Không một bộ phận nào của cây dừa là bỏ đi, nước dừa, cùi dừa làm thực phẩm, giải khát, thì xơ dừa, gáo dừa cho đến thân, lá đều sử dụng tốt vào chế biến công nghiệp. Thị trường vô cùng rộng mở...Điều kỳ lạ cây dừa cứ mãi đì đẹt không phát triển được, đầu tư gần như là con số 0!
Sơ chế dừa |
"...Em nhớ trái dừa tròn/Của quê em Bình Định/Lấy ngón tay em tính/Ngày trở lại vườn dừa" (Nhớ Dừa, Nguyễn Xuân Sanh).
Các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung bộ có đến 26.000 ha dừa, tập trung tại Bình Định 10.500 ha, tiếp đến Quảng Ngãi 7.000 ha, Phú Yên 5.000 ha... Trong khi tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm từ dừa là rất lớn, nhưng do khâu chế biến chưa “đến đầu đến đũa” nên sản phẩm từ dừa của Việt Nam vẫn mãi luẩn quẩn, chưa phát huy hết hiệu quả kinh tế.
Chưa mặn mà
Trong các loại cây ăn quả trong khu vực duyên hải Nam Trung bộ, dừa là loại cây lâu nay ít được công tác khuyến nông quan tâm, ít được doanh nghiệp mặn mà đầu tư chế biến các sản phẩm từ dừa, mặc dù tiềm năng của nó không nhỏ. Ví như trước đây, trong chuỗi hoạt động của mình, Tổng Cty Pisico Bình Định đã từng có ý định “làm ăn” với cây dừa, nhưng do tỷ suất lợi nhuận ít nên cuối cùng đã lơi ra.
Ông Nguyễn An Điềm, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty Pisico Bình Định, nhớ lại: “Đã có thời gian tôi rất tâm đắc với cây dừa, dự định sẽ đầu tư chế biến sâu các sản phẩm cao cấp từ dừa để xuất khẩu. Nhưng do khi ấy giá dừa khô thấp quá, người dân không quan tâm chăm sóc, dừa ra quả non nào là bán dừa uống nước quả ấy, không để dừa già lấy quả khô vì mất thời gian và không hiệu quả kinh tế, nên có muốn làm cũng không có nguyên liệu. Do vậy nên không chỉ Pisico Bình Định mà các doanh nghiệp khác cũng ngại đầu tư vào cây dừa, dẫn tới hạn chế đầu ra, nhất là thị trường xuất khẩu”.
Đến cả công tác khuyến nông cây dừa cũng chắp vá, được chăng hay chớ. Theo bà Trương Thị Thúy Ức, Phó phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, vùng trọng điểm dừa của Bình Định, những năm qua tuy có Dự án Sinh kế nông thôn xây dựng quy trình chăm sóc dừa thâm canh, chuyển giao kỹ thuật nuôi bọ gọng kìm để diệt trừ bọ cánh cứng hại dừa, nhưng áp dụng chưa sâu rộng, do đó cây dừa chưa phát huy hết tiềm năng năng suất.
Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, cho biết thêm: Cách đây mấy năm khuyến nông tỉnh cũng có tổ chức mấy mô hình thâm canh cải tạo vườn dừa, phòng trừ bọ cánh cứng. Sau đó Viện Nghiên cứu Dầu và cây có dầu thực hiện dự án bình tuyển các giống dừa địa phương, chọn ra những giống dừa đầu dòng chuyển giao cho huyện Hoài Nhơn. Đến năm 2017 này, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định mới xây dựng thêm mô hình cải tạo thâm canh vườn dừa do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ. Ngoài ra, cũng trong năm nay, Trung tâm BVTV miền Trung sẽ triển khai mô hình phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa...
Tiềm năng kinh tế là vô cùng
Theo ông Nguyễn An Điềm, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Cty Pisico Bình Định, trong thời gian Pisico Bình Định có ý định làm ăn với cây dừa, ông đã sang tận Srilanka, Philippines khảo sát, và nhận thấy ở các nước này, ngành dừa phát triển công nghiệp hóa từ khâu trồng đến khâu chế biến, nhờ đó cây dừa phát huy hiệu quả kinh tế rất cao.
Dừa già để cung ứng cho các cơ sở nấu dầu. |
Theo phân tích của ông Điềm, không bộ phận nào của cây dừa là bỏ đi. Cơm dừa ngoài chế biến dầu, còn là nguyên liệu để chế biến 2 sản phẩm đặc biệt khác. Một là chế biến cơm dừa làm ra sữa dừa, kem dừa dưỡng da, hai là dùng cơm dừa sấy khô chế biến nhân bánh sô cô la, nhân các loại bánh lương thực khác.
“Cơm dừa xuất khẩu sang châu Âu để chế biến các sản phẩm trên sẽ có giá trị rất cao. Hoặc như Trung Quốc dùng cơm dừa để ép ra một loại nước giải khát gọi là sữa dừa có hàm lượng dinh dưỡng rất cao, phù hợp cho trẻ em phát triển thể chất. Trong khi đó, cơm dừa của ta chỉ dùng để ép lấy dầu, dầu dừa của ta thì không thể cạnh tranh với các loại dầu ăn công nghiệp khác, nên có giá trị rất thấp. Muốn nâng cao giá trị cây dừa, ta phải có doanh nghiệp đầu tư sâu vào chế biến các sản phẩm cao cấp như người ta”, ông Điềm phân tích.
Cũng theo phân tích của ông Điềm, chỉ xơ dừa của ta mới làm được nguyên liệu để dệt thảm chùi chân hoặc làm dây dừa, còn Nhật Bản nhập chỉ xơ dừa về để sản xuất nệm ghế xe ô tô cao cấp. “Mút cao su làm nệm ghế xe ô tô không có sức hút tự nhiên, sẽ gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng các nước tiến bộ không ưa chuộng. Trong khi đó nệm ghế ô tô làm bằng xơ dừa hút ẩm, hút mồ hôi rất tốt. Đặc biệt, các nước tiên tiến đang sử dụng gáo dừa để SX ra than hoạt tính có giá trị rất cao.
Những thợ bóc vỏ dừa già để đưa đi tiêu thụ thị trường các tỉnh miền Bắc |
“Hiện loại than đen bình thường sản xuất từ gáo dừa của Việt Nam được xuất sang nước ngoài chỉ 8.000đ/kg, than trắng chỉ 15.000đ/kg, nhưng than hoạt tính hiện có giá đến cả triệu đồng/kg. Bởi than hoạt tính ngoài chức năng diệt khuẩn để SX máy lạnh, khử mùi nhà vệ sinh, nó còn được dùng trong việc tinh luyện kim loại, vàng bạc vì khả năng loại trừ tạp chất rất cao. Hiện nay ở Việt Nam chưa doanh nghiệp nào làm được việc này, chỉ xuất thô than đen hoặc than trắng thì hiệu quả kinh tế chẳng bao nhiêu”, ông Điềm tiếc nuối.
Không chỉ vậy, thân cây dừa có độ tuổi từ 50 – 70 năm gỗ của nó rất cứng, nếu được đầu tư để SX đồ thủ công mỹ nghệ cao cấp thì cũng sẽ đạt hiệu quả kinh tế rất cao. “Tiềm năng kinh tế của cây dừa là vô cùng, nhưng hiện nay chưa thấy doanh nghiệp nào đầu tư chế biến sâu để cho ra những sản phẩm cao cấp từ dừa. Do đó dừa khô hiện nay vẫn có giá rất rẻ, người trồng cứ muốn bán dừa uống nước lấy tiền tươi”, ông Điềm nhận định.
+ “Than đen hoặc than trắng được chế biến từ gáo dừa của Việt Nam xuất sang Nhật Bản hiện chỉ được nung trong lò có độ nóng khoảng 700 – 800 độ C, muốn chế biến ra than hoạt tính phải xây dựng lò nung có độ nóng từ 3.000 – 4.000 độ C, sản phẩm than ra lò có độ lóng lánh như kim cương, hiện nhu cầu tiêu thụ của thị trường Nhật Bản rất cao, Việt Nam không có đủ sản phẩm để bán”, ông Nguyễn An Điềm. + “Riêng với cây dừa, trong những năm qua Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ cũng đã thực hiện một số đề tài về nghiên cứu, chọn tạo giống, phân bón, thuốc BVTV. Tuy nhiên, khi cây dừa đã được xác định không còn là cây vườn hộ mà đã là cây kinh tế, nên trong thời gian tới cần được các cơ quan khoa học quan tâm đúng mức. Dừa là loại cây chịu hạn, chịu mặn, rất phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Đặc biệt cả vùng duyên hải Nam Trung bộ có đến 26.000 ha dừa, nhưng chỉ tập trung tại 3 tỉnh nên ngẫu nhiên đã hình thành vùng SX tập trung, thuận lợi cung ứng nguyên liệu cho những cơ sở chế biến những sản phẩm cao cấp từ dừa”, Tiến sĩ Hồ Huy Cường, Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ. |