Mới đây, T&T Group đã trúng thầu vụ mùa điều 2019-2020 do Chính phủ Tanzania tổ chức với sản lượng điều thô thu mua được là 13.600 tấn, trên tổng số 20.000 tấn – mang lại ý nghĩa lớn trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và khu vực châu Phi.
“Thương vụ” tạo tiếng vang thương hiệu Việt Nam
Một lần nữa Tập đoàn T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (hay vẫn được gọi thân mật là “bầu Hiển”) lại khiến các “ông lớn” thu mua nông nghiệp trên thế giới phải ngỡ ngàng về khả năng bao tiêu sản phẩm điều tại các quốc gia châu Phi. Con số 13.600 tấn là số lượng trúng thầu điều thô lớn nhất từ trước đến nay mà một công ty đến từ Việt Nam làm được - khẳng định uy tín vững mạnh của Tập đoàn T&T Group trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn T&T Group và đại diện chính phủ Tanzania chia sẻ niềm vui sau lễ ký kết hợp đồng mua 176.000 tấn điều thô. |
Trước đó, cuối tháng 7/2019, T&T Group đã gây tiếng vang lớn bằng thương vụ thu mua lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới, với 176.000 tấn thu mua điều thô trực tiếp từ Chính phủ Tanzania. Hợp đồng này không những ảnh hưởng đến nguồn thu xuất khẩu của Tanzania mà còn tác động đến hầu hết các đơn vị nhập khẩu hạt điều trên toàn cầu. Trước đó, Chính phủ Tanzania đã rất nỗ lực để tìm các đối tác mua lô hạt điều thô kể trên từ các quốc gia Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Kenya… nhưng không thành công do không thỏa thuận được giá bán.
Khi hợp đồng lớn nêu trên còn chưa kịp “ráo mực” và những chuyến hàng đầu tiên mới cập cảng Việt Nam, thì dấu ấn của T&T Group lại tiếp tục được thể hiện ở vụ mùa 2019-2020. Ngày 31/10, Chính phủ Tanzania mở phiên đấu giá đầu tiên tại miền Nam nước này tại 2 hạt Newala và Masasi. Đại diện của T&T Group có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện này khi cử phái đoàn sang từ khá sớm, nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật sở tại bởi lẽ vụ mùa năm nay, Chính phủ Tanzania muốn có được sự minh bạch trong đấu thầu các sản phẩm nông nghiệp thô.
T&T Group cử các chuyên gia về điều sang tận các nước châu Phi để kiểm tra chất lượng điều thô tại các kho chứa. |
Theo Hiệp hội điều Tanzania (CBT), trong tổng số hơn 20.000 tấn đấu giá thành công, có 13.181 tấn của Liên minh HTX Tanecu và 7.278 tấn của Liên minh HTX Mamcu.
Đáng chú ý tại HTX Tanecu, 28 đơn vị đã đặt mua tổng cộng 40.000 tấn, vượt quá số lượng 13.181 tấn được chào bán. Điều này cho thấy sự cạnh tranh rất quyết liệt trong việc đấu giá mua điều thô nguyên liệu trong mùa vụ mới 2019-2020. Dù sự cạnh tranh là khá lớn, Tập đoàn T&T vẫn trúng thầu hơn 13.600 tấn, chiếm 68% tổng sản lượng, áp đảo so với phần còn lại.
Đánh giá về việc trên, đại diện Hiệp hội Điều Tanzania cho rằng T&T Group là thương hiệu Việt Nam uy tín, thắng thầu lớn là nhờ việc am hiểu thị trường, điều phối nguồn lực hiệu quả, “và quan trọng hơn cả là chiến lược thương mại đầu tư lâu dài, có tầm nhìn tại Tanzania đã giúp T&T Group thắng thầu”.
Thành công của Tập đoàn T&T Group khi vượt qua nhiều doanh nghiệp khác của Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore, Kenya, UAE… để trúng đấu giá mùa vụ 2019-2020 tại Tanzania có ý nghĩa hết sức đặc biệt, không chỉ khẳng định vị thế cạnh tranh của tập đoàn trong chiến lược vươn ra mạnh mẽ ở các thị trường nước ngoài như ở châu Phi, Nga, Hà Lan, Đức…mà còn góp phần tạo dựng được chuỗi cung ứng điều thô ổn định cho nhu cầu trong nước.
Hình thành “van điều chỉnh” cho thị trường
Thị trường điều được T&T Group đặc biệt quan tâm từ rất lâu, không chỉ tại Tanzania. Tháng 12/2018, tại Abidjan (Bờ Biển Ngà), Tập đoàn T&T Group đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Hội đồng Bông và Điều Bờ Biển Ngà (CCA). Theo thỏa thuận hợp tác, từ năm 2019, T&T Group sẽ thu mua điều thô từ Bờ Biển Ngà với sản lượng lớn. Tập đoàn của bầu Hiển cũng dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến điều ở Bờ Biển Ngà với công suất chế biến nhà máy lên tới 50.000 tấn điều thô mỗi năm. Phía CCA cam kết sẽ đảm bảo số lượng điều thô đáp ứng nhu cầu của T&T Group theo các điều kiện của thị trường và giám sát việc thực hiện đúng các cam kết giữa T&T Group và các đối tác trong nước.
Ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group và ông Vicente Fernandes, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Du lịch và Thủ công nghiệp Guinea Bissau ký bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. |
Trong khi đó, Guinea Bissau cũng là quốc gia Tây Phi có thế mạnh về trồng và xuất khẩu điều thô. Hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Guinea Bissau trong những năm qua chủ yếu là xuất khẩu điều thô từ Guinea Bissau.
Tháng 8/2018, Tập đoàn T&T Group và đại diện Chính phủ Guinea Bissau ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh nông sản. Theo đó, từ năm 2018, Tập đoàn T&T Group cam kết sẽ nhập khẩu hạt điều thô từ Guinea Bissau với khối lượng khoảng 150.000-200.000 tấn/năm, tương đương với tổng sản lượng hạt điều thô hàng năm của Guinea Bissau.
Chính phủ Guinea Bissau cam kết về sản lượng, chất lượng, thời hạn bàn giao hàng và đảm bảo các kênh thanh toán. Hiện nay, Guinea Bissau đứng thứ 5 về sản lượng điều thô trên toàn thế giới.
Hai thương vụ trên, cùng với hai thương vụ tại Tanzania đã mang lại sản lượng điều dồi dào cho ngành điều trong nước, và tạo tiếng vang trên thị trường điều thế giới, đặc biệt càng có ý nghĩa trong bối cảnh điều nhân trong nước đang bị lệ thuộc nguồn cung điều thô từ một số doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, việc Tập đoàn T&T Group mua điều thô từ châu Phi với số lượng lớn sẽ hình thành “van điều chỉnh” điều thô - nhân cho thị trường thế giới, có lợi cho ngành điều Việt Nam.
Với những bước đi ngày càng mạnh mẽ, mở rộng hợp tác với các nước châu Phi, Tập đoàn T&T Group đã góp phần tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và châu Phi hiện còn nhiều tiềm năng nhưng chưa khai thác tối đa. Thương vụ trúng thầu hợp đồng mua điều thô của Tập đoàn T&T Group với Tanzania cuối tháng 10/2019 đúng với thời điểm Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đang có chuyến công tác một số nước châu Phi để tăng cường quan hệ ngoại giao cũng như hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên, chắc chắn sẽ mang lại những kết quả tốt đẹp vào triển vọng kinh tế giữa Việt Nam và châu Phi trong thời gian tới.