Hồ Cần Đơn nằm trên địa phận huyện biên giới Bù Đốp, Bù Gia Mập và tiếp giáp Campuchia. Hồ là nơi tích trữ nước của sông Bé, sông Măng, sông Đăk Quýt và hàng chục con suối lớn nhỏ. Chính vì vậy, hồ được coi là kho tàng thủy sinh vật và nguồn lợi thủy sản của Bình Phước bởi sự đa dạng của các loài thủy sản. Với diện tích mặt nước 19,2 km2, trong những năm qua, bên cạnh việc khai thác nguồn lợi tự nhiên, hàng chục hộ dân trên lòng hồ đã chuyển sang nuôi cá lồng bè.
Là một trong những hộ đầu tiên chuyển đổi từ hình thức đánh bắt sang nuôi trồng, chị Trần Thị Chuyện (ngụ xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) cho biết, năm 2010 gia đình chị rời Biển Hồ (Campuchia) về nước, sau khi khảo sát nhiều nơi, cuối cùng lòng hồ Cần Đơn được chị chọn nơi gắn bó sự nghiệp.
Nhờ có nghề cá truyền thống, thời gian đầu gia đình chị chủ yếu đánh bắt, tuy nhiên, càng về sau, số lượng người tham gia đánh bắt ngày càng nhiều, số lượng thủy sản ngày càng thu hẹp. Với số vốn hơn 200 triệu tích lũy được, năm 2015 gia đình chị Chuyện quyết định chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Ban đầu, chị Chuyện chỉ nuôi thử nghiệm 5 lồng bè cá lăng nha (9 m2/lồng), sau hơn 1 năm xuất bán, gia đình chị thu lãi gần 100 triệu đồng.
Nhận thấy tiềm năng lớn, đến nay, chị Chuyện đã phát triển 20 lồng cá các loại gồm: cá lăng, điêu hồng, chép, rô phi,... Lợi nhuận cũng từ đó tăng theo, có năm cá được giá, gia đình chị thu lãi 300 triệu đồng. “Nuôi cá trong lồng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, nuôi đạt mật độ cao. Đặc biệt nguồn nước luôn lưu thông nên thuận lợi cho cá sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, nhờ tận dụng nguồn thức ăn có trong tự nhiên nên giảm nhiều chi phí…”, chị Chuyện chia sẻ.
Không chỉ ở hồ Cần Đơn, nhiều bà con sống ven lòng hồ Thác Mơ (thị xã Phước Long) cũng đã mạnh dạn nuôi cá lồng bè từ nhiều năm nay.
Gia đình anh Hồ Khắc Công Giàu (ngụ xã Phước Tín) là một trong những hộ tiêu biểu phát triển hiệu quả mô hình nuôi cá lồng bè tại đây. Anh Giàu cho biết, nhận thấy tiềm năng nuôi cá trên lòng hồ vẫn còn bỏ ngỏ, năm 2016, gia đình anh bắt đầu làm lồng bè nuôi cá. Tại thời điểm đó, do kinh tế còn khó khăn nên quy mô lồng bè của gia đình anh còn hạn chế, chủ yếu được làm bằng vật liệu tạm như tre, nứa, lồ ô… Ngoài ra, do thiếu kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, anh chỉ độc canh mỗi loại cá lóc nên dịch bệnh thường xuyên xảy ra, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế thấp.
Không chấp nhận thất bại, anh đã chịu khó đi học hỏi các mô hình nuôi cá lồng bè hiệu quả, tích lũy kinh nghiệm, từ đó thâm canh nhiều loại cá. Đến nay, gia đình anh đã phát triển được 45 lồng cá (9 m2/lồng) các loại gồm cá lóc, lăng, chép… Mỗi năm, anh Giàu xuất ra thị trường hàng chục tấn cá thương phẩm đem về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.
Bà Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Bình Phước cho biết, để phát huy hết tiềm năng của tỉnh, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ tiếp tục tập trung quy hoạch vùng thủy sản, chú trọng phát triển, khuyến khích người nuôi xây dựng vùng nuôi tập trung, thay đổi tập quán nuôi thủy sản nhỏ lẻ theo lối quảng canh, bán thâm canh sang đầu tư thâm canh, từ các loại cá truyền thống sang các loại cá thương phẩm có giá trị.
Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan đẩy mạnh các chương trình tín dụng, tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay cho người nuôi cá để họ đầu tư, mở rộng diện tích nuôi thả. Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng công tác mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, sản xuất giống, chế biến, tham gia các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…