| Hotline: 0983.970.780

Thứ Ba 13/08/2019 , 08:57 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:57 - 13/08/2019

Khi giảng đường... giảm giá

Các trường đại học trên cả nước đã công bố điểm chuẩn đầu vào cho mùa tuyển sinh 2019. Chỉ tiêu khá hào phóng mà Bộ GD-ĐT giao cho mỗi trường hứa hẹn mọi tú tài đều có cơ hội bước chân đến giảng đường.

Ảnh minh họa.

Trên thực tế, trong số 334 trường xét tuyển từ điểm thi THPT quốc gia, có 163 trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh 100%, 41 trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh 70%, 20 trường đạt chỉ tiêu tuyển sinh 50% và có 86 trường chưa đạt chỉ tiêu tuyển sinh được phân nửa.

Có nghĩa là điểm chuẩn tuyển sinh sẽ tiếp tục được hạ xuống và chiêu thức tuyển sinh khác được hình thành là… xét học bạ để có đủ số lượng sinh viên cần thiết cho năm học mới.

Sau một thập niên bùng nổ các loại đại học, xã hội Việt Nam ngoài việc đương đầu với tình trạng cử nhân thất nghiệp thì còn phải chứng kiến cuộc cạnh tranh lôi kéo sinh viên giữa các trường đại học. Chính cái phong trào địa phương nào cũng phải có trường đại học khiến cho giá trị giảng đường dần giảm sút.

Bên cạnh hai đô thị lớn Hà Nội và TP.HCM, thì những đô thị nhỏ cũng sốt ruột vì cơn cao hứng đại học. Ở Đông Nam bộ, tỉnh Bình Dương có 5 trường đại học. Còn ở Tây Nam bộ, tỉnh Vĩnh Long có 3 trường đại học.

Trung bình mỗi trường đại học tạm thời chưa có uy tín trên bản đồ giáo dục, cũng được chỉ tiêu tuyển sinh từ 1.800 sinh viên đến 2.000 sinh viên. Thử tính nhẩm nhu cầu tuyển sinh trên cả nước, thì các cô cậu tú tài có muốn… trượt đạt học e chừng cũng khó!

Khi đại học bủa vây sinh viên thì điều gì xảy ra? Đầu tiên là câu chuyện… rộn ràng mở tiệc mừng con đến giảng đường ở khắp hang cùng ngõ hẻm. Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia, thì sĩ tử lại bối rối vì quá nhiều giấy mời nhập trường đại học.

Tất nhiên, đó không phải là những đại học thuộc top đầu, mà là lời chào đầy quyến rũ của những trường đại học địa phương. Miễn đừng trượt THPT quốc gia, còn lại thì dù thí sinh thi được bao nhiêu điểm cũng dễ dàng trở thành sinh viên. Rớt nguyện vọng nọ thì đậu nguyện vọng kia. Và không đậu nguyện vọng nào thì cũng có ngành học khác được vun vén để thí sinh yên tâm nộp học phí làm tân sinh viên.

Đại học vơ vét sinh viên, thì hệ thống cao đẳng và trung cấp nghề càng bế tắc. Bởi lẽ, tâm lý đám đông vẫn ưa chuộng cái vẻ bề ngoài lấp lánh của cánh cổng trường đại học hơn.

Trong nỗi lo bội thực cử nhân tương lai, có một điều phải đắn đo chính là chất lượng ngành sư phạm. Với mức học lực trung bình vẫn đặt chân đến giảng đường, thì các thầy cô giáo tương lai sẽ dạy dỗ thế hệ sau như thế nào? Không lẽ, bài học đầu tiên của thầy cô giáo tương lai được mở ra bằng tâm sự chua chát: “Ngày xưa tôi suýt rớt kỳ thi THPT quốc gia, may mà chỉ tiêu tuyển sinh đại học ngành sư phạm vẫn còn nhiều…”?