Khoai tầng là cây ưa ánh sáng tán xạ, có thời gian sinh trưởng kéo dài từ 8-10 tháng, ưa trồng trên đất dốc 5-15 độ, chống chịu hạn rất tốt, năng suất củ trung bình có thể đạt 20-25 tấn/ha. Là cây trồng rất mẫn cảm với phân bón hoá học và vùng tiểu khí hậu, cho chất lượng cao khi trồng ở nơi có nhiệt độ ngày đêm chênh nhau 5-7 độ.
Khoai tầng vàng vốn là một loại trong tập đoàn khoai tầng rất nổi tiếng ở huyện Tân Sơn, Phú Thọ. Củ đạt trọng lượng 1,5-3 kg, phân tầng, hình thập tự, thân chính ở giữa, nhiều nhánh ngọn ở trên, màu sắc lõi củ vàng nên có tên là khoai tầng vàng.
Giống khoai này được người dân tộc Dao, Mường vùng cao giữ gìn từ bao đời nay. Tuy nhiên do chưa được chính quyền quan tâm đúng mức, chưa chọn lọc được giống tốt, chủ động nên giống khoai truyền thống này mấy năm về trước bị thoái hoá nghiêm trọng, năng suất thấp. Hơn thế những vùng có khoai tầng vàng đều là địa bàn đi lại đường sá xa, vùng cao, vùng sâu khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm bị hạn chế.
Đồng bào chủ yếu là tự sản tự tiêu, chưa có thói quen sản xuất hàng hoá, người dân cũng không mặn mà với việc trồng khoai để làm kinh tế. Trước nguy cơ mai một đi giống khoai quý, Sở KHCN Phú Thọ và huyện Thanh Sơn (cũ) đã giao cho Trạm khuyến nông huyện thực hiện dự án “Nghiên cứu, phục tráng, bảo tồn, phát triển thành hàng hoá tập đoàn giống khoai tầng trên địa bàn huyện Thanh Sơn”.
Các bước tiến hành được thực hiện tuần tự như khảo sát chọn địa bàn, chọn hộ, chọn đất; thực hiện ký kết hợp đồng mua củ giống đảm bảo đủ tiêu chuẩn; tập huấn kỹ thuật phục tráng, nhân giống; cấp hỗ trợ tiền giống củ, phân, thuốc BVTV, chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở hướng dẫn dân làm đồng thời đôn đốc, kiểm tra… Ban đầu, địa điểm thực hiện dự án tại các xã Xuân Sơn, Đông Cửu, Thượng Cửu, Vinh Tiền, Yên Lương, Tân Lập với tổng diện tích 6 ha và trên 100 hộ tham gia. Thực tế khi triển khai cho thấy, đồng bào vừa làm vừa thăm dò nhưng cũng dần dần quen với những kỹ thuật mới.
Tại Xuân Sơn, năng suất của khoai tầng thâm canh tăng hơn so với cách trồng truyền thống rất nhiều, kích thích nhiều hộ xung quanh trồng mở rộng diện tích. Một số hộ ở đây còn trồng xen cây gừng cho kết quả rất tốt như hộ anh Chức - Tổ khuyến nông xã. Tại Tân Lập hầu hết các hộ thực hiện mô hình đều trồng xen gừng, đậu tương, diện tích cả vùng mô hình và vùng ngoài đã được xấp xỉ 10 ha. Tại Yên Lương nhờ triển khai dự án mà diện tích cây khoai tầng tăng lên 5-6 lần so với trước kia, hiện đã đạt 7-8 ha… Có thể nói từ dự án này mà cây khoai tầng đã thực sự đi vào dân nhất là được trồng nhiều trên đồi.
Là cây bản địa nên khoai tầng thích nghi rất tốt với đất vùng Tân Sơn. Đầu tư ban đầu ít, rất thích hợp trên đất dốc lại có tiềm năng năng suất cao, từ 800-1.200kg/sào. Với giá bán rẻ nhất là 4.000-5.000đ/kg sẽ cho thu lãi cỡ 2 triệu đồng/sào. Đó là chưa kể đến hiệu quả của các cây trồng xen như gừng, đậu tương có thể đem lại khoảng 300-600 ngàn đồng/sào nữa. Về mặt môi trường, việc trồng khoai tầng còn bảo vệ đất rừng, chống xói mòn, góp phần đa dạng sinh thái.
Theo kỹ sư nông học Vũ Văn Hoan - Trạm trưởng Trạm khuyến nông Tân Sơn - Chủ nhiệm đề tài của dự án cho biết, hiện giá khoai tầng vàng đang bán ở Phố Vàng (Thanh Sơn) từ 10.000-12.000đ/kg, có bao nhiêu tiêu thụ hết bấy nhiêu. Khi tôi lên, anh Hoan nhờ một nhân viên đi mua giống khoai quý về khoản đãi nhưng mất cả buổi mà chỉ có xe và người về không, chẳng được củ nào khiến cho anh áy náy ra mặt. “Loại khoai này nếu không vào bản đặt trước, nhờ người ta lên tận đồi mà đào thì chẳng mấy khi có mà ăn đâu”.