| Hotline: 0983.970.780

Khai khoáng tận diệt môi sinh: Nhiều tỉnh cấm, riêng Lai Châu mở rộng cửa?

Thứ Ba 06/07/2021 , 10:33 (GMT+7)

Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Sơn Lâm có lá bùa hộ mệnh là quyết định của UBND tỉnh Lai Châu cho dùng tàu cuốc mà nhiều tỉnh đã cấm từ lâu.

Công nghệ chắp vá là chiếc tàu cuốc được UBND tỉnh Lai Châu cho phép sử dụng. Ảnh cắt clip

Công nghệ chắp vá là chiếc tàu cuốc được UBND tỉnh Lai Châu cho phép sử dụng. Ảnh cắt clip

Tàu cuốc chỉ có ở Lai Châu

Một số tỉnh có điều kiện, vị trí tương đồng với tỉnh Lai Châu, cách đây nhiều năm, những tỉnh này đã cấm sử dụng tàu cuốc trong khai thác khoáng sản. Nguyên nhân chính là do thiết bị nổi mang lại những hệ luỵ về môi sinh, gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng tới việc canh tác của người dân, gây nguy hiểm cho giao thông đường thuỷ…  

Lào Cai giáp ranh Lai Châu, ngày 9/7/2015, UBND tỉnh Lào Cai đã có chỉ thị số 01/2015/CT-UBND về tăng cường hiệu lực thực hiện chính sách, pháp luật về khoáng sản trên địa bàn. Trong đó nêu rõ, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân lắp ráp, hạ thủy và sử dụng các loại tàu cuốc, phao nổi hoặc các phương tiện có lắp đặt hệ thống gàu xúc gắn với băng tải (gọi chung là tàu cuốc) không có giấy tờ, hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ, tính năng kỹ thuật, xác nhận đủ điều kiện về an toàn và môi trường;

Thậm chí, UBND tỉnh này còn yêu cầu các huyện, thành phố không để tình trạng tàu cuốc hoạt động khai thác khoáng sản hoặc neo đậu tái diễn trên địa bàn. Tránh tình trạng, đuổi tàu cuốc đi chỗ này lại di chuyển ra khu vực khác nằm chờ, thừa cơ thì đào đãi vàng sa khoáng.

Một tỉnh miền núi khác là Hà Giang, ngày 02/8/2017, UBND tỉnh này chỉ đạo các sở, ngành và các đơn vị liên quan về việc không sử dụng thiết bị tàu cuốc để khai thác cát, sỏi lòng sông, suối trên địa bàn tỉnh. 

Đồng thời, UBND tỉnh Hà Giang yêu cầu các đơn vị khai thác cát, sỏi phải khai thác theo đúng chủng loại, thiết bị trong hồ sơ dự án, thiết kế cơ sở dự án đầu tư hoặc báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế mỏ đã được thẩm định, phê duyệt, nghiêm cấm việc thay đổi công nghệ từ khai thác bằng sức nước sang sử dụng công nghệ có sử dụng thiết bị tàu cuốc để khai thác cát, sỏi.

Tương tự tháng 10/2016, UBND tỉnh Tuyên Quang cũng có văn bản cấm thiết bị nổi là tàu cuốc khai thác khoáng sản do ảnh hưởng tới môi trường và luồng tuyến đường thuỷ.

Trong khi tàu cuốc không còn “đất sống” vì các hệ luỵ của thiết bị nổi này gây ra thì tại Lai Châu, nó được coi như công nghệ bổ sung giúp cho doanh nghiệp khai khoáng thuận lợi hơn. Không chỉ vậy, theo những người khai thác cát sỏi, sử dụng tàu cuốc để khai thác thực chất để che mắt cơ quan chức năng bởi mục đích chính của thiết bị nổi này là đào đãi vàng sa khoáng, thu cát, sỏi chỉ là phụ. 

Chiếc tàu cuốc nhả đá, cát múc được xuống sông trái ngược nhu cầu doanh nghiệp là khai thác cát, sỏi. Ảnh cắt clip

Chiếc tàu cuốc nhả đá, cát múc được xuống sông trái ngược nhu cầu doanh nghiệp là khai thác cát, sỏi. Ảnh cắt clip

Bùa hộ mệnh của đơn vị khai thác

Liên quan thắt chặt quản lý khai thác khoáng sản, ngày 24/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định 23/2020/NĐ-CP quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. 

Trong đó, yêu cầu đối với hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông (Điều 15 của Nghị định) thì trường hợp đoạn sông ở khu vực trung du, miền núi bị bồi, lắng theo mùa, căn cứ diễn biến của tình hình bồi, lắng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định này quyết định yêu cầu cụ thể đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, bảo đảm phòng ngừa, hạn chế nguy cơ sạt, lở bờ, bãi sông.

Trong khi đó, đoạn sông Nậm Na nằm sát, chạy dọc quốc lộ 12 mà Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Sơn Lâm được phép khai thác lại sử dụng tàu cuốc là một trong những thiết bị có nguy cơ gây sạt lở hai bên bờ sông, ảnh hưởng hoa màu và đất canh tác, đặc biệt đe doạ trực tiếp tuyến giao thông huyết mạch này.

Vụ việc có thể coi là đỉnh điểm liên quan tàu cuốc là tại Hà Nam vào năm 2016, do bức xúc dồn nén của người dân liên quan hoạt động khai thác sát, sỏi, một số đối tượng quá khích đã đánh chìm tàu cuốc của đơn vị khai thác. 

Sự việc nêu trên là bài học nhãn tiền và để thấy rằng việc chính quyền địa phương cần thận trọng trong quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản, phê duỵệt sử dụng các công nghệ khai khoáng. Đặc biệt, thiết bị khai khoáng lại không đảm bảo các quy định của pháp luật sẽ dẫn đến các hệ luỵ khôn lường.

Thế nhưng, trên dòng Nậm Na của Lai Châu, Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Sơn Lâm coi quyết định "cho phép điều chỉnh bổ sung công nghệ khai thác thác khoáng sản" số 23/QĐ-UBND ngày 11/1/2018 của UBND tỉnh Lai Châu gắn với quyết định gia hạn khai thác của ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh này vừa ký như lá bùa hộ mệnh và tàu cuốc được phép tung hoành trên dòng sông này. 

Chủ Công ty Cổ phần đầu tư và thương mại Sơn Lâm thừa nhận, tàu cuốc của công ty chưa được đăng kiểm, không có biển số. Đó là chưa kể các dấu hiệu mất an toàn trên sông khi chiếc tàu cuốc này hoạt động. 

Ai? Cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ, cháy nổ… liên quan chiếc tàu cuốc của doanh nghiệp này? Cơ quan nào đã đề xuất, tham mưu để UBND tỉnh Lai Châu cho doanh nghiệp gia hạn giấy phép, sử dụng tàu cuốc hay tất cả đều đã được “bật đèn xanh”? 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.