| Hotline: 0983.970.780

Khánh Hòa xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Tư 23/09/2020 , 06:30 (GMT+7)

Sau 7 tháng không ghi nhận ổ dịch tả lợn Châu Phi, mới đây trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa xuất hiện các ổ dịch trở lại.

2 ổ dịch tả lợn Châu Phi

Ông Nguyễn Tiến Luật, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (TP Nha Trang) cho biết, trên địa bàn xã vừa xuất hiện lợn ốm tại hộ ông Bùi Văn Kiếm ở thôn Phước Lộc. Cơ quan Thú y lấy mẫu xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP).

Thời gian gần đây, Khánh Hòa xuất hiện một số ổ dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Thời gian gần đây, Khánh Hòa xuất hiện một số ổ dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: KS.

Theo đó, sáng 15/9, ông Kiếm phát hiện 3/24 con có biểu hiện mắc bệnh DTLCP như xuất huyết, tím tái vùng da mỏng, hạch xung huyết… Sau đó, ông đã báo cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xuống kiểm tra, lấy mẫu.

Theo ông Nguyễn Tiến Luật, cơ quan chức năng đã lấy 3 mẫu bệnh phẩm xét nghiệm và cho tiêu huỷ 3 con lợn bằng phương pháp đốt. Đồng thời, UBND xã Phước Đồng đã yêu cầu ông Kiếm tiếp tục cách ly, theo dõi 21 con lợn còn lại. Tuy nhiên, chiều 15/9 ông này đã tự bán hết 21 con lợn nói trên và không khai báo với chính quyền địa phương, không chấp hành các quy định phòng chống dịch bệnh. Xã đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn xuống nhà ông Kiếm lập biên bản xử lý.

Đàn lợn nhà ông Đinh Văn Thái mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: KS.

Đàn lợn nhà ông Đinh Văn Thái mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi buộc phải tiêu hủy. Ảnh: KS.

Trước đó, từ ngày 20 - 22/8, tại thôn Cà Hon, xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh) cũng đã xuất hiện bệnh DTLCP trên đàn lợn nhà ông Đinh Văn Thái với các triệu chứng lâm sàn như xuất huyết, tím tái vùng da mỏng, hạch xung huyết. Theo UBND huyện Khánh Vĩnh, tổng số lợn chết và tiêu hủy của đàn lợn nhà ông Thái là 104 con, trong đó 93 con heo 3,5 tháng tuổi và 11 con heo 2,5 tháng tuổi; tổng trọng lượng 8.877 kg. Theo chủ hộ, tổng thiệt hại của lứa lợn này của gia đình là gần 1 tỷ đồng.

Đâu là nguyên nhân?

Theo ông Lê Thắng, Chi cục trưởng Chăn cục và Thú y Khánh Hòa, các ổ DTLCP xuất hiện trên địa bàn được xác định chỉ ra các cơ sở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học. Ví dụ ở huyện Khánh Vĩnh, mặc dù địa điểm nuôi có khoảng cách xa khu dân cư, ít người dân đi vào, nhưng bản thân chủ trại lại chưa thực hiện các bước vệ sinh phòng dịch.

Lợn mắc bệnh tả lợn Châu Phi được cơ quan chức năng tiêu hủy theo quy định. Ảnh: KS.

Lợn mắc bệnh tả lợn Châu Phi được cơ quan chức năng tiêu hủy theo quy định. Ảnh: KS.

Còn ổ dịch tại xã Phước Đồng thì có nhiều nguyên nhân. Cụ thể, hộ chăn nuôi này tái đàn mua giống không rõ nguồn gốc, kỹ thuật chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, thức ăn sử dụng tận dụng không đảm bảo và điều kiện vệ sinh cũng không thực hiện đúng quy trình vệ sinh hàng ngày theo quy định.

“Bệnh DTLCP hiện vẫn chưa có vacxin phòng ngừa và điều trị, trong khi mầm bệnh vẫn ở ngoài môi trường nên tùy từng lúc, tùy cơ địa đàn heo vẫn có thể bị bùng phát bệnh”, ông Thắng chia sẻ.

Trước tình hình DTLCP xuất hiện trên các địa bàn, ông Nguyễn Tiến Luật cho biết, UBND xã Phước Đồng đã phối hợp cơ quan chuyên môn phun thuốc tiêu độc khử trùng, đồng thời hướng dẫn bà con chăn nuôi ở khu vực gần đó các biện pháp phòng chống.

Tương tự, huyện Khánh Vĩnh đã yêu cầu UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp cấp bách như thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến hộ dân, cơ sở chăn nuôi. Khi phát hiện gia súc bệnh, chết nghi mắc bệnh truyền nhiễm phải báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm và xử lý kịp thời, tránh lây lan.

Đồng thời, huyện Khánh Vĩnh cũng đã chỉ đạo nhân viên thú y xã, thị trấn phối hợp với các ban ngành xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ lợn; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Hướng dẫn cơ sở chăn nuôi định kỳ phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại theo hướng dẫn của cơ quan thú y.

Khuyến cáo người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ thực hiện “5 không” theo quy định của Luật Thú y: Không giấu dịch; Không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; Không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; Không vứt lợn chết ra môi trường; Không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Đối với xã Khánh Bình, UBND huyện Khánh Vĩnh yêu cầu ngoài các biện pháp trên, thì tổ chức triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo quy định. Cụ thể, vệ sinh, khử trùng tiêu độc chuồng trại và khu vực xung quanh hộ có lợn mắc bệnh; ký cam kết phòng, chống dịch bệnh đối với hộ chăn nuôi; không được vận chuyển, bán chạy, giết mổ lợn nghi mắc bệnh và tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng theo quy định; thống kê lại toàn bộ đàn lợn trên địa bàn xã; đặt biển báo khu vực có dịch.

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường, Phó phòng NN-PTNT huyện Khánh Vĩnh cho biết, đến nay trên địa bàn chưa phát hiện ổ dịch mới.

Xem thêm
Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Bám sát đồng ruộng, bảo vệ sản xuất vụ đông xuân trong dịp Tết

BÌNH ĐỊNH Để phòng, chống sinh vật gây hại trên cây trồng vụ đông xuân 2024 - 2025, Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung đã hướng dẫn các địa phương biện pháp thực hiện.

Kỹ thuật thâm canh cây nghệ và chế biến sau thu hoạch

Để tăng cao thu nhập trong trồng nghệ, nhà nông cần xen canh với cây lạc, kết hợp chế biến sau thành dược liệu và gia vị.