| Hotline: 0983.970.780

Hà Tĩnh: Trang trại hoãn tái đàn giúp dân khôi phục chăn nuôi sau lũ

Chủ Nhật 29/11/2020 , 09:27 (GMT+7)

Thay vì tái đàn lứa mới, anh Phạm Đình Đạo, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã nhường chuồng trại của gia đình úm 5.000 con gà để hỗ trợ dân vùng lũ tái sản xuất.

Người dân Hà Tĩnh dọn dẹp chuồng trại khôi phục chăn nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Người dân Hà Tĩnh dọn dẹp chuồng trại khôi phục chăn nuôi. Ảnh: Thanh Nga.

Trận lũ lịch sử từ ngày 18 – 21/10 đã cuốn trôi hàng vạn con trâu, bò, lợn, gà... cùng nhiều gia sản của người dân Hà Tĩnh. Lũ rút, nhiệm vụ tái thiết sản xuất được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và người dân đặt lên hàng đầu.

Ngay sau đó, ngoài ban hành Quyết định số 3659/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc quy định tạm thời một số nội dung hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão, lũ, ổn định đời sống trên địa bàn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh đã trích nguồn kinh phí hơn 22,4 tỷ đồng hỗ trợ chăn nuôi lợn theo Nghị quyết số 241/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020.

Về phía huyện Thạch Hà, một trong 3 địa phương chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, ông Nguyễn Văn Sáu, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay, nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn, sau lũ huyện đã đề xuất hỗ trợ kinh phí hơn 5,2 tỷ đồng khôi phục sản xuất. Trong đó, kinh phí từ nguồn cứu trợ bão lũ là hơn 3,4 tỷ đồng; số  còn lại từ nguồn ngân sách huyện.

Cùng thời điểm, Bộ NN-PTNT quyết định hỗ trợ một phần vật nuôi, thức ăn, thuốc thú y giúp người dân tái thiết sản xuất. Trước mắt, Bộ NN-PTNT khuyến khích người dân tập trung khôi phục chăn nuôi gia cầm vì đây là đối tượng có chu kỳ sản xuất ngắn, có thể tạo ra sản phẩm trước Tết, giúp bà con có thêm thu nhập, qua đó tạo sinh kế cho những chu kỳ sau.

Anh Phạm Đình Đạo nhường chuồng trại của gia đình úm 5.000 con gà từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN - PTNT giúp người dân tái thiết chăn nuôi sau lũ. Ảnh: Thanh Nga.

Anh Phạm Đình Đạo nhường chuồng trại của gia đình úm 5.000 con gà từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN - PTNT giúp người dân tái thiết chăn nuôi sau lũ. Ảnh: Thanh Nga.

Song song hỗ trợ con giống, vật tư, Cục Chăn nuôi phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị liên quan đã xây dựng mô hình nuôi gia cầm sau mưa lũ để phổ biến, nhân rộng tại các địa phương. “Để tiếp nhận và bàn giao con giống cho các hộ chăn nuôi đạt hiệu quả cao, chúng tôi đã khảo sát và chọn địa điểm để nuôi gà tập trung từ 1 đến 21 ngày tuổi sau đó mới cấp phát cho người dân”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh thông tin.

Anh Phạm Đình Đạo, thôn Trần Phú, xã Thạch Trị là một trong những hộ chăn nuôi gà quy mô trang trại (5.000 con gà thịt) điển hình của huyện Thạch Hà. Trước khi lũ lụt xảy ra gia đình anh đã nhanh tay giải phóng toàn bộ lứa gà thịt đến kỳ xuất chuồng. Lũ rút, anh khẩn trương tu sửa chuồng trại, thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn sinh học để thả nuôi lứa mới, đón đầu thị trường dịp Tết.

Tuy nhiên sau khi Sở NN-PTNT khảo sát, đặt vấn đề mượn trang trại của anh để úm gà giai đoạn từ 1 đến 21 ngày tuổi trước khi đem đi hỗ trợ bà con vùng lũ, anh Đạo hoàn toàn đồng tình, chấp nhận hoãn thả nuôi lứa mới để tập trung úm 5.000 con gà giống đợt 1 từ nguồn hỗ trợ của Bộ NN-PTNT. Theo anh Đạo, đàn gà úm tại trang trại đang phát triển tốt, đã được tiêm phòng đầy đủ. Đây sẽ là nguồn giống quý giá cho người dân tái thiết sản xuất.

Hiện đàn gà đang phát triển tốt và sẽ là nguồn giống quý giá cho người dân vùng lũ tái sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Hiện đàn gà đang phát triển tốt và sẽ là nguồn giống quý giá cho người dân vùng lũ tái sản xuất. Ảnh: Thanh Nga.

Ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi – Thú y Hà Tĩnh cho rằng, mặc dù khuyến khích đẩy mạnh tái chăn nuôi gia cầm sau lũ, tuy nhiên hiện nay áp lực dịch bệnh rất lớn. Vì vậy, để đảm bảo chăn nuôi an toàn, tránh thiệt hại, người dân cần thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh, nhất là tiêu độc khử trùng môi trường, chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; tiêm phòng vac xin đầy đủ.

Đặc biệt, người chăn nuôi gà, nhất là những cơ sở quy mô lớn cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng, phù hợp các điều kiện về kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, điều kiện về kinh tế... để đảm bảo không bị động, tránh thiệt hại trong những tình huống dịch bệnh hay khó khăn về thị trường, giá bán.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.