Chiều 25/11, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng một số lãnh đạo, đại diện các đơn vị của Bộ NN-PTNT đã có buổi làm việc với Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
Ngang tầm khu vực và thế giới
Báo cáo với Thứ trưởng, GS.TS. Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã trình bày khái quát về tổ chức, quá trình hình thành phát triển, các thành tựu của Viện đã đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế mà đơn vị đang phải đối mặt.
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Viện, ngay từ những chia sẻ đầu tiên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã cho rằng, Viện Khoa học Thủy lợi ra đời năm 1959 thể hiện rõ tầm nhìn rất xa của các lãnh đạo Việt Nam thời điểm đó.
Thứ trưởng khẳng định nếu không có sự đóng góp của ngành thủy lợi thì sản xuất nông nghiệp không thể đạt được những thành tựu như hiện tại nhất là với quốc gia có nhiều thiên tai, nguồn nước đa phần phụ thuộc từ ngoài biên giới như Việt Nam: “Ngành thủy lợi đồng hành cùng đất nước, làm tiền đề, nền tảng cho nông nghiệp phát triển”.
Điểm ra một số công trình thủy lợi trọng điểm như Cái Lớn – Cái Bé, Phú Khánh, Thảo Long, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Rất tự hào về đội ngũ, lực lượng làm thủy lợi đã ngang tầm với khu vực và thế giới và những công trình nghiên cứu của giới khoa học đã được đi vào thực tế sản xuất”.
Chia sẻ các khó khăn đang còn tồn tại hiện nay với Viện, lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, với nguồn lực dồi dào, đội ngũ nhà khoa học được đào tạo bài bản, chuyên sâu và chất lượng cao, đơn vị có thể nghiên cứu thực hiện nhiều đề tài theo nhiều cấp, từ thấp đến cao và tranh thủ nguồn lực từ nhiều bộ ngành, địa phương thay vì chỉ từ Bộ NN-PTNT để đa dạng hóa nguồn thu.
Qua đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định sẽ đồng hành cùng Viện Khoa học Thủy lợi trong các hoạt động khoa học, thu hút nguồn lực của Viện trong thời gian tới.
Giàu thành tích
Với hơn 1.000 cán bộ, công nhân viên hoạt động tại trụ sở chính ở Hà Nội và 13 đơn vị thành viên, kể từ khi thành lập đến nay, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã có bề dày thành tích đáng kể.
Các thành tích có thể kể đến như 1 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 1 Giải thưởng Châu Á - Thái Bình Dương, 1 Giải thưởng Quốc gia cho sản phẩm khoa học công nghệ, 2 Huy trương đồng tại triển lãm sáng tạo KH Mátxcơva, 6 Giải thưởng sáng tạo KHCN Việt Nam VIFOTECH, 14 Giải thưởng Bông lúa vàng và hàng chục bằng sáng chế, giải pháp, tiến bộ kỹ thuật…
Hiện nay, Viện đang hoạt động tập trung vào 8 nhóm vấn đề chính bao gồm: Thủy động lực học sông, biển; Công nghệ xây dựng và bảo vệ công trình thuỷ lợi, thuỷ điện; Thiết bị cơ điện chuyên dùng thủy lợi; Tài nguyên nước; Thủy nông cải tạo đất, môi trường và sinh thái công trình; Công nghệ tự động hóa và phần mềm; Kinh tế, chính sách; Đào tạo và hợp tác Quốc tế.
Tuy nhiên, GS.TS. Trần Đình Hòa, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng thừa nhận, Viện đang phải đối mặt với nguy cơ tụt hậu về khoa học công nghệ do sự cạnh tranh ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm vừa là thuận lợi nhưng cũng là thách thức đối với Viện trong bối cảnh canh tranh cao, nguy cơ chảy máu chất xám ngày càng tăng.
Trước tình hình đó, GS.TS. Trần Đình Hòa thay mặt Viện kiến nghị với Thứ trưởng Phùng Đức Tiến một số vấn đề mà Bộ NN-PTNT và các đơn vị quản lý của Bộ có thể hỗ trợ. Ví dụ như tạo điều kiện bổ sung biên chế tự trả lương, ủng hộ việc khai thác, sử dụng hiệu quả Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bố trí thêm nguồn lực để đào tạo đội ngũ nhà khoa học…
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam cũng đề xuất một số vấn đề liên quan đến đặt hàng nhiệm vụ, cơ chế đãi ngộ hay hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu.