| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục điểm yếu trong canh tác lúa

Thứ Sáu 29/11/2019 , 13:45 (GMT+7)

Trong khi các khâu canh tác lúa ở ĐBSCL như: làm đất, bơm tưới, chăm sóc, thu hoạch, sấy khô… đã đạt từ 70-100%, thì việc ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy mới dừng lại ở mô hình trình diễn, đạt chưa tới 1-2%.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tới dự, phát động buổi lễ và chứng kiến lễ ký kết thi đua thực hiện phong trào giữa các Trung tâm Khuyến nông vùng ĐBSCL.

Để khắc phục điểm yếu này, sáng 29/11, tại xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, Bộ NN-PTNT đã phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức lễ phát động “Ứng dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa tại các tỉnh vùng ĐBSCL”. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, tới dự, phát động buổi lễ và chứng kiến lễ ký kết thi đua thực hiện phong trào giữa các Trung tâm Khuyến nông vùng ĐBSCL.

Tham dự lễ phát động có lãnh đạo Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Cục Trồng trọt, Sở NN-PTNT các tỉnh, thành khu vục ĐBSCL, doanh nghiệp cung ứng máy nông nghiệp và đông đảo bà con nông dân trong vùng.

Theo Cục Trồng trọt, vùng ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa khoảng 1,9 triệu ha, với diện tích gieo trồng hàng năm hơn 4,2 triệu ha, sản lượng ước đạt 25 triệu tấn, trong đó 50% là phục vụ cho xuất khẩu. Từ lâu, bà con trong vùng đã có tập quán sạ lan, hiện diện tích sạ lan còn rất lớn, chiếm khoảng 80% diện tích gieo trồng. Sạ lan nông dân không phải làm đất kỹ, xuống giống nhanh lên đỡ tốn công nhưng nhược điểm là tốn rất nhiều hạt giống, từ 200-250 kg/ha. Mật độ gieo sạ quá dày dễ gây ra nhiều sâu, bệnh, đặc biệt là không thể sản xuất lúa có phẩm chất gạo tốt được.

Các đại biểu tham quan trình diễn máy gieo hạt theo khóm do Hàn Quốc sản xuất, Cty Sài Gòn Kim Hồng phân phối tại Việt Nam.

Phát biểu phát động buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá, sản xuất lúa tại Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng đã có những bước phát triển vượt bậc. Không chỉ đảm bảo nhu cầu lương thực mà còn đóng góp cho xuất khẩu, mang ngoại tệ về cho đất nước. Tuy nhiên, việc cơ giới trong khâu gieo sạ lại là điểm yếu nhất hiện nay, mới chỉ 1-2% diện tích, trong khi các khâu khác có tốc độ cơ giới hóa rất cao, rất ít nơi còn làm thủ công, bằng sức người.

Gieo cấy bằng máy nông dân chỉ tốn 40-50 kg lúa giống/ha, thay vì sử dụng 150-200 kg như hiện nay

“Để nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng lúa, một là phải nâng cao năng suất, hai là hạ giá thành sản xuất. Hiện năng suất lúa vùng ĐBSCL đã đạt rất cao, bình quân đạt 6 tấn/ha, coi như đã kịch trần.

Chỉ còn cách áp dụng cơ giới hóa để giảm giá thành, trong đó cơ giới khâu gieo cấy là rất quan trọng nhưng chúng ta lại chưa làm được. Gieo cấy bằng máy nông dân chỉ tốn 40-50 kg lúa giống/ha, thay vì sử dụng 150-200 kg như hiện nay.

Sử dụng giống ít, nông dân có điều kiện mua giống tốt, có xác nhận phẩm cấp phục vụ cho sản xuất. Ruộng lúa thưa, thông thoáng cây lúa phát triển tối ưu, giảm sâu bệnh, tăng hiệu suất sử dụng phân bón, lượng nước tiêu tốn cho sản xuất cũng ít hơn. Quan trọng nhất là chất lượng hạt gạo được nâng lên, giá bán tốt hơn”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Các đại biểu cùng nông dân đã được tận mắt chứng kiến trình diễn các loại máy nông nghiệp của Nhật Bản (Kubota, Yanmar), Hàn Quốc, như: máy cấy lúa, máy sạ cụm (gieo khóm), máy bay phun hạt giống, máy bay phun thuốc BVTV.

Từ năm 2016, Bộ NN-PTNT đã phát động chương trình giảm lượng hạt giống lúa gieo sạ/ha tại ĐBSCL, giai đoạn 2016-2020 và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Mục tiêu đến năm 2019, lượng hạt giống gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 85% diện tích canh tác của vùng. Trong đó, 8 tỉnh, thành trọng điểm về sản xuất lúa gieo sạ từ 80-90 kg/ha đạt trên 90% diện tích canh tác. Đến năm 2020, tất cả 13 tỉnh, thành có lượng giống gieo sạ trung bình đạt 80 kg/ha.

Máy bay phun thuốc BVTV, giúp giải phóng sức lao động cho nông dân, hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà chuyên môn, sử dụng lượng giống gieo sạ hợp lý không chỉ tiết kiệm chi phí mua giống, mà còn giảm chi phí đầu tư các vật tư nông nghiệp khác, nhất là phân bón, thuốc BVTV. Nếu toàn vùng ĐBSCL giảm lượng giống gieo sạ trung bình còn khoảng 80 kg/ha, sẽ tiết kiệm được khoảng 300-350 ngàn tấn lúa giống/năm, tương đương với giảm được khoảng 4.500-5.000 tỷ đồng vãi không ra đồng ruộng.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp máy cần đưa ra quy trình khuyến cáo nông dân sử dụng lượng lúa giống phù hợp cho từng khu vực, ở mức 40-50 kg/ha, đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Sau buổi lễ, các đại biểu cùng nông dân đã được tận mắt chứng kiến trình diễn các loại máy nông nghiệp của Nhật Bản (Kubota, Yanmar), Hàn Quốc, như: máy cấy lúa, máy sạ cụm (gieo khóm), máy bay phun hạt giống, máy bay phun thuốc BVTV. Đặc biệt, nhiều loại máy đã kết hợp vừa cấy vừa bón vùi phân bón, giúp cây mạ phát triển nhanh ngay sau cấy và giảm công lao động.

Xem thêm
Màu đỏ may mắn của giống gà Mía số 1

Trong lịch sử mảng gà lông màu tại Việt Nam, chưa khi nào gam màu xám dài đến vậy, người chăn nuôi hy vọng, thất vọng rồi hy vọng và lại thất vọng...

Còn 400 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, Bình Định lên lộ trình nâng cấp

Ngành chức năng Bình Định yêu cầu các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải đảm bảo vệ sinh thú y để cung cấp nguồn thịt sạch cho thị trường ngày Tết.

Triển vọng kinh tế xanh từ phế phụ phẩm ngành sắn

TÂY NINH Tây Ninh là thủ phủ cây sắn của cả nước, các phế phụ phẩm ngành sắn đang được địa phương này tận dụng triệt để, hướng tới kinh tế xanh và tuần hoàn, bền vững.