Cái câu “Con cái đâu cha mẹ đấy” tôi thường nghe, với ý nghĩa rằng tư rằm mùng một hay ngày giỗ ông bà bố mẹ tôi đều làm cỗ mà cúng thỉnh chư linh tổ tiên lên với con cháu thụ hưởng hương đăng rồi phù hộ cho con cháu khỏe mạnh học hành tấn tới tốt như người tươi như cỏ. Đó cũng là cái lý để tôi làm giỗ ông bà nội online, giỗ bố mẹ ở Hà Nội hai năm Covid vừa rồi.
Tôi nhiều con lắm cháu, con các em tôi lên Hà Nội làm công nhân cũng nhiều; giỗ cụ, giỗ ông bà phải sáu bẩy mâm vẫn chật. Hơn hẳn ở quê, giỗ cụ chỉ ba bốn mâm; giỗ ông bà cũng xêm xêm mức ấy. “Quê bây giờ đi vãn” là câu mỗi dịp về quê tôi đều nghe. Nhiều nhà để hoang, không còn ai ở, mái rạ mái ngói xập xệ, cỏ mọc như rừng.
Đàn ông con trai đi hết. Con gái con dâu cũng “đi” nhưng chỉ đi làm tại các khu công nghiệp quanh vùng, sáng đi tối về. Mươi năm trước về làm giỗ bố mẹ, chiều thịt lợn, con cháu đông vui tấp nập. Vài năm nay, phải nói khó các cháu mới xin công ty cho nghỉ sớm nhưng phải tối mịt mới gom được đủ con cháu vào mâm.
Hồi còn đi làm, Tết nào tôi cũng về sớm mổ lợn xay giò chả, giò xào, giò thủ phân phát các nhà; con cháu phấn khởi lắm. Chúng phấn khởi cho đến khi thằng cháu nào cũng thưa với bác cho cháu kiếu, vì cháu cũng phải mổ một con, còn phải mời biếu bên nhà vợ, rồi còn bầu bạn; khó vậy cơ chứ. Bèn bỏ lệ.
Làng tôi có nhiều nhà bỏ hoang nhưng ruộng thì vẫn xanh kín đồng. Nhà tôi có 6 sào tư ruộng giữa đồng cho đứa cháu con ông em cấy. Mỗi năm nó đều biếu tải gạo tám hương ăn Tết. Vài năm nay không thấy nữa. Dân làng bảo, cấy lúa giờ chả có lãi. Nếu đã không có lãi, lấy đâu nó biếu mãi? Tôi ngờ rằng, cho đến một lúc rồi phải nói khó với nó, nó mới “cấy cho”!
Vâng, làng Phụ Thành của tôi giờ không mấy nhà còn thiếu đói. Như ông em tôi cấy hơn mẫu ruộng, mỗi vụ thu hơn vài tấn thóc, bán đi ba, trừ thuốc sâu lân đạm, công cày cấy gặt đập cũng còn dăm ba triệu. Cộng thu mươi lăm triệu lợn gà ngan vịt với rau củ quả nữa, vợ chồng chú vậy là tàm tạm sống.
Con các ông em tôi đi làm trên Hà Nội, mỗi năm đứa tiết kiệm đem về hơn trăm triệu, đứa phải ki cóp nuôi lô đề cũng còn dăm bẩy chục. Chúng mua xe ga cho vợ đi làm công ty, lắp wifi, lắp điều hòa Hà Nội hóa nốt nửa gia đình của chúng, suốt tối vợ chồng bố con gọi zalo, messenger cho nhau như… thật.
***
Tôi không khỏi bùi ngùi thương cảm những nhà để hoang. Do con cháu đi Đăk Lăk, đi Hà Nội Lào Cai hết cả; bố mẹ già thì bố mẹ về với ông bà tổ tiên. Nhiều người làng xưa đã phai hết nét trong đầu óc đang già đi của tôi. Bù lại, làng tôi nhiều nhà thờ mái ngói đỏ rực với rồng chầu nghê múa thi nhau mọc lên. Thấy nói ở đâu đó họ tộc gò gẫm nhau, ép phải vay nợ ngân hàng để đóng góp việc họ; chứ ở làng tôi thì tuyệt nhiên không.
Xưa, từ thời cụ Nguyễn Công Trứ quai đê lập ấp đã quy hoạch mỗi nhà một mẫu (3600 m2 ) tư điền; ý giả là đẻ hai ba con trai nếu không tậu thêm được, thì mỗi nhà cũng có vài ba sào thổ cư. Nhưng lạ cho người Phụ Thành, cứ lấy vợ lấy chồng xong thì rủ nhau đi Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ rồi Kiên Giang, Đăk Lăk chứ nhất định không chung chạ - tránh trước khỏi lụy sau.
Bây giờ bàn việc họ cũng vậy. Ai có nhiều góp nhiều, có ít góp ít; ai không có tiền của thì góp công. Công cũng là tiền, không ai có quyền khinh trọng nhau ở chỗ này được. Như thế mà các nhà thờ họ Lại, họ Mai, họ Đỗ rồi Đinh Hữu, Đinh Văn… trang nghiêm mọc lên điểm tô cho diện mạo của làng. Khách xa về ngắm nhìn rồi ngẫm nghĩ các nhà thờ họ, ngắm cái đình làng thờ Thành hoàng xây dựng từ 1840, trùng tu năm 1926… họ sẽ nhận ra nét văn hiến, nhận ra cái nét văn hóa đậm đặc nghĩa tình của con dân làng tôi.
Tôi đoán rằng, trong số hàng chục ngôi nhà hoang kia, rồi sẽ lần lượt mọc lên các nhà thơ Chi họ. Để con cháu đang ở xa mỗi lần về quê có chỗ để thắp hương bố mẹ ông bà. Như ngoài Nghĩa trang là nơi những bậc tiên hiền làng tôi an nghỉ thân xác, còn ở các ngôi nhà thơ kia, là nơi an nghỉ tâm linh của họ. Nhà thờ trở thành một cái gạch nối, là cái ga âm dương để lớp lớp các thế hệ người làng tôi gặp nhau, thưa trình nhau những thay đổi, những khác trước trên hành trình văn minh của mình.
Mỗi giao thừa chúng tôi đều ra đình thắp hương kính thỉnh Thành hoàng, Tiên công. Rồi sau Giao thừa, từ đình về chúng tôi rước “hỏa đình làng” trên những nén hương thơm cắm tiếp vào bát hương thờ chư linh tiên tổ. Cũng như vậy với sau mỗi lần về quê giỗ tổ tại từ đường, chúng tôi mang đi sự an tâm phấn khởi, như thể được tiếp thêm lửa từ cái ga âm dương ấy trên hành trình làm người ở xa quê. Ấy là khí vị nhà quê vậy!
***
Nhà quê còn một khí vị nữa, tươi mới trong lành có thể đong đếm được.
Ấy là những bì tải rau củ quả rồi hộp xốp đựng cáy, gà, vịt, tôm cá tươi đóng đá; cá kho ủ trấu chất đầy bán tải xe. Quê tôi có bãi bồi do con sông Trà Lý rẽ từ sông Hồng san phù sa cho, gặp thủy triều ngoài biển vun lại mà thành. Cũng cách ấy sông vun thành làng Hải Nhuận, Quý Đức rồi Phụ Thành làng tôi, sau đến làng Đông Hải, Đông Long…
Đó là nơi nuôi ngao, dắt, cáy còng, cá lác, cá đối, cá nhồng, cá vược; nó là cái “chạn” chứa đựng nguồn thực phẩm tươi sống của đời đời chúng tôi. Nó làm hẳn ra một nếp sống cơm cày cá kiếm, không mấy khi bị đói kiệt cùng nên lòng người xởi lởi san sẻ cho nhau. Cá lác kho lá gừng, cá khoai, cá viềng, cá đối nấu mẻ với chuối xanh hay hoa chuối; cáy cua nấu canh rau mùng tơi rau đay… làm nên đặc sản quê nhà.
Các anh cứ việc đi làm ăn xa, có sức có tài thì mặc sức đi mà đua ganh với thiên hạ thị trường. Nhưng hễ khi nào mỏi mệt hay sực nhớ cha nhớ mẹ, nhớ quê thì hãy quay về. Về mà nhận lấy miếng ăn ngon ngọt mát lành, về mà nhận lấy tình người làng Phụ Thành ăn ở với nhau.
Chỉ có vậy thôi, nhưng đó là nguồn năng lượng sạch đủ cho cả năm, cả đời hít khói bụi đường đời. Tôi có anh bạn, nhà thơ Lương Tử Đức có câu thơ nghe như nói hộ lòng tôi vậy:
"Gió đồng rửa mặt tha hương
Ta về quê chữa vết thương thị thành".
Thái Bình quê tôi từ ngày có vụ Đường Nhuệ nghe buồn hẳn. Lại cũng vì một đại gia nào đó vướng vòng lao lý mà dự án Đường cao tốc Ven biển nối Hải Phòng với Thanh Hóa không mấy nhúc nhích. Cầu nối Thái Thụy sang Tiền Hải xong rồi nhưng đường chưa có nên xe chưa thông. Nghe nói Dự án Khu công nghiệp Đông Tiền Hải đã quy hoạch, cứ hình dung rồi làng tôi sẽ ra khỏi cái vòng thuần nông muôn thủa mà vươn mình cùng thiên hạ.
Nhưng mà lo. Lãnh đạo xã bây giờ đều ở hàng anh em con cháu, phi nội tắc ngoại nên tôi đã cậy mình già mà dặn rằng: Công nghiệp hóa lành nhất là công nghiệp hóa nền nông nghiệp. Các anh mà để đất làng mình thành nhà máy sợi, nhà máy giấy rồi nước thải của nó tiêu diệt cánh bãi ngoài kia, khí lành trong ngoài làng mình rồi thối inh lên là không xong với dân làng đâu.
Nghe người già nói, các anh gật gù bảo phải. Chỉ sợ ở một chỗ khác, các anh buộc phải nghe những nhời nói khác. Thôi thì cũng đành thành tâm mà thưa chuyện. Như dịp giao thừa năm nay, chúng tôi cũng chỉ còn biết lên hương mà thỉnh trình với các bậc Thành hoàng, Tiên công; các bậc chư linh mấy trăm năm của làng để phù hộ độ trì cho khí vị làng tôi bền vững.