| Hotline: 0983.970.780

Nuôi ngựa thương phẩm gắn với hoạt động du lịch

Thứ Sáu 07/07/2023 , 05:46 (GMT+7)

LÀO CAI Nếu như trước đây, ngựa chủ yếu được bà con vùng núi nuôi để phục vụ chuyên chở hàng hóa thì hiện nay đã được nuôi thương phẩm hàng hóa, cho giá trị cao.

Vốn có kinh nghiệm chăn nuôi vỗ béo trâu và nuôi bò, lại ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm, nắm bắt nhu cầu thị trường, gia đình ông Vàng Văn An, 53 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Na Lo, xã Tả Chải (Bắc Hà, Lào Cai) đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chuyển hướng đầu tư nuôi ngựa thương phẩm hàng hóa, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi mới đang được nông dân vùng cao Bắc Hà hưởng ứng gắn với bảo tồn và phát huy giải đua ngựa truyền thống mở rộng (đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam năm 2021), góp phần thu hút khách du lịch.

Trước đây, ngựa là vật nuôi chủ yếu để phục vụ vận chuyển. Nay được ông An tiên phong nuôi thương phẩm mang tính hàng hóa và đã bước đầu khẳng định hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Cường.

Trước đây, ngựa là vật nuôi chủ yếu để phục vụ vận chuyển. Nay được ông An tiên phong nuôi thương phẩm mang tính hàng hóa và đã bước đầu khẳng định hiệu quả cao. Ảnh: Xuân Cường.

Tiên phong nuôi ngựa hàng hóa

Ở làng du lịch cộng đồng thôn Na Lo, ông Vàng Văn An vừa là Trưởng thôn, vừa là Tổ trưởng Tổ hợp tác nuôi ngựa. Ông An là người đã tiên mạnh dạn, tiên phong nuôi và thành lập tổ hợp tác nuôi ngựa thương phẩm tại địa phương.

Đưa chúng tôi thăm khu chuồng trại chăn nuôi ngựa được xây dựng kiên cố với diện tích khoảng hơn 50m2, ông An cho biết trước đây, liên tục gần 20 năm, gia đình ông từng nuôi lợn, gà, chăn nuôi trâu vỗ béo, nuôi bò..., song hiện nay việc nuôi trâu gặp khó khăn do đầu ra chưa ổn định, giá cả lên xuống khó lường, chưa bền vững vì hoạt động buôn bán gia súc biên giới với phía Trung Quốc bị đóng cửa, việc tiêu thụ trâu lâu nay vốn phụ thuộc khá nhiều vào Trung Quốc thu mua nên bấp bênh, người dân luôn thấp thỏm, lo lắng, không yên tâm.

Từ thực tế và tìm hiểu qua đài báo, nhận thấy mô hình nuôi ngựa hàng hóa, thương phẩm, nhất là nuôi ngựa bạch phát triển ổn định, dễ nuôi, dễ chăm sóc, lại thu lời cao, đã thành công ở huyện Bảo Thắng, Bát Xát (Lào Cai), Lai Châu, Sơn La… nên gia đình ông An đã mạnh dạn chuyển sang nuôi ngựa.

Trước năm 2021, gia đình ông An đã vay vốn 2 lần, mỗi lần 50 triệu đồng để đầu tư nuôi ngựa quy mô nhỏ. Sau khi chăn nuôi ngựa có kết quả tốt và có lãi, trả được hết nợ, gia đình ông An được hỗ trợ vay 200 triệu đồng vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi ngựa theo hướng hàng hóa.

Hiện nay, ngựa Bắc Hà ngoài mục đích nuôi thương phẩm, còn có thể kết hợp khai thác hoạt động du lịch. Ảnh: Xuân Cường.

Hiện nay, ngựa Bắc Hà ngoài mục đích nuôi thương phẩm, còn có thể kết hợp khai thác hoạt động du lịch. Ảnh: Xuân Cường.

Với số vốn vay được, ông An đã đầu tư tu sửa, nâng cấp chuồng trại kiên cố, trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho ngựa. Đồng thời, ông lặn lội đường xa xuống các địa phương trong và ngoài huyện, sang huyện Bát Xát, xuống huyện Bảo Thắng lựa chọn mua những con ngựa giống tốt về nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng bệnh cho đàn ngựa, ông An cho biết bây giờ các bãi chăn thả diện tích cũng hạn hẹp nên gia đình ông chủ yếu nuôi nhốt chuồng. Đến mùa thu hoạch xong cây lúa ruộng và cây ngô gia đình mới nuôi bán chăn thả.

Vào mùa đông, ông tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp dự trữ đủ nguồn thức ăn cho đàn ngựa. Nhờ có kinh nghiệm chăn nuôi gia súc, am hiểu về thú y và có kinh nghiệm phòng bệnh cho ngựa, ông An vừa sử dụng thuốc thú y bán tại Trạm Thú y huyện, cửa hàng vật tư nông nghiệp, vừa lấy một số lá thuốc nam để chữa khi phát hiện ngựa đau bụng. Ngoài ra, trong quá trình cho ngựa ăn, máng ăn phải sạch sẽ. Trung bình một ngày, gia đình ông An cho ngựa ăn 3 - 4 bữa, không sử dụng thức ăn thừa cũ tránh để lâu sẽ bị chua, thiu dẫn đến ngựa hay bị đau bụng...

Nhờ cách nuôi bài bản, khoa học, từ khi chuyển sang nuôi ngựa, đàn ngựa của gia đình ông An luôn sinh trưởng phát triển tốt, ít bị dịch bệnh hơn so với các loại vật nuôi khác. Do đó, gia đình đã nhân thêm số lượng đàn ngựa. Hiện nay, đàn ngựa của gia đình đã phát triển lên 12 con, trong đó riêng 4 con ngựa bạch trị giá trên 250 triệu đồng.

Ông An cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nâng quy mô đàn ngựa. Ảnh: Xuân Cường.

Ông An cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nâng quy mô đàn ngựa. Ảnh: Xuân Cường.

Thời điểm ngựa được giá, ông An bán ngựa giống theo cặp, khi ngựa cái sinh sản, ông nuôi ngựa con khoảng 5 tháng tuổi thì bắt đầu xuất bán, và bán cả ngựa mẹ lẫn ngựa con, mỗi cặp có giá từ 65 - 70 triệu đồng (cặp ngựa đẹp).

Ngoài ra, gia đình ông An còn nấu cao ngựa bán, tạo thêm thu nhập ổn định. Trung bình một năm, ông thu lãi từ 100 - 200 triệu đồng từ đàn ngựa (tùy theo ngựa phát triển tốt, kém). Từ đầu năm 2023 đến nay, gia đình ông đã thu lãi khoảng 50 triệu đồng từ bán ngựa giống, cao ngựa. Ông An khẳng định nếu thuận buồm xuôi gió, giá ngựa ổn định, chịu khó nuôi ngựa, năm nay sẽ thu lãi trên 150 triệu đồng. Đây là nguồn thu nhập đáng ngưỡng mộ ở địa phương vùng cao còn rất nhiều khó khăn.

Mạnh dạn thành lập tổ hợp tác, hoạt động hiệu quả

Thành công từ mô hình nuôi ngựa hàng hóa, nhất là ngựa bạch, ông An đã mạnh dạn đề xuất với Hội Nông dân huyện Bắc Hà, chính quyền xã Tả Chải và được chấp thuận về việc thành lập tổ hợp tác nuôi ngựa. Năm 2022, ông An đứng ra thành lập Tổ hợp tác nuôi ngựa hàng hóa, hiện nay đã phát triển lên 15 tổ viên, với tổng số trên 100 con ngựa.

Thông qua tổ hợp tác, ông An có dịp chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng bệnh cho các thành viên; thường xuyên đến thăm các chuồng trại nuôi ngựa của thành viên để hướng dẫn, đúc rút kinh nghiệm, đồng thời hỗ trợ, liên kết hợp tác cùng các thành viên cũng như các đối tác trong việc chăn nuôi, tiêu thụ ngựa thương phẩm, ngựa giống, cao ngựa...

Hiện nay, thịt ngựa là món khoái khẩu thu hút rất đông thực khách khi tới du lịch tại Bắc Hà nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Ảnh: Xuân Cường.

Hiện nay, thịt ngựa là món khoái khẩu thu hút rất đông thực khách khi tới du lịch tại Bắc Hà nói riêng, tỉnh Lào Cai nói chung. Ảnh: Xuân Cường.

Ông An tự tin khẳng định, với việc chăn nuôi ngựa ổn định như thời gian qua, sắp tới ông sẽ trả hết nợ ngân hàng. Có vốn tích lũy, gia đình ông và các thành viên trong tổ hợp tác sẽ tăng thêm số lượng đàn ngựa gấp 2 - 3 lần hiện nay. Tổ hợp tác cũng sẽ tiếp tục mở rộng quy mô nuôi, kết nạp thêm thành viên và tăng cường liên kết chăn nuôi cũng như tiêu thụ sản phẩm. Trong đó chú trọng phát triển nuôi ngựa vỗ béo, nuôi ngựa bạch nấu cao để cung cấp ra thị trường.

Ông Vàng Văn Hiểu, thành viên Tổ hợp tác nuôi ngựa ở xã Tả Chải phấn khởi chia sẻ: "Các thành viên trong tổ hợp tác và bản thân ông cũng vốn là anh em, bạn bè hàng xóm láng giềng, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Thấy anh An nuôi ngựa hiệu quả, lại thấy anh có kinh nghiệm, có mối quan hệ rộng, nhiều mối tiêu thụ nên khi anh An bảo tham gia tổ hợp tác, chúng tôi đồng ý ngay. Vào tổ, chúng tôi được chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi và quan trọng nhất được anh An hỗ trợ trong tiêu thụ ngựa thịt, cao ngựa nên không lo bị ế, thất thu”.

Ông Nguyễn Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Tả Chải cho biết, bằng việc khai thác điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở địa phương và phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, mô hình chăn nuôi ngựa hàng hóa của hộ gia đình ông Vàng Văn An và Tổ hợp tác nuôi ngựa của xã bước đầu đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây cũng là mô hình mới đã và đang được xã Tả Chải khuyến khích nhân rộng.

Việc nuôi ngựa hàng hóa sẽ giúp tạo nguồn ngựa dồi dào cho hoạt động hội đua ngựa truyền thống của huyện Bắc Hà. Ảnh: Xuân Cường.

Việc nuôi ngựa hàng hóa sẽ giúp tạo nguồn ngựa dồi dào cho hoạt động hội đua ngựa truyền thống của huyện Bắc Hà. Ảnh: Xuân Cường.

3 năm gần đây, huyện Bắc Hà đã và đang khuyến khích, hỗ trợ triển khai nhân rộng cho bà con nông dân nuôi ngựa hàng hóa, ngựa bạch để có công ăn việc làm, thu nhập ổn định, giảm nghèo bền vững thông qua việc triển khai các dự án hỗ trợ chăn nuôi ngựa từ nguồn vốn Nghị quyết 30a và nguồn vốn Chương trình 135.

Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại nhờ các sản phẩm chăn nuôi từ ngựa, việc nuôi ngựa hàng hóa còn giúp tạo nguồn ngựa dồi dào nhằm duy trì, phát huy giải đua ngựa truyền thống Bắc Hà mở rộng hàng năm đã và đang khẳng định là sản phẩm du lịch độc đáo hút khách du lịch trên miền cao nguyên trắng Bắc Hà.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.