Kết quả nghiên cứu ngày càng thiết thực
2016 là năm bắt đầu các chương trình KH- CN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 nên có ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động nghiên cứu KH- CN của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Vũ Việt – Giám đốc Viện KHTL Việt Nam phát biểu tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ tại Viện.
Đặc biệt, đây cũng là năm hạn hán lịch sử trong hơn 90 năm qua, vấn đề xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long rất phức tạp. Viện KHTL Việt Nam đã chỉ đạo Viện KHTL miền Nam dự báo hạn xâm nhập mặn phục vụ lấy nước sản xuất và sinh hoạt ở Đồng bằng sông Cửu Long, được Chính phủ và Bộ NN-PTNT đánh giá cao và tặng bằng khen.
Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016 của Bộ NN- PTNT, lãnh đạo Viện đã tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm để tạo chuyển biến mang tính đột phá như lập báo cáo khả thi (FS) của dự án WB9, ADB8, xây dựng nhiệm vụ phi công trình trong dự án ADB5 và WB7, triển khai WB 8; giám sát, dự báo chất lượng nước trong các hệ thống công trình thủy lợi liên tỉnh, xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa, bản đồ ngập lụt do nước dâng do siêu bão và bão mạnh, dự báo nguồn nước cho một số lưu vực,... phục vụ công tác điều hành của ngành.
Đến nay Viện đã hoàn thành nghiệm thu nhiều đề tài dự án các cấp và các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng. Các đề tài dự án nghiệm thu đều đạt loại khá trở lên.
Viện là đơn vị đi đầu trong tiếp cận, ứng dụng các công nghệ tiên tiến hiện đại bậc nhất thế giới liên quan đến các lĩnh vực KH- CN của Viện. Nhiều đơn vị có bước đột phá trong nghiên cứu khoa học về số lượng đề tài và kinh phí như Viện Thủy công (kinh phí nghiên cứu KH- CN chiếm 30% tổng doanh thu của đơn vị), Viện KHTL miền Trung và Tây Nguyên thực hiện 2 đề tài cấp quốc gia, Viện Kỹ thuật Biển có 5 đề tài cấp tỉnh...
Với vị thế của mình, Viện được Bộ giao tư vấn các dự án lớn có áp dụng, chuyển giao các kết quả, sản phẩm KH- CN của Viện như WB7, WB8, WB9, ADB8, kết thúc dự án xây dựng, bản đồ ngập lụt do nước dâng siêu bão và bão mạnh,...
Một công trình thí nghiệm ứng dụng kỹ thuật của Viện KHTL Việt Nam
Trong đó nhiều công nghệ có thế mạnh của Viện được áp dụng như: công nghệ sửa chữa cống dưới đập, công nghệ Jetgrouting xử lý nền đất yếu, chống thấm cho đập đất, công nghệ bơm thủy luân, công nghệ kênh bê tông vỏ mỏng,…
Nhiều tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao
Nhiều sản phẩm, kết quả nghiên cứu của Viện tiếp tục được chuyển giao vào thực tiễn thông qua các hợp đồng tư vấn, xây dựng, lắp đặt thiết bị ở nhiều dự án như: Công nghệ đập xà lan, trụ đỡ áp dụng cho các cống lớn chống ngập ở TP.HCM, dự án Nam Măng Thít, các cống ngăn mặn, giữ ngọt ở ĐBSCL; xây dựng mô hình thủy lực thủy văn trên sông, mô hình thoát nước TP Phan Rang - Tháp Tràm và xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo sớm lưu vực sông Dinh tỉnh Bình Thuận; công nghệ, thiết bị quan trắc, kiểm soát nguồn nước, mực nước, chất lượng nước và phần mềm phục vụ tự động hóa vận hành công trình thủy lợi đã được ứng dụng ở hàng chục công trình.
Với vị thế của mình, Viện KHTL Việt Nam được Bộ NN- PTNT giao tư vấn các dự án lớn có áp dụng, chuyển giao các kết quả, sản phẩm KH- CN của Viện như WB7, WB8, WB9, ADB8. Viện đang triển khai dự án xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du hồ chứa...
Viện cũng không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các quốc gia phát triển trên thế giới để đi trước, đón đầu các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến. Uy tín và thương hiệu của đội ngũ cán bộ khoa học chuyên môn sâu, có tinh thần sáng tạo, vượt khó, cơ sở vật chất và thiết bị được đảm bảo.
Năm 2017, Viện KHTL Việt Nam lấy làm năm “Chất lượng nghiên cứu KH-CN". Bởi vậy, Viện sẽ đẩy mạnh công tác chuyển giao KH-CN, dịch vụ tư vấn xây dựng, hợp tác quốc tế và thông tin tuyên truyền. Đặc biệt, là dự báo tác động thách thức từ khai thác ở thượng nguồn, biến đổi khí hậu phục vụ quy hoạch chỉnh trị khai thác tài nguyên nước tổng hợp theo các lưu vực sông lớn như sông Hồng, sông Thái Bình, sông Cửu Long và các lưu vực sông khác theo hướng quy hoạch thủy lợi gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý khai thác công trình thủy lợi... |
Năm 2016, Viện đã đang ký 6 hồ sơ đăng ký sở hữu trí tuệ, 10 giải pháp hữu ích và được Cục Sở hữu trí tuệ chấp thuận hồ sơ, đang chờ thẩm định. 4 tiến bộ kỹ thuật/sáng kiến cải tiến kỹ thuật của Viện được Bộ NN- PTNT công nhận. Viện cũng đã đạt giải Nhì VIFOTEC cho bơm hướng trục buồng xoắn HT 3600-5, giải ba VIFOTEC cho van đĩa đường kính đến 1.500 mm, áp suất đến 12 at của Viện Bơm và Thiết bị thủy lợi. Đồng thời năm qua, Viện chủ trì thực hiện 155 nhiệm vụ KH-CN các cấp với tổng kinh phí trên 125 tỷ (tăng 16% so với năm 2015). |