Không lo bệnh lở mồm long móng
Bà Đinh Thị Phương Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Na Hối cho biết, từ đầu năm đến nay, xã đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, nhất là thời điểm này chuẩn bị vào mùa rét.
Đàn gia súc, gia cầm của bà con trên địa bàn xã phát triển bình thường không xảy ra dịch bệnh lớn, nghiêm trọng.
UBND xã cũng đã khuyến cáo nhân dân trên địa bàn xã cần chú ý tiêm phòng vacxin định kỳ và bổ sung cho tất cả các loại vật nuôi, đồng thời dọn vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc, sửa chữa chuồng trại, dự trữ thức ăn.
Na Hối cũng là xã có số lượng ngựa nuôi nhiều nhất huyện Bắc Hà với 480 con ngựa các loại. Ngựa không chỉ giúp các hộ dân phát triển kinh tế gia đình mà nhờ đó, còn giúp xã đi đầu trong các hoạt động văn hóa, thể thao trên địa bàn huyện nhất là giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà.
Bà Phương Thủy cho biết, trong xã trước đây bà con vẫn nuôi các đàn ngựa sinh sản theo chương trình hỗ trợ 30A cũng như 135.
Từ con ngựa đó bà con phát triển thành đàn ngựa sinh sản, ngựa chuyên thồ ngô, lúa ở đồi núi cao về. Hiện nay, đường bê tông hóa tới ngõ xóm và có máy cày, bừa dùng động cơ xăng, dầu nên nhân dân bán một số con ngựa, tập trung nuôi ngựa đua và ngựa bạch và một số ngựa cái nhưng rất ít.
Ông Lù A Dào ở thôn Xín Chải do nguồn vốn tích cóp của gia đình không đủ, nên vay vốn thêm từ ngân hàng để nhân rộng đàn ngựa. Hiện gia đình ông có khoảng 7 con ngựa.
Hàng ngày, ngoài thả đàn ngựa ra ngoài gia đình ông cũng trồng cỏ voi cho ngựa ăn từ tối đến sáng và nấu cám để ngựa tăng sức đề kháng vào mùa đông.
"Khi được giá hoặc gia đình có giỗ, có công có việc, cần mua sắm gì tôi mới bán ngựa. Thịt để nấu thắng cố còn xương để nấu cao. Coi như khoản tiền tiết kiệm trong nhà", ông Dào nói.
Về đầu tư nuôi ngựa, bà Phương Thủy cho rằng, nuôi ngựa bà con không phải đầu tư nhiều chỉ đầu tư ban đầu là con giống, đặc biệt ngựa không bị bệnh lở mồm long móng... như trâu, bò, lợn.
"Xã có truyền thống đua ngựa nên bà con rất chịu khó chăm sóc đàn ngựa sao cho béo, khỏe để tham dự đua cũng như để bán làm thực phẩm. Xã dù không có nguồn nào nhưng luôn tạo điều kiện, bình xét để các hộ được vay vốn mua ngựa. Còn đến mùa đua ngựa, xã cũng tìm nguồn xã hội hóa, vận động nhà hàng, nhà nghỉ, homestay ủng hộ cho các nài ngựa…", bà Phương Thủy nói.
Vốn vay ưu đãi phát triển đàn ngựa
Ông Lùng Văn Hoan, ở thôn Xín Chải, xã Na Hối (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết: "Trước đây, nhà tôi vay vốn của Hội Nông dân xã 50 triệu đồng để mua 2 con ngựa. Một con tôi mới bán cách đây 2 tháng để lấy tiền chữa bệnh. Con ngựa đó tôi bán được 24 triệu đồng, còn con ngựa còn lại dự kiến bán được hơn 30 triệu đồng. Tuy nhiên, con ngựa này đang mang thai nên tôi để lấy ngựa giống, để ngựa đẻ xong mới tính được, khoảng tháng 6 năm sau. Như thế cũng có lời hẳn một ngựa con rồi”.
Cũng theo ông Lùng Văn Hoan, gia đình ông trồng thêm cỏ voi để cho ngựa ăn ngoài ra khi nuôi ngựa còn có phân chuồng để bón cho ngô, tiết kiệm được kha khá chi phí để mua phân bón.
Không chỉ vậy, nhiều hộ dân trong xã Na Hối mạnh dạn chuyển hẳn sang nuôi ngựa bạch để có thu nhập cao hơn.
Tương tự, ông Vàng Văn Xới ở thôn Na Áng A có 5 con ngựa. Trước đây, gia đình ông nuôi trâu hàng hóa, tuy nhiên từ khi dịch Covid-19, thương lái Trung Quốc không nhập trâu nữa. Vì vậy, ông Xới chuyển sang nuôi ngựa bạch được hơn 1 năm nay và cho hiệu quả hơn hẳn nuôi trâu, mặt khác lại thuận hơn trong khâu chăm sóc.
“Con ngựa này được khoảng 4 năm tuổi rồi, nuôi được giá thì bán. Khi tôi mua nó khoảng 45 triệu đồng, giờ có thể bán được khoảng 70 triệu đồng, mà chỉ nuôi có gần 2 năm. Con ngựa này chỉ ăn cỏ, hằng ngày cho ăn thêm ngô và uống nước. Tất cả các thành viên trong gia đình đều có thể chăm sóc ngựa mà không gặp khó khăn gì”, ông Sênh nói.
Cũng theo ông Sênh, trước đây, lúc nào trong chuồng cũng có 2-3 con ngựa, chăn thả tự do tuy nhiên giờ phải đi lấy cỏ rừng và trồng thêm cỏ voi trồng để chăm sóc ngựa cho đảm bảo. Con ngựa cũng rất ít khi ốm và một số bệnh có thể sử dụng thuốc dân gian để chữa như bệnh ho, bệnh đau bụng, sưng lợi… Các cây thuốc này có sẵn trong vườn nhà khi nặng quá mới phải gọi bác sĩ thú y.
"Khi được giá, gọi người đến mua, để lâu cũng có người đến hỏi. Con ngựa ở Bắc Hà nhất là ngựa bạch rất được giá. Cùng với nuôi ngựa, gia đình tôi chăn nuôi thêm con gà, con lợn, làm nương để có thêm thu nhập”, ông Sếnh nói.
Ở Bắc Hà, con ngựa đã trở thành vật nuôi mang lại thu nhập chính cho nhiều hộ gia đình, vì vậy có nhiều hộ đã đầu tư máy băm cỏ thay vì băm cỏ thủ công như trước để giảm công chăm sóc…
Nhân rộng mô hình nuôi ngựa sinh sản
Ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Hối cho biết, huyện Bắc Hà hàng năm tổ chức giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà, có nhiều du khách đến và theo dõi giải đua ngựa này.
Na Hối cũng là một xã truyền thống đóng góp nhiều nài ngựa cho huyện và đạt những giải cao và cả các giải đua ngựa ở Sa Pa.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, ngày càng được nhà nước đầu tư đường bê tông nông thôn, bê tông hóa đến đường làng, ngõ xóm nên vấn đề thồ kéo bằng sức ngựa vận chuyển lương thực từ nương đồi không còn như trước nên số lượng ngựa sụt giảm.
Trong thời gian qua, thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai, xã Na Hối cũng là xã trọng điểm phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Trên cơ sở đó, Na Hối cũng là xã phát triển về du lịch, có những hộ gia đình làm xe song mã kéo khách vào ngày thứ 7 và chủ nhật, phục vụ khách du lịch và tham gia giải đua ngựa.
“Nhận được sự hỗ trợ của Huyện ủy, UBND, Hội Nông dân huyện Bắc Hà, Hội Nông dân xã tham mưu Đảng ủy, UBND xã đề xuất với huyện cho tiếp cận nguồn vốn quỹ hỗ trợ nông dân của huyện Bắc Hà với nguồn vốn 500 triệu đồng.
Chúng tôi đã giải ngân cho 10 hộ mỗi hộ vay vốn mỗi hộ 50 triệu đồng để phát triển đàn ngựa. Phát triển mô hình nuôi ngựa sinh sản. Trong đó, 10 hộ dân này đã mua 23 con ngựa cả mẹ và con trong đó có ngựa bạch và ngựa đen. Cho đến thời điểm hiện tại, qua đánh giá sơ bộ của Hội Nông dân xã cũng như của huyện, cơ bản đàn ngựa phát triển sinh trưởng tốt đem lại thu nhập hiệu quả và ổn định cho bà con”, ông Nguyễn Văn Linh nói.
Trong đó, hộ ông Nông Văn Toàn, từ thời điểm vay vốn đến nay đã lãi khoảng 18 triệu đồng; số hộ dân khác như chị Thèn Thị Ninh có thời điểm ngựa cao giá bán được một con ngựa bạch lãi 20 triệu đồng.
“Trên tinh thần đó, chúng tôi tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã thành lập mô hình ngựa sinh sản. Thời gian tới, vận động bà con nhân dân tích cực chăm sóc, phát triển đàn ngựa vừa để phát triển kinh tế hộ gia đình vừa để phát triển du lịch cũng là để thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy Lào Cai.
Chúng tôi mong muốn thời gian tới có nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, huyện giải ngân về xã Na Hối cho nhân dân được tiếp cận và trên tinh thần đó phát triển kinh tế hộ gia đình”, ông Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Na Hối nhấn mạnh.