Trong đó, cấp Trung ương 150 hộ, cấp tỉnh 1.600 hộ và cấp huyện 8.000 hộ và cơ sở trên 48.300 hộ.
Thông tin trên được ông Nguyễn Trọng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, tại lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2020) và tổng kết phong trào thi đua yêu nước Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2015-2020 vào sáng 8/10.
Theo ông Trung, trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã có nhiều cố gắng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn công tác xây dựng tổ chức Hội với các phong trào thi đua, tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh…qua đó đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Điển hình là ở phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đây là phong trào thi đua lớn do Hội phát động gắn với phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã và đang đem lại nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả trong đời sống, kinh tế, xã hội nông thôn. Hàng năm, phong trào đã thu hút được hơn 65.000 hộ nông dân tham gia đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng hơn 6.000 hộ so với năm 2015.
Qua bình xét hàng năm có trên 58.000 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, cụ thể cấp Trung ương 150 hộ, cấp tỉnh 1.600 hộ, cấp huyện 8.000 hộ và cơ sở trên 48.300 hộ; tăng 2.000 hộ so với năm 2015.
“Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng lớn mạnh không những tăng về số lượng mà còn chuyển nhanh cả về chất lượng đã tác động mạnh mẽ tới việc chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân, từng bước thực hiện phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà. Thông qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình làm ăn có hiệu quả, thu nhập cao, nhiều gương nông dân điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi”, ông Trung chia sẻ.
Nông dân Lê Quang Toàn, ở xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) với 15ha diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt, sau khi trừ chi phí 9 tỷ đồng/năm và thường xuyên tạo việc làm cho 25-30 lao động. Ông Toàn được Trung ương Hội tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018”.
Nông dân Nguyễn Sơn ở xã Cam Hải Tây, huyện Cam Lâm, trồng xoài Úc và làm dịch vụ nông nghiệp đạt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thu nhập hàng năm trên 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Sơn còn giúp đỡ, tạo việc làm ổn định thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng/người…
Nông dân Hồ Duy Hiệp, ở xã Khánh Thành, (Khánh Vĩnh) cũng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Anh Hiệp trồng bưởi da xanh, quýt, chuối, măng cụt và làm dịch vụ nông nghiệp (làm đất, vận chuyển nông sản), tổng thu nhập hàng năm trên 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 10-12 lao động địa phương. Bên cạnh đó, anh còn quan tâm, tận tình giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, kỹ thuật. Trong đó, hàng năm anh giúp đỡ 1-2 hộ thoát nghèo…
Ông Hà Quốc Trị, Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá, thông qua các phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, những mô hình mới trong nông nghiệp, nông thôn với những sáng kiến cách làm hay, sáng tạo. Nhiều nông dân biết cách vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, thay đổi cách làm, cách nghĩ, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tham gia kinh tế tập thể, góp phần đáng kể vào các chương trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Với những thành tích đạt được của các điển hình tiên tiến của nông dân trong tỉnh là rất đáng trân trọng…
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy chức mừng và biểu dương tinh thần đoàn kết, nổ lực phấn đấu và những thành tích giai cấp nông dân và Hội nông dân tỉnh đã đạt được trong năm qua.