Đẩy mạnh giám sát
Ngày 14/12, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế đã phối hợp tổ chức Hội nghị trao đổi thông tin xoay quanh vấn đề kháng kháng sinh tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chia sẻ, “chúng ta đều nhận thức rất rõ rằng kháng sinh là một công cụ điều chỉnh vi khuẩn hữu hiệu nếu được sử dụng thận trọng, tuy nhiên thực tế cho thấy việc sử dụng kháng sinh một cách thiếu an toàn trong nhiều năm qua đã biến kháng kháng sinh đã trở thành vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Chúng ta đứng trước nguy cơ mất dần những công cụ điều chỉnh hiệu quả nếu không có hành động kịp thời”.
Tình trạng kháng kháng sinh trên vật nuôi đang ngày càng diễn biến phức tạp, đe dọa đến sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong việc kiểm soát tình trạng kháng kháng sinh.
Trên cơ sở Bộ Y tế thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh giai đoạn 2020 - 2025, áp dụng cách tiếp cận đa ngành, Bộ NN-PTNT đã thành lập Tiểu Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh trong lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025. Bộ NN-PTNT cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc xây dựng Chiến lược Quốc gia về phòng chống kháng kháng sinh giai đoạn 2022 - 2030, tầm nhìn 2045.
Đến thời điểm hiện tại, ngành nông nghiệp đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện qua việc hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo về quản lý kháng kháng sinh, tăng cường kiểm tra việc thực thi văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng kháng sinh từ cấp trung ương đến địa phương, nâng cao nhận thức về sử dụng kháng sinh và những nguy cơ hình thành kháng kháng sinh cho các nhà quản lý chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cộng đồng.
Các cơ quan, ban ngành liên quan đã đẩy mạnh quá trình giám sát kháng kháng sinh và sử dụng kháng sinh thông qua việc chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về kháng kháng sinh, nâng cao năng lực hệ thống xét nghiệm kháng kháng sinh của các ngành. Đặc biệt, tháng 10/2022, Bộ Y tế đã ban hành quy định thành lập Hệ thống giám sát Quốc gia về kháng thuốc cho các vi sinh vật. Việt Nam cũng tham gia hệ thống giám sát kháng kháng sinh toàn cầu (GLASS) thông qua sự giới thiệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
“Ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh là một thách thức có quy mô toàn cầu, đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ của tất cả các quốc gia và các bên liên quan, từ cơ quan nhà nước đến những đơn vị hành nghề thú y và người chăn nuôi. Các cơ quan cấp quốc gia càng phải thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình trong quá trình chung tay góp sức cùng cộng đồng quốc tế, nỗ lực ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Hợp tác quốc tế giải quyết vấn đề toàn cầu
Để đạt được thành quả trên phải kể đến sự đóng góp, giúp sức từ các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, sự hỗ trợ từ Vương quốc Anh là một minh chứng rõ nét cho sự quan tâm cũng như cam kết của Vương quốc Anh đối với hoạt động phòng chống kháng kháng sinh tại Việt Nam. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ hiệu quả từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, đặc biệt là hỗ trợ về vật chất và kỹ thuật từ Vương quốc Anh thông qua Quỹ Fleming để có thể đưa các chính sách cấp quốc gia vào đời sống, hiện thực hóa các mục tiêu.
Ông Iain Frew, Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, đánh giá cao những thành tựu ngành nông nghiệp đã đạt được thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Vương quốc Anh trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh tinh thần tập trung cao độ trong quá trình kìm hãm và giảm thiểu hiện tượng kháng kháng sinh.
“Penicillin, kháng sinh đầu tiên trên thế giới, được phát minh vào năm 1929 tại Vương quốc Anh. Nhân loại đã vô cùng biết ơn sự xuất hiện tình cờ này, vì trong gần 100 năm, Penicillin cùng các kháng sinh khác đã cứu sống hàng tỷ sinh mạng và trở thành một phần không thể thiếu trong y học hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng hiểu rằng việc sử dụng các loại kháng sinh quá mức và sai mục đích đã dẫn đến hiện tượng kháng thuốc, trở thành mối đe dọa to lớn tới sức khỏe nhân loại hiện tại và tương lai”, ông Iain Frew nhấn mạnh.
Cũng theo ông Iain Frew, các thách thức của kháng kháng sinh như một “đại dịch nổ chậm”. Theo thông tin từ Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm có khoảng 700 ngàn người trên thế giới tử vong do các bệnh truyền nhiễm có đặc tính kháng thuốc và ước tính con số sẽ lên tới 10 triệu người vào năm 2050.
“Đại dịch Covid-19 đã giúp chúng ta hiểu rằng sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới đóng vai trò thiết yếu trong công cuộc giải quyết các thách thức về sức khỏe toàn cầu. Đây cũng là một ví dụ điển hình thúc đẩy chúng ta tiếp cận Một sức khỏe. Tôi thấy rằng Chính phủ Việt Nam đã tích cực hành động theo hướng tiếp cận Một sức khỏe trong phòng chống kháng kháng sinh”, Đại sứ Anh đánh giá.
Vương quốc Anh đặc biệt quan tâm đến vấn đề kháng kháng sinh cũng như những tác động mà thách thức này mang lại. Năm 2015, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên được tiếp nhận khoản viện trợ của Quỹ Fleming để xây dựng hệ thống phòng chống kháng kháng sinh ở người. Từ 2019 đến nay, Quỹ Fleming đã hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai chương trình kháng kháng sinh về lĩnh vực y tế và thú y.
Ông Iain Frew bày tỏ niềm tự hào khi quan hệ đối tác giữa hai nước đã phần nào đóng góp cho Chiến lược quốc gia phòng chống kháng kháng sinh giai đoạn 2020 - 2030, tầm nhìn 2045 và Kế hoạch phòng chống kháng kháng sinh ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
Thạc sĩ Trương Lê Văn Ngọc, chuyên viên Phòng Nghiệp vụ - Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết các chuyên gia ước tính năm 2015 đã có 3.842 tấn kháng sinh được sử dụng tại Việt Nam, trong đó 2.756 tấn (71,7%) sử dụng trong chăn nuôi thú y, và số còn lại (1.086 tấn, chiếm 28,3%) sử dụng trong y tế. Tỷ lệ lớn kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi lợn (41,7%), người (28,3%), thủy sản (21,9%) và gà (4,8%). Sử dụng kháng sinh trên các đối tượng khác chiếm <1.5%.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, 131,4 - 394,3mg thành phần hoạt tính được sử dụng/1kg người và 130,3 - 364,3mg/1kg động vật tại việt Nam. Con số này cho thấy thực tế sử dụng kháng sinh cao hơn rất nhiều so với các nước châu Âu là 122 mg/kg người và 151,1mg/1kg động vật.