| Hotline: 0983.970.780

Khẩn trương tái thiết sản xuất sau bão lũ

Thứ Tư 16/12/2020 , 18:40 (GMT+7)

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các đơn vị của Bộ NN-PTNT và tỉnh Quảng Nam phải phối hợp chặt chẽ với nhau để giúp bà con sớm ổn định sản xuất.

Nhiều hộ dân ở Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua. Ảnh: L.K.

Nhiều hộ dân ở Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề do bão lũ vừa qua. Ảnh: L.K.

Trong buổi làm việc bàn về công tác khắc phục sản xuất sau bão lũ ở Quảng Nam với Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Phùng Đức Tiến dẫn đầu, Sở NN-PTNT tỉnh này cho biết, các đợt mưa lũ trong tháng 9 và tháng 10 năm nay trên địa bàn đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, lâm thủy sản, thủy lợi của tỉnh. Giá trị thiệt hại tính từ ngày 17/9 đến 28/10 ước tính khoảng gần 8.700 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng thiệt hại chung của tỉnh là gần 11.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi kết thúc mùa mưa bão, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chỉ đạo kịp thời để khắc phục hậu quả trước mắt cũng như ổn định sản xuất lâu dài cho người dân vùng bị thiên tai.

Theo đó, tỉnh này đã chỉ đạo các địa phương trước mắt tận dụng đất đai, thời vụ, trồng xen canh… để sản xuất cây ngắn ngày bù đắp thiệt hại do bão lũ gây ra, tăng thu nhập cho người dân.

Đối với sản xuất lúa, tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng diện tích trồng lúa bị ảnh hưởng, có biện pháp khắc phục, cải tạo đồng ruộng, khôi phục hệ thống thủy lợi để kịp thời đưa vào gieo trồng vụ ĐX sắp tới; rà soát lại toàn bộ diện tích lúa gieo cấy và nhu cầu hỗ trợ giống của các địa phương, đề xuất hỗ trợ giống phục vụ gieo trồng, không được để diện tích bỏ hoang.

Thiệt hại của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam trong 2 tháng 9 và 10 lên đến gần 8.700 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Thiệt hại của ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Nam trong 2 tháng 9 và 10 lên đến gần 8.700 tỷ đồng. Ảnh: L.K.

Với cây lâu năm cần nhanh chóng khắc phục những vùng bị ngập úng, phân loại các vườn cây (có thể khôi phục được hay không) để để có hướng xử lý phù hợp; chuẩn bị đầy đủ nguồn cây giống, hom giống (cây ăn quả) có chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xử rõ ràng để trồng lại.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam cũng kịp thời phân bổ kinh phí, các loại vật tư, giống của Trung ương và các tổ chức hỗ trợ cho các địa phương bị thiệt hại. Đến nay, địa phương đã tiếp nhận 40 tấn hóa chất phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và 15 tấn hóa chất phòng chống dịch bệnh động vật thủy sản đến người dân.

Ngoài ra, Quảng Nam còn nhận hỗ trợ từ Ngân hàng ADB, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Đài Bắc, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) 85 ngàn con gà giống kèm theo thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y giai đoạn úm gà con, 5 triệu con tôm giống kèm theo thức ăn thủy sản.

Mặc dù đã chủ động trong công tác khắc phục bão lũ, sớm ổn định sản xuất nhưng đại diện UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn còn gặp không ít khó khăn như thiếu nguồn cung ứng và khả năng đầu tư của người dân về giống cây trồng, vật nuôi trong đó nhất là cây ăn quả, giống heo để tái sản xuất.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác khắc phục sản xuất sau bão lũ. Ảnh: L.K.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến trong buổi làm việc với tỉnh Quảng Nam về công tác khắc phục sản xuất sau bão lũ. Ảnh: L.K.

“Vấn đề ra soát, thống kê tình hình thiệt hại để đề nghị được hỗ trợ từ các hộ dân hiện nay còn rất khó khăn, đòi hỏi có thời gian và đảm bảo tính chính xác. Riêng về thiệt hại sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My thì việc khai báo của các hộ, đơn vị trồng sâm, diện tích trồng và số lượng sâm ở một số vùng chưa được thống nhất, còn nhiều bất cập; định mức hỗ trợ cho diện tích sâm bị thiệt hại quá thấp so với giá trị thực tế của loại cây này”, ông Phạm Viết Tích, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nói.

Trước những khó khăn này, tỉnh Quảng Nam đã có những kiến nghị Bộ NN-PTNT và các Bộ, ngành liên quan. Về lâm nghiệp, địa phương đề nghị cho phép các địa phương tổ chức thu gom, tận thu gỗ rừng trồng bị ngã đỗ từ diện tích rừng trồng được đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước; có chính sách trợ giá và liên kết các doanh nghiệp giúp bà con tiêu thụ sản phẩm bị thiệt hại.

Với hệ thống thủy lợi, tỉnh này kiến nghị các Bộ, ngành quan tâm khắc phục sữa chữa các công trình hư hại do bão, lũ gây ra. Trước mắt là hệ thống kênh, mương tưới nội đồng bị bồi lấp, hư hỏng nặng khắc phục sớm để phục vụ sản xuất vụ ĐX 2020 - 2021.

Do hầu hết các địa phương ở Quảng Nam đều đã bắt đầu xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nên tỉnh đề nghị tiếp tục được hỗ trợ trang thiết bị vật tư, vacxin tiêm phòng để triển khai phòng dịch, hỗ trợ về con giống cũng như các gói kỹ thuật để nhanh chóng tái đàn.

“Hiện nay, lịch thời vụ sản xuất lúa vụ ĐX đã tới gần nhưng vẫn chưa có nguồn giống hỗ trợ đưa về, đề nghị sớm triển khai hỗ trợ giống cho các địa phương theo chủng loại đề xuất để sản xuất vụ ĐX kịp lịch thời vụ (thời gian hỗ trợ giống lúa trung, ngắn ngày có thời gian sinh trưởng dưới 110 ngày đến hộ nhận trước ngày 20/12)”, ông Tích kiến nghị.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, bão lũ đã gây ra thiệt hại rất lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam. Sau thiên tai, những giải pháp mà địa phương đưa ra để khắc phục, ổn định sản xuất là rất kịp thời, sát thực. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng biểu dương các công ty, doanh nghiệp đã tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng với tỉnh, hỗ trợ về giống vật nuôi, giống thủy sản, thuốc men… để tái sản xuất.

“Việc khôi phục sản xuất, ổn định đời sống cho bà con vùng bị thiên tai là nhiệm vụ cấp bách. Do đó, tôi đề nghị các đơn vị của Bộ NN-PTNT và đơn vị của tỉnh cần phải phối hợp chặt chẽ với nhau để nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ vào thực tiễn làm sao kịp thời nhất, hiệu quả nhất, giúp cho người dân.

Đồng thời, tôi cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành với các ngành chức năng để giúp các địa phương tái thiết, ổn định sản xuất”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.