| Hotline: 0983.970.780

Khai thác lậu 3,1 triệu tấn than, thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng

Thứ Tư 10/05/2023 , 08:41 (GMT+7)

33 bị can bị truy tố trong vụ khai thác hơn 3,1 triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, Thái Nguyên).

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao (VKSNDTC) vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bà Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty CP Yên Phước) về các tội Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên và Mua bán trái phép vật liệu nổ.

Trong vụ án này, có 33 bị can bị truy tố về nhiều tội. Nhiều lãnh đạo, cán bộ thuộc hai Sở Công thương; Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên vướng vòng lao lý, trong đó có hai cựu Giám đốc của hai Sở; một cựu Phó giám đốc Sở, nhiều trưởng phòng, phó phòng và cán bộ, chuyên viên… bị truy tố tội danh: “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”.

Các đối tượng thu lời bất chính hàng trăm tỷ đồng từ việc khai thác than trái phép; mua bán hoá đơn và mua bán chất nổ trái phép.

“Bà trùm” than lậu ở Thái Nguyên bị truy tố

Theo cáo buộc của VKSNDTC, Công ty CP Yên Phước (Công ty Yên Phước) được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản có vốn điều lệ 100 tỷ đồng.

Người đại diện pháp luật, Tổng Giám đốc là bà Châu Thị Mỹ Linh. Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương được thành lập năm 2017, do Hà Anh Tuấn, sau đó là Bùi Mạnh Cường là giám đốc. Thành viên góp vốn có anh em song sinh Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang.

Lực lượng Quản lý thị trường thu giữ 1,5 triệu tấn than khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Lực lượng Quản lý thị trường thu giữ 1,5 triệu tấn than khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: TL.

Tháng 3/2019, Công ty Đông Bắc Hải Dương và bà Châu Thị Mỹ Linh thỏa thuận việc khai thác than tại mỏ than Minh Tiến. Theo đó, Công ty Đông Bắc Hải Dương mua toàn bộ số than Công ty Yên Phước đã khai thác còn tồn tại ở mỏ với giá 9,95 tỷ đồng.

Công ty Đông Bắc Hải Dương trực tiếp khai thác than tại mỏ với công suất tối thiểu 400.000 tấn than/năm (gấp 47,05 lần trữ lượng được cấp phép); phải trả lợi nhuận cho Công ty Yên Phước theo tấn sản phẩm khai thác là 150.000 đồng/tấn than, 90.000 đồng/tấn bã sàng, 50.000 đồng/m3 đá đen.

Để tiêu thụ số than khai thác trái phép tại mỏ than Minh Tiến, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã hợp thức hóa đầu vào bằng cách mua hóa đơn giá trị gia tăng của các doanh nghiệp tại Nam Định và Hải Phòng.

Theo cáo trạng, "bà trùm" Châu Thị Mỹ Linh đã chỉ đạo khai thác, thỏa thuận, thống nhất ký hợp đồng dịch vụ, chuyển nhượng trái pháp luật để Công ty Đông Bắc Hải Dương khai thác trái phép than tại mỏ này với tổng khối lượng hơn 3,1 triệu tấn than và khoáng sản đi kèm.

Con số này gấp 23,4 lần tổng sản lượng được cấp phép của thời hạn 18 năm, vượt quá tổng sản lượng khai thác cấp phép là hơn 3 triệu tấn, vượt quá trữ lượng tính theo công suất khai thác năm (hơn 27 ngàn tấn), gấp 115,42 lần công suất được cấp phép tính thời gian 39 tháng khai thác.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường mỏ than Minh Tiến. Ảnh: TL.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường mỏ than Minh Tiến. Ảnh: TL.

Số than và khoáng sản đi kèm đã tiêu thụ được xác định là hơn 1,1 triệu tấn than, hơn 330 ngàn m3 bã sàng và hơn 95 ngàn m3 đá đen, với tổng trị giá hơn 174 tỷ đồng, thu lợi bất chính hơn 151 tỷ đồng. Còn lại hơn 1,5 triệu tấn chưa kịp tiêu thụ thì bị cơ quan chức năng thu giữ.

Khai thác than lậu, mua bán hoá đơn và mua bán chất nổ trái phép

Kết quả điều tra xác định, tổng số tiền thu lợi của 2 nhóm Công ty Yên Phước và Công ty Đông Bắc Hải Dương là hơn 375 tỷ đồng.

Từ ngày 9/7/2018 - 18/8/2021, Công ty Đông Bắc Hải Dương phải thanh toán tiền than và khoáng sản đi kèm cho Công ty Yên Phước là hơn 174 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty Yên Phước chỉ xuất 19 hóa đơn giá trị gia tăng đối với than cám và than kẹp xít (không có đá đen) trị giá hơn 8,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty Đông Bắc Hải Dương còn mua than của nhiều đơn vị, cá nhân không có hóa đơn, chứng từ và nhập khẩu than không có nguồn gốc rồi sàng tuyển, phối trộn các nguồn than này thành than thành phẩm bán cho khách hàng, trong đó có nhà máy nhiệt điện Anh Khánh (Thái Nguyên), nhà máy nhiệt điện Phúc Thành (Hải Dương), nhà máy nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh).

Các đối tượng bị C03 (Bộ Công an) bắt giữ vào cuối tháng 8/2021. Ảnh: TL.

Các đối tượng bị C03 (Bộ Công an) bắt giữ vào cuối tháng 8/2021. Ảnh: TL.

Để hoàn thiện hồ sơ chứng minh nguồn gốc số than trên, Công ty Đông Bắc Hải Dương đã thành lập 6 công ty và thuê người đứng tên đại diện pháp luật. Các bị can sử dụng 6 pháp nhân trên để ký hợp đồng mua hóa đơn đầu vào.

Nhóm này sử dụng các nhóm chat trên zalo, viber để trao đổi, bàn bạc các nội dung liên quan đến quá trình khai thác, vận chuyển, tiêu thụ than, trong đó có việc mua bán hóa đơn để hợp thức đầu vào số lượng than không có nguồn gốc hợp pháp.

Từ năm 2017-2020, Công ty Đông Bắc Hải Dương sử dụng 6 nhóm pháp nhân trên để ký hợp đồng mua bán than, mua hóa đơn… của 11 công ty tại Hải Phòng và Nam Định.

Trong đó có nhóm 5 công ty tại Hải Phòng do Lã Xuân Hữu (Giám đốc công ty TNHH in Quảng cáo và Thương mại Xuân Phúc) điều hành đã ký 9 hợp đồng và 4 phụ lục hợp đồng, xuất bán 315 hóa đơn có nội dung xuất bán mặt hàng than các loại, dầu diezel, dịch vụ bốc xúc với giá trị hơn 1.097 tỷ đồng.

Còn nhóm 6 công ty tại Nam Định do Trần Ngọc Hán (Giám đốc công ty TNHH MTV thương mại Khoáng sản Thống nhất) điều hành ký 7 hợp đồng, xuất bán 80 hóa đơn mặt hàng than với giá trị gồm thuế VAT là hơn 531 tỷ đồng.

Lã Xuân Hữu và Trần Ngọc Hán chỉ đạo nhân viên hoặc thuê dịch vụ ngân hàng nộp tiền vào tài khoản nhóm các Công ty Đông Bắc Hải Dương, rồi sử dụng ủy nhiệm chi bỏ trống thông tin, có sẵn chữ ký và dấu do kế toán Công ty Đông Bắc Hải Dương chuyển trước để điền thông tin chuyển khoản thanh toán nhằm hợp thức dòng tiền.

Công ty Đông Bắc Hải Dương trích từ 2,5% - 3%/giá trị hóa đơn cho nhóm của Hữu và 4% cho nhóm của Hán. Ngoài ra, Công ty này còn chi tiền thuế, tiền mua hóa đơn cho 28 công ty khác.

Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2017-2020, nhóm của Hữu bán 315 hóa đơn với tổng giá trị hơn 1.097 tỷ đồng; thu lời bất chính hơn 30,4 tỷ đồng. Nhóm của Hán xuất bán 80 hóa đơn, thu lợi hơn 19,3 tỷ đồng.

Liên quan đến việc khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại mỏ than Minh Tiến (xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), cuối tháng 8/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt, khám xét đối với 12 đối tượng về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".

Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) tiếp tục mở rộng điều tra, khởi tố, bắt tạm giam thêm nhiều đối tượng khác, trong đó có các lãnh đạo là Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó phòng, chuyên viên... thuộc hai Sở Công thương, Tài nguyên - Môi trường tỉnh Thái Nguyên. 

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm