| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 05/09/2019 , 08:37 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 08:37 - 05/09/2019

Khi nào bớt tắc nghẽn giao thông dịp lễ?

Cứ mỗi dịp nghỉ lễ là áp lực giao thông lại tăng lên. Giới truyền thông phải ngao ngán phản ánh tình trạng đi lại vất vả trước kỳ nghỉ lễ và sau kỳ nghỉ lễ.

Vất vả trở lại thành phố sau kì nghỉ lễ.

Dù chưa có thống kê chính xác nhưng có thể nhận định nhu cầu di chuyển vào dịp nghỉ lễ, chủ yếu là dòng người du lịch và dòng người về quê. Dòng người du lịch có nhiều chọn lựa hơn về phương tiện, còn dòng người về quê đa số là lao động từ các tỉnh có thu nhập hạn chế thì chỉ sử dụng xe khách.

Bến xe Miền Đông đi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và miền Bắc là một điểm nóng giao thông của TP.HCM mỗi dịp lễ. Kẹt xe diễn ra xung quanh khu vực xuất bến, và ảnh hưởng trực tiếp đến những khu vực lân cận nối vào quốc lộ 1, quốc lộ 13.

Để giải quyết sự quá tải ấy, đã có kế hoạch di dời Bến xe Miền Đông đến vị trí thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đó là giải pháp ứng phó tạm thời, còn giải pháp căn cơ thì phải nhìn vào lực lượng lao động mỗi năm vẫn đổ dồn vào đô thị lớn nhất phương Nam.

Người lao động xa nhà luôn tranh thủ dịp lễ để về quê thăm viếng thân nhân, là một nhu cầu chính đáng và nhân văn. Tha hương là một cảm giác không dễ chịu. Không ai muốn rời xa gia đình, nếu không phải đối mặt với gánh nặng cơm áo. Vì nhu cầu việc làm, người lao động phải chấp nhận rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn êm ấm để kiếm kế sinh nhai tại các thành phố lạ lẫm và đắt đỏ.

Chính lao động nhập cư tạo nên áp lực giao thông mỗi dịp lễ. Vì vậy, để giải quyết áp lực giao thông mỗi dịp lễ, không thể không tính đến việc phân bố lại thị trường lao động.

Vài năm gần đây, những hãng xe khách kinh doanh tuyến Sài Gòn nối các tỉnh vẫn không ngừng tăng lên. Thế nhưng, một tín hiệu đáng mừng là tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng và Sài Gòn - Quảng Nam lại giảm. Lý do, sự phát triển của Đà Nẵng đã giúp những công dân thành phố đáng sống có được việc làm ngay ưng ý tại quê hương mà không phải bôn ba.

Tương tự, khu kinh tế mở Chu Lai mà riêng chuỗi nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô của tập đoàn Trường Hải đã thu hút hàng ngàn lao động của tỉnh Quảng Nam. Mỗi dịp lễ, số du khách di chuyển từ Sài Gòn đến Đà Nẵng và Quảng Nam đã cao hơn nhiều so với số lao động về quê.

Nếu những địa phương khác cũng tạo được thị trường lao động như Đà Nẵng và Quảng Nam, thì chắc chắn dòng người lao động sẽ không tạo ùn ứ giao thông mỗi dịp lễ ở Bến xe Miền Đông. Và câu chuyện ở Bến xe Miền Tây cũng giống như vậy, khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có được thị trường lao động hợp lý.

Thời gian qua, nhiều tỉnh hình thành khái niệm “lót ổ đón đại bàng” để mong có sự đột phá về kinh tế, giải quyết được lao động địa phương. Không thể nói khác hơn, khi chiến lược “ly nông không ly hương” được triển khai hiệu quả ở các tỉnh, sẽ góp phần bớt tắc nghẽn giao thông ở đô thị lớn mỗi dịp lễ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm