Lợi thế riêng có của du lịch Đồng bằng sông Hồng
Vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình và Quảng Ninh) rộng hơn 21.260 km2 với dân số năm 2020 là 22,92 triệu người. Đây là một trong sáu vùng kinh tế-xã hội trọng điểm của cả nước, cửa ngõ ở phía biển Đông với thế giới và là một trong những cầu nối trực tiếp giữa hai khu vực phát triển năng động là khu vực Đông Nam Á và Đông Bắc Á.
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng phát triển du lịch Đồng bằng sông Hồng, UBND tỉnh Ninh Bình đã tổ chức Hội nghị Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành phố.
Theo ông Trần Song Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình: “Tỉnh đã tổ chức Chương trình hợp tác phát triển du lịch giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành phố cùng Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh, thành với chủ đề 'Hợp, tác - Phát huy thế mạnh - Cùng phát triển' nhằm đánh giá những kết quả đạt được về hợp tác phát triển du lịch các địa phương trong Vùng. Đây cũng là dịp để Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong Vùng giới thiệu, quảng bá những nét đặc sắc hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, văn hóa lịch sử của các địa phương”.
Du lịch tỉnh Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam (nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước). Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình từng bước được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và trên thế giới; 3 năm liền (2018-2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Đặc biệt năm 2022, Tạp chí Du lịch hàng đầu thế giới Time Out (Anh) bình chọn là danh thắng hoang sơ như đá quý ở Đông Nam Á nhưng vẫn chưa được nhiều du khách nước ngoài biết tới.
Theo ông Bùi Văn Mạnh – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể Thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình: “Đây là dịp để Ninh Bình khẳng định chủ trương, định hướng phát triển du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, nâng cao thương hiệu, vị thế, từng bước đưa du lịch Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm dịch vụ của cả nước; Nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng để hình thành và khai thác các sản phẩm du lịch liên tỉnh, liên vùng”.
Ông Mạnh cũng cho rằng, đây là cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch của các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thành phố lớn, gặp gỡ trao đổi, hợp tác kinh doanh. Qua đó đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.
Liên kết Vùng để phát huy thế mạnh
Mặc dù có những lợi thế so với các khu vực khác trong cả nước, liên kết phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc vẫn chưa thể đem lại kết quả bứt phá, tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mình.
Trong đó, có một số hạn chế như: các sản phẩm du lịch có sự trùng lặp, thiếu sản phẩm du lịch đặc thù; Hệ thống sản phẩm, dịch vụ du lịch chất lượng chưa cao; các sản phẩm vui chơi giải trí nghèo nàn. Các khu, điểm du lịch còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách; thiếu nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Do đó, để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn kinh tế của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, các chuyên gia cho rằng các tỉnh cần phải cùng thống nhất đánh giá tài nguyên du lịch, nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với điều kiện của địa phương đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù để tăng cường khả năng cạnh tranh và tạo thương hiệu du lịch của địa phương nhưng phải đảm bảo hài hòa với định hướng phát triển và lợi ích chung của cả vùng.
Từ đó, xây dựng chương trình quảng bá xúc tiến, tạo thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc như một điểm đến hấp dẫn. Việc này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, đồng thời giảm được chi phí cho quảng bá xúc tiến của mỗi địa phương.
Vụ Lữ hành – Tổng Cục Du lịch đánh giá, Liên kết vùng trong phát triển du lịch đã chứng minh được tính hiệu quả trên thế giới và trong nước. Kinh nghiệm thế giới cho thấy các liên kết phát triển du lịch của các nước châu Âu, các nước khu vực Đông Nam Á, các nước Tiểu vùng sông Mê Kông,... Tại Việt Nam, nhiều liên kết vùng đã bắt đầu phát huy được hiệu quả như nhóm liên kết 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, nhóm liên kết 6 tỉnh Việt Bắc, nhóm liên kết, hợp tác phát triển du lịch 5 địa phương Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam hay nhóm liên kết, hợp tác phát triển du lịch các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Hoạt động liên kết đã giúp nhiều địa phương chủ động chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ, thậm chí là tài chính để cùng hình thành chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng và tổ chức thành công các hoạt động, sự kiện chung, góp phần thu hút khách du lịch, đóng góp đáng kể vào kinh tế địa phương.
Đối với khu vực Đồng bằng sông Hồng, đại diện Vụ Lữ hành – Tổng cục Du lịch cho biết, đây là khu vực tiềm ẩn nguồn tài nguyên du lịch rất lớn và đang được khai thác, phát huy tương đối hiệu quả: từ du lịch biển đảo, văn hóa, tâm linh, ẩm thực, làng nghề cho tới du lịch cộng đồng, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổ chức sự kiện.
Sau thời gian gián đoạn bởi đại dịch toàn cầu COVID-19, năm 2022, các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc vẫn khẳng định được sức hút với khách du lịch, đã đón tiếp và phục vụ hơn 2,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, hơn 51,6 triệu lượt khách du lịch nội địa, tổng thu du lịch là hơn 94 nghìn tỷ đồng, chiếm 21% doanh thu du lịch trên toàn quốc. Trong đó các địa phương đã khai thác tốt lợi thế du lịch như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình.
Do đó, để phát huy hiệu quả của Liên kết vùng, các hoạt động liên kết du lịch phải có sự đồng thuận cao giữa các địa phương, có kế hoạch trung hạn, dài hạn trên cơ sở phát triển kinh tế-xã hội của từng tỉnh/thành phố và toàn vùng. Cần có các hoạt động thường niên để tổng kết tình hình hoạt động liên kết du lịch trong vùng, kịp thời điều chỉnh một số tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình khai thác các điểm đến ở các địa phương khác nhau.
Vì vậy, để nâng cao vị thế cạnh tranh của du lịch Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, 11 tỉnh/thành phố cần nâng cao hợp tác, biến khu vực này thành trung tâm du lịch của cả nước.