| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa xây dựng kịch bản ứng phó hạn hán

Thứ Bảy 16/05/2020 , 14:22 (GMT+7)

Trước tình hình các hồ chứa, sông, suối đang cạn kiệt, UBND tỉnh Khánh Hòa đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó trong thời gian tới.

 Nguồn nước thiếu hụt trầm trọng

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, mùa mưa năm 2019 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến muộn và kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN), trong đó tháng 12 hầu như  không có mưa hoặc có lượng mưa nhỏ dưới 10mm, đây là hiện tượng hiếm thấy trong nhiều năm qua.

Còn các tháng đầu năm 2020, địa phương này hầu cũng như không có mưa, tổng lượng mưa chỉ đạt dưới 10 mm, thấp hơn TBNN từ 20-30%. Mực nước trên các sông Cái Nha Trang, sông Dinh, Ninh Hòa  ít biến đổi và có xu hướng giảm, một số suối nhỏ không còn dòng chảy.

Dự báo nguồn nước trong thời tới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thiếu hụt. Ảnh: MH.

Dự báo nguồn nước trong thời tới trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa thiếu hụt. Ảnh: MH.

Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 8/2020, nhiệt độ không khí trung bình ở mức cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,5-1,0 độ C; tổng lượng mưa cũng thấp hơn TBNN cùng thời kỳ với mức thiếu hụt từ 10-40%. Bên cạnh đó, lượng dòng chảy trên các sông suối thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN cùng kỳ…

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, hiện tổng dung tích trữ nước của 19 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn dưới 33% so với dung tích toàn bộ là 250 triệu m3.

Ghi nhận PV tại huyện Cam Lâm, nơi có 3 hồ chứa gồm hồ Cam Ranh, Suối Dầu, Tà Rục. Tuy nhiên theo ông Đặng Chí Liêm, Phó phòng NN-PTNT Cam Lâm, trong 3 hồ trên hiện hồ Cam Ranh đã ở mực nước chết, còn hồ Suối Dầu gần mực nước chết. Hiện tại một số khu vực và các trường bán trú ở các xã Cam Tân, Sơn Tân đã xảy ra tình trạng thiếu nước và người dân phải mua nước.

Nguồn nước hồ Suối Dầu đang dần cạn kiệt. Ảnh: KS.

Nguồn nước hồ Suối Dầu đang dần cạn kiệt. Ảnh: KS.

“Vừa qua chúng tôi đã làm việc với các xã này đề nghị rà soát, thông kê các hộ thiếu nước. Đồng thời phòng NN-PTNT tham mưu UBND huyện cấp kinh phí mua bồn tích nước và có phương án cấp nước cho các xã, phục vụ cho người dân. Đối với trường học huyện đã chỉ đạo phòng giáo dục rà soát các điểm đang thiếu nước, để gấp rút cấp nước kịp thời”, ông Liêm chia sẻ.

Còn tại huyện vùng cao Khánh Sơn, một trong những vùng cây quả trọng điểm của Khánh Hòa với hơn 1.000 ha sầu riêng, 319 ha bưởi da xanh và 166 ha chôm chôm...Tuy nhiên vùng này không có hồ chứa để tích trữ nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân. Tất cả nguồn nước ở đây chủ yếu phụ thuộc từ các con suối và sông Tô Hạp.

Theo ông ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, hiện các sông, suối trên địa bàn đã gần cạn kiệt. Bước đầu, một số diện tích trồng cây ăn trái, cây công nghiệp ở vùng đồi cao không còn nước tưới có nguy cơ thiệt hại, ảnh hưởng đến năng suất.

Còn về nước sinh hoạt cung cấp cho người dân cũng đang khó khăn. Bởi các nguồn nước từ các suối đã đứt, do đó huyện đang tận dụng nguồn nước giếng khoan. Đồng thời các xã bố trí đặt các “ATM nước” cung cấp từng điểm phục vụ cho bà con.

 “Nếu 10 ngày nữa không có mưa thì các nguồn nước đều cạn kiệt. Khi đó sẽ gây thiệt hại lớn về sản xuất nông nghiệp, cũng như phải cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều địa phương trên địa bàn”, ông Nhuận chia sẻ.

Hai kịch bản ứng phó

Trước tình hình trên, mới đây ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký quyết định ban hành phương án phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh năm 2020. Trong đó, tỉnh đã xây dựng 2 kịch bản ứng phó với hạn hán, nắng nóng trong thời gian tới.

Huyện Khánh Sơn đặt các 'ATM nước' phục vụ cho nhân dân. Ảnh: TL.

Huyện Khánh Sơn đặt các "ATM nước" phục vụ cho nhân dân. Ảnh: TL.

Theo đó, kịch bản 1, từ nay đến trước tháng 6 nếu thời tiết có mưa, lưu lượng nước trên các sông, suối, đập, hồ chứa được cải thiện. Căn cứ vào lịch thời vụ, các địa phương, đơn vị kịp thời chủ động tính toán, cân đối, để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Còn kịch bản 2, trong các tháng tới không có mưa, lượng dòng chảy trên các sông thiếu hụt từ 40-60% so với TBNN cùng kỳ và dung tích các hồ chứa chỉ còn 30% (75 triệu m3) thì triển khai những giải pháp sau.

Về cấp nước sinh hoạt, tại huyện Vạn Ninh duy tu, sửa chữa 6 giếng đã khoan tại thôn Xuân Tây (Vạn Hưng), các thôn Tân Dân 1, Tân Dân 2 (Vạn Thắng), các thôn Ninh Lâm, Hội Khánh (Vạn Khánh) và thôn Tân Phước Đông (Vạn Phước).

Đồng thời khoan thêm 20 giếng tại các thôn dự kiến thiếu nước để cấp nước bổ sung cho người dân, nhất là khu vực dân cư tập trung, nguồn nước xâm nhập mặn. Trong trường hợp giếng khoan tại 3 thôn đảo của xã Vạn Thạnh không cung cấp đủ nhu cầu dùng thì sẽ mua nước từ thôn Đầm Môn (Vạn Thạnh) để vận chuyển, cấp nước cho người dân.

Tương tự tại Ninh Hòa đối với khu vực chưa có mạng lưới cấp nước, một số hệ thống cấp nước nhỏ lẻ, các giếng nước của dân không đủ nước, thì tiến hành đào thêm giếng, tăng cường các phương tiện vận chuyển cấp nước, không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Tại huyện Khánh Vĩnh khoan thêm 8 giếng công cộng để ưu tiên phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt vùng thiếu nước, vùng xa công trình tập trung thuộc các xã Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Cầu Bà, Giang Ly.

Các địa phương: Diên Khánh, Cam Lâm, Khánh Sơn, Cam Ranh, Nha Trang sẽ do các Công ty, đơn vị cấp nước trên địa bàn xây dựng phương án cụ thể, đảm bảo phục vụ nước sinh hoạt cho người dân trên cơ sở kịch bản xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Về cấp nước sản xuất vụ hè thu tỉnh chỉ cho gieo trồng khoảng 4.460 ha/18.940 ha. Trong đó, tại huyện Vạn Ninh sản xuất hơn 2.160/2.648 ha, TX Ninh Hòa sản xuất 1.860/9290 ha và TP. Cam Ranh sản xuất 300 ha/824ha. Tuy nhiên ở những vùng sản xuất trên, dự kiến diện tích phải bơm chống hạn cuối vụ khoảng 1.520 ha.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.