Văn Yên là huyện miền núi của tỉnh Yên Bái, tổng diện tích tự nhiên là 139.000ha, trong đó có 52.000ha trồng quế. Đây là huyện trồng quế lớn nhất tỉnh Yên Bái, được mệnh danh là “huyện quế”, “thủ phủ” quế của Tây Bắc.
Diện tích quế tập trung 25.357ha, được đăng ký chỉ dẫn địa lý được bảo hộ độc quyền, bao gồm các xã: Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn.
Chất lượng quế Văn Yên được đánh giá tốt nhất Việt Nam, là thương hiệu mạnh do lượng tinh dầu và các chỉ số khác, được khách hàng trong nước và thế giới ưa dùng. Diện tích quế hữu cơ đạt Chứng nhận châu Âu, Mỹ trên 4.000ha.
Vào vai một thương lái thu mua quế, tôi đến gia đình ông P.V.M tại xã Xuân Ái, Sau thời gian trao đổi về quy cách sản phẩm, giá cả thu mua các mặt hàng về quế ông M chia sẻ: Mỗi năm gia đình ông chế biến từ 130-150 tấn quế tươi, xuất bán cho thương lái khoảng 40- 45 tấn quế khô. Chủ yếu là quế hàng sáo, với giá bán từ 95.000-100.000đ/kg.
Gia đình ông thu về khoảng 400 triệu, còn tạo thêm công việc thời vụ cho từ 10-12 người tham gia chế biến sản phẩm với mức thu nhập từ 6-8 triệu/người. Sau khi trừ hết chi phí, ông thu về từ 60-80 triệu đồng/năm. Ngoài gia đình ông thì trên địa bàn xã còn rất nhiều hộ khác cũng thu mua quế về sơ chế.
Khi được hỏi về nguồn gốc quế để làm các sản phẩm, ông nói: Quế gia đình tôi không chỉ thu mua về từ các xã trong huyện Văn Yên mà cả các huyện ngoại tỉnh như: Bảo Yên, Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) và các huyện tỉnh Phú Thọ….
Vậy có cách nào để phân biệt được quế giữa các vùng? Thật ra, để phân biệt là rất khó vì vỏ quế giống nhau, chỉ có các thương lái mới biết rõ nguồn gốc và sau khi sơ chế đem phơi khô thì quế những vùng khác nhưng hao cân không đạt cân như quế Văn Yên...
Chúng tôi gặp ông N.V.T, một thương lái chuyên thu mua quế ở các địa phương để bán cho các cơ sở chế biến, ông T cho biết: Đây là mặt hàng thương mại tự do buôn bán, có cầu ắt có cung.
Để có sản phẩm cung cấp cho các cơ sở chế biến, ông T nhập quế từ các địa phương khác như: Văn Bàn, Bắc Hà, Bảo Yên… Có lúc, ông sang tận Hà Giang nhập hàng về bán lại cho các cơ sở trên địa bàn huyện Văn Yên. Chỉ tính riêng ông, mỗi năm đã thu mua từ các tỉnh khác cả trăm tấn.
Trong khi đó, ngoài ông T còn có hàng trăm người khác cũng thu mua quế vỏ tươi về Văn Yên bán. Từ đó, quế các tỉnh khác được “khoác áo” quế Văn Yên nhằm bán giá cao.
Ông Đỗ Quang Trung, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Văn Yên cho biết: Trên địa bàn huyện có khoảng 200 cơ sở trực tiếp tham gia thu mua và chế biến các sản phẩm từ vỏ quế như: quế bào, quế chẻ, quế kẹp số 3…Ngoài ra, lá quế còn được sử dụng để chưng cất tinh dầu, sản lượng đạt 300 tấn/năm. Gỗ quế dùng làm nhà, xẻ ván sàn, ván thanh… Toàn huyện có 9 hợp tác xã và trên 100 cơ sở chế biến gỗ quế, sản lượng đạt 50.800 m3/năm. Tổng sản lượng vỏ quế đạt trên 5.000 tấn/năm...
Các sản phẩm từ quế rất phong phú: Tinh dầu quế, quế bột, quế điếu, quế thanh… xuất khẩu đi 18 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bản, Bangladesh… Năm 2021 về giá trị ước đạt khoảng 943,2 tỷ đồng, trong đó: Sản lượng vỏ quế khô các loại 5.000 tấn, giá trị đạt 500 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động của huyện có thu nhập ổn định.
Huyện Văn Yên đã xây dựng Chứng nhận sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Lợi dụng thương hiệu quế Văn Yên, do giá bán cao, hàng trăm tấn quế được các thương lái thu mua từ các địa phương lân cận bán cho các sơ chế, trộn lẫn vào quế bản địa, không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng quế dẫn đến thương hiệu quế Văn Yên dần bị đánh mất.
Để giữ thương hiệu quế Văn Yên, chính quyền cần siết chặt quản lý nguồn gốc thu mua, hướng dẫn người dân và các cơ sở chế biến cẩn trọng trong việc thu mua quế ngoại tỉnh. Nếu không, Văn Yên sẽ tự đánh mất thương hiệu quế của chính mình vì lợi ích trước mắt của một số ít người…