúng tôi cho rằng một trong những giải pháp rất cần thiết hiện nay là có nhiều hội chợ quốc tế để kết nối bên mua – bên bán. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp đến đích nhanh hơn, tiết kiệm chi phí.

Thị trường Bắc Âu ở xa, sẽ ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, làm giảm sức cạnh tranh. Tiêu chuẩn khắt khe đến mức không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được. Tuy nhiên, với thị trường hồ tiêu trị giá 4 triệu USD thì cũng là điều đáng để các doanh nghiệp vừa và nhỏ như chúng tôi tham gia. Rất mong cơ quan thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển hỗ trợ thông tin.

14 giờ 00

Nông sản Việt Nam cần tập trung vào thương hiệu

Ông Triệu Thành Nam (ảnh), đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), có bài phát biểu về “Công tác tổ chức sản xuất, chế biến nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU”.

Đồng tình ý kiến của ông Albert Lui, ông Nam cho rằng, Việt Nam cần tập trung vào thương hiệu, cũng như nâng cao chất lượng để tổ chức sản xuất và chế biến nông sản đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của châu Âu.

Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan hỗ trợ bà con nông dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã đi theo chuỗi giá trị ngành hàng nhằm nâng cao chất lượng và giá trị các sản phẩm xuất sang EU.

13 giờ 45

Đổi mới kênh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài

Mr Lui

Trong bài phát biểu của mình về về “Đổi mới kênh xuất khẩu sang thị trường nước ngoài”, ông Albert Lui (ảnh), Tổng thư ký Hiệp hội nhà mua Quốc tế (IFPPS) dự báo, trong 5 năm tới, nhu cầu thực phẩm tại thị trường Trung Quốc sẽ tăng khoảng 35%. Trên thực tế, nhu cầu nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đang tăng mạnh, song nguyên liệu thô nhập khẩu phải qua tay nhiều trung gian nên giá cuối cùng đến tay người tiêu dùng Trung Quốc khá cao.

“Chúng ta cần làm thế nào để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến tận tay người sử dụng cuối cùng, như vậy có thể cắt giảm tối đa khâu trung gian”, ông Lui cho biết. Từ kinh nghiệm bản thân, ông Lui cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc thường có thói quen mua hàng theo thương hiệu. Ví dự như câu chuyện sầu riêng nhập khẩu vào Trung Quốc, người tiêu dùng đã quen với thương hiệu Monthong của Thái Lan hay riêng Musang King của Malaysia, nhưng với Việt Nam, sầu riêng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu để tiếp cận người tiêu dùng.

sau rieng

Sầu riêng Việt Nam bắt đầu tiếp cận thị trường Trung Quốc (Ảnh minh họa).

Bên cạnh đó, cần đồng bộ tiêu chuẩn chung để người dân Trung Quốc hiểu được chất lượng nông sản của Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng các cơ quan xúc tiến thương mại ở nước ngoài với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, Bộ NN-PTNT.

“Cách thức tốt nhất để đẩy mạnh kênh xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc là thiết lập các trung tâm xúc tiến thương mại nông sản, từ đó một số vấn đề về khâu tiếp cận thị trường... có thể giải quyết được nhanh”, Tổng thư ký IFPPS gợi ý.

Sau 2 năm thực hiện chính sách "Zero Covid", nhu cầu nhập khẩu nông sản Việt Nam của Trung Quốc ngày càng tăng, phía bạn cũng đang cố gắng tăng cường đẩy mạnh kênh giao lưu thương mại quốc tế, đa dạng hóa kênh xuất khẩu lên phạm vi toàn cầu với cách thức từ đơn giản đến phức tạp nhất. Theo ông Lui, điều này mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam để bắt tay tìm hiểu, xây dựng phương án tiếp thị về chất lượng sản phẩm, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tỷ dân.

Năm 2022, IFPPS dự kiến xác nhận 7 công ty nhà nước và tư nhân Trung Quốc thu mua nông sản Việt Nam với trị giá 500 triệu USD. “Tận dụng nguồn lực của chúng tôi với chính phủ Trung Quốc để giúp các doanh nghiệp và nhà xuất khẩu nông sản Việt Nam thành lập các cơ quan hoạt động hiệu quả tại Thanh Đảo, Thiên Tân, Thượng Hải... , đồng thời giúp kết nối trực tiếp với các nhãn hàng lớn”, ông Lui thông tin.

13 giờ 30

Nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang khu vực Bắc Âu và Hà Lan

xk trai cay

Kim ngạch xuất khẩu nông sản từ Việt Nam sang khu vực Bắc Âu và Hà Lan rất ấn tượng, nhất là với các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây, hạt điều (Ảnh minh họa).

Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Trung tâm XTTM Nông nghiệp cho biết: Nông nghiệp Việt Nam luôn được xem là một trụ đỡ của nền kinh tế. Số liệu thống kê cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam 8 tháng đầu năm đạt hơn 36 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 2 tỷ USD như cà phê, tôm, gạo, điều, rau quả, gỗ và sản phẩm từ gỗ, cao su.

Khu vực Bắc Âu và Hà Lan mặc dù dân số không lớn, nhưng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này rất ấn tượng, nhất là với các sản phẩm như gạo, cà phê, trái cây, hạt điều. Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang EU.

Thách thức trước mắt là nông sản Việt Nam vào thị trường EU chỉ mới 4-5% trên tổng số 160 tỷ USD nhập khẩu của thị trường này. Đặc biệt là các quy định khắt khe của EU về nguồn gốc xuất xứ, vệ sinh an toàn thực phẩm. Việt Nam đang thiếu thương hiệu lớn, sản phẩm vào EU chủ yếu dựa vào thương hiệu của nơi này. Chúng ta chưa có sự xuất hiện thường xuyên, định kỳ của doanh nghiệp Việt để nắm bắt thị trường, các biến động về chính sách, hàng rào kỹ thuật.

Thông qua diễn đàn này, hy vọng các doanh nghiệp và đại diện của thị trường Bắc Âu, Hà Lan sẽ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm để thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam.

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.