| Hotline: 0983.970.780

Khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai: Không lệ thuộc vào hệ thống dự báo thiên tai nước ngoài

Thứ Hai 19/08/2019 , 08:38 (GMT+7)

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, đến thời điểm này chúng ta vẫn chưa có một hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiệu quả nào.

Thiếu công nghệ cảnh báo thiên tai hiện đại

Hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai diễn ra tại Hà Nội vừa qua, đã thu hút sự chú ý của rất đông các chuyên gia, nhà khoa học. Bởi, những năm gần đây, cùng với biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai diễn biến rất phức tạp, khó lường và trái với quy luật và gây ảnh hưởng vô cùng lớn.

10-13-52_phong-chong-thien-ti-01
Khoa học công nghệ có vai trò đặc biệt quan trọng trong cảnh báo, dự báo thiên tai.

Theo ông Đặng Quốc Minh, Quyền Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai), thống kê năm 2018 thiệt hại về kinh tế do thiên tai gây ra ước khoảng 20.000 tỷ đồng (mức thiệt hại này chỉ bằng 1/3 so với năm 2017).

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đối với công tác phòng, chống thiên tai, khoa học công nghệ không đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Với những quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… tuy công nghệ đã phát triển mạnh mẽ, hỗ trợ dự báo và cảnh báo chính xác trước cả tuần, cộng thêm cơ sở hạ tầng hiện đại, nhưng vẫn có rất nhiều thiệt hại không thể lường hết.

Ví dụ như trận lũ lụt tại Nhật Bản năm 2018 gây thiệt hại 225 người chết, thiệt hại kinh tế khoảng 9.86 tỷ USD. Bão Lekima tại Trung Quốc tính đến ngày 15/8 vừa qua gây chết cho 56 người và tổng thiệt hại ước tính 2,55 tỷ USD.

“Vậy, với Việt Nam chúng ta thì sao?” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặt câu hỏi và cho rằng: Với tiềm lực khoa học công nghệ chưa cao, nền tảng hạ tầng còn hạn chế, nhưng chúng ta đã đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân và giảm thiểu thiệt hại nhiều nhất cho nền kinh tế.

Trong nhiều năm qua, Chính phủ vẫn luôn nỗ lực đảm bảo cung cấp khoảng 1.5% cho khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách nhà nước. Nhưng đến thời điểm này, chúng ta chưa có một hệ thống cảnh báo đa thiên tai hiện đại nào. Thậm chí, đơn thiên tai như hệ thống cảnh báo lũ quét sạt lở đất, chúng ta cũng chưa thực sự có một hệ thống nào với công nghệ hiện đại nào được đưa vào sử dụng.

Theo Bộ trưởng, ở các nước châu Âu, hệ thống đê di động, lắp ghép đã có từ hơn 50 năm trước, còn với chúng ta, việc hàn khẩu đê sông Hồng tại các cửa khẩu của Hà Nội, hay nâng cao trình đỉnh đê sông Bùi năm 2018 được thực hiện hết sức thủ công là sử dụng các bao tải cát…

Hiện nay, chúng ta mới đang trong giai đoạn thử nghiệm các giải pháp giảm sóng, gây bồi, tạo bãi, bảo vệ bờ… Nhưng cách đây gần 30 năm (từ 1992), công nghệ đê ngầm phá sóng đã được áp dụng ngoài khơi thị trấn Palm Beach Florida, Mỹ với tổng chiều dài 1.26km, hay tại Ai Cập, với khoảng 3.000m đê ngầm đã bảo vệ thành công phía đông của bờ biển Alexandria.
 

Không lệ thuộc!

Tại hội thảo, Tổng cục Phòng chống thiên tai cùng các đơn vị chuyên môn, cố vấn, chuyên gia đã có báo cáo về các giải pháp công nghệ liên quan đến việc ứng phó với thiên tai ở một số khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão lũ như: Vùng núi Bắc Bộ, miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, các giải pháp chủ yếu tập trung vào hệ thống cảnh báo sớm, lũ quét, lũ bùn, chống xói lở và ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý đê điều.

TS. Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam cho biết: Hiện nay, Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng kết quả dự báo bão từ các mô hình toàn cầu của thế giới như Mỹ, châu Âu. Bởi vậy, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai cần đặt vấn đề với Bộ Tài nguyên - Môi trường nâng cao chất lượng của các mô hình dự báo bão để khai thác triệt để các nguồn số liệu quan trắc của Việt Nam cũng như nguồn số liệu có sẵn. Ngoài ra, để có thông tin dự báo phục vụ công tác chủ động ứng phó với bão thì thời hạn dự báo cũng cần phải dài hơn.

Cũng theo TS. Tô Văn Trường, sau mỗi trận bão phải có đánh giá thực chất về chất lượng dự báo trước và sau khi cập nhật các số liệu cơ bản của Việt Nam, tức là đánh giá dự báo của ta so với thế giới tốt hơn ở những điểm nào (vị trí đổ bộ, cường độ bão, kích thước bão, lượng mưa, hạn dự báo…).

Mặc dù nguồn lực đầu tư có hạn, nhưng trong những năm qua, hệ thống cơ sở dữ liệu thiên tai của Việt Nam ngày càng được quan tâm.

Đến nay, cả nước đã có gần 1.600 trạm khí tượng (đo mưa, mực nước) và hơn 500 trạm thủy văn. Không chỉ hình thành mạng lưới dữ liệu về theo dõi diễn biến của bão, chúng ta cũng đã thiết lập được hệ thống theo dõi các tàu thuyền trên biển; cơ sở dữ liệu của 239 hồ lớn, thủy điện nhỏ, gần 3.000km đê cấp 3 trở lên; cơ sở dữ liệu về sạt lở, bản đồ ngập lụt, nước biển dâng, giám sát thiên tai qua ảnh vệ tinh…

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.