| Hotline: 0983.970.780

Từ nghề bán 'vỏ cây', dân xây được nhà, sắm xe hơi

Thứ Tư 10/05/2023 , 10:12 (GMT+7)

Ở đây, trẻ em được học hành đến nơi đến trốn, nhà nhà mua được xe hơi, xây được nhà mới… Tất cả đều nhờ trồng loại cây lấy vỏ trên đất rừng sản xuất.

Cụ Triệu Mùi Pham đứng bên phải cạnh Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

Cụ Triệu Mùi Pham đứng bên phải cạnh Bác Hồ. Ảnh tư liệu.

Người đầu tiên đưa cây quế về Lào Cai

Cụ Triệu Mùi Pham ở xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai) năm nay dù đã trăm tuổi nhưng vẫn minh mẫn. Cách đây 2-3 năm, sau một lần bị ngã nên mới phải dùng đến gậy nhưng mọi sinh hoạt hàng ngày cụ vẫn tự làm, chưa cần phải nhờ đến các con, các cháu.

Cả xã ai cũng biết đến cụ vì cụ là người đầu tiên đưa cây quế lên vùng cao này. Cũng chính từ cây quế nên đến nay cuộc sống của bà con mới khấm khá, có của ăn của để. Cả xã có 5 thôn thì gần như nhà nào cũng trồng quế, không phải họ hàng thì cũng đều biết nhau cả vì cùng chia sẻ, bảo ban nhau trồng và thu hoạch quế.

Cụ khoe mới hồi đầu năm còn được lãnh đạo từ Trung ương gửi lời chúc cụ luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, tiếp tục động viên con cháu vun đắp giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cụ Triệu Mùi Pham còn là nữ đảng viên người Dao đầu tiên ở xã Nậm Đét, rồi trở thành nữ Bí thư chi bộ xã đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Hà. Năm 1966, cụ được gặp Bác Hồ tại Hội nghị Chi bộ 4 tốt toàn quốc. Theo lời dạy của Bác, khoảng tháng 2 năm 1975 cụ lặn lội xuống Văn Yên (Yên Bái) đưa cây quế về, mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu cho bà con vùng cao Nậm Đét.

“Trước đây nhà toàn lợp cỏ gianh, vách gỗ khó khăn lắm, toàn ăn củ nâu củ ấu, đến tháng 6-7 mới có bắp ăn nhưng vẫn đói lắm. Giờ thì không cần nữa vì có cây quế rồi. Trồng cây quế có tiền làm nhà, có đến 2/3 là nhà xây rồi ý chứ. Trẻ con có quần áo đẹp để mặc không lo đói rét như ngày xưa nữa”, cụ Triệu Mùi Pham nói.

Cụ Triệu Mùi Pham đã trăm tuổi nhưng vẫn nhớ như in câu chuyện đưa cây quế về Lào Cai. Ảnh: Hải Đăng.

Cụ Triệu Mùi Pham đã trăm tuổi nhưng vẫn nhớ như in câu chuyện đưa cây quế về Lào Cai. Ảnh: Hải Đăng.

Cụ kể, cũng do được nhà nước chiếu cố, góp tiền mua được 2.000 cây giống và đem về được 200 hạt quế nữa. Có nhà được phân công đi lấy cây, có nhà được phân công làm vườn, làm nương trồng quế.

“Tôi trồng quế, được sự hỗ trợ của các xã viên, các hạt nảy mầm hết. Bấy giờ thấy vậy, bà con địa phương mới làm theo, mới thay đổi tập quán phát rừng làm nương để chuyển sang trồng quế, giữ rừng”, cụ Triệu Mùi Pham kể.

Cho đến nay, vườn quế đầu tiên của cụ vẫn được giữ gìn. Sau hàng chục năm, trong vườn có những cây to một người ôm không xuể. Các cây này cụ bảo dù được trả giá cao mấy cũng không bao giờ bán vì để giữ lại cho con, cho cháu và bà con có hạt giống để sinh nhai.

Nhà nhà mua xe, xây nhà mới

Bản Lắp của xã Nậm Đét được coi là thôn tỷ phủ bởi tại đây có đến hơn chục hộ đã mua được xe ô tô phục vụ việc đi lại của gia đình. Chưa kể, trong thôn, hàng chục căn nhà rộng cả trăm mét vuông được xây dựng mới.

Ông Triệu A Sơn cho biết, quế ở thôn Bản Lắp được trồng từ những năm 1990 trở lại đây. Khi cây quế chưa tìm được đầu ra, chưa có thương hiệu thì bán không được giá cao. Song mấy năm gần đây, quế được giới thiệu, quảng bá ở nhiều nơi, nên giá cao hơn trước rất nhiều, mang lại nguồn thu nhập cho bà con.

Ở đây, bà con xây được nhà cửa, sắm sửa phương tiện, nuôi con ăn học đến nơi đến chốn cũng từ cây quế mà ra. Thay đổi rõ rệt nhất các công trình xây dựng nông thôn mới, đường sá được mở rộng, bê tông hóa, các xe tải lớn về tận nơi thu mua quế của bà con.

“Có hộ cần làm nhà cửa, mua ô tô thì có thể thu nhiều hơn, mỗi năm được khoảng hơn 1 tỷ đồng còn hộ nào chưa cần dùng đến tiền thì quế cứ để đó có mất đi đâu, thu túc tắc khoảng 200-300 triệu đồng”, ông Triệu A Sơn nói.

Người dân hối hả mang vỏ quế đem bán. Cũng từ tiền bán vỏ quế mà nhiều hộ dân xây nhà, mua xe hơi. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân hối hả mang vỏ quế đem bán. Cũng từ tiền bán vỏ quế mà nhiều hộ dân xây nhà, mua xe hơi. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Triệu Long Minh, người cùng thôn tiếp lời, trước đây rừng để trống song sau đó bà con đã trồng quế phủ xanh đất trồng đồi trọc. Rừng bây giờ đã xanh hơn, đẹp hơn, dân không còn đốt nương rẫy như trước kia nữa. Từ năm 2010 trở lại đây, người dân bán đồi quế, vỏ quế, lá quế để lấy tiền xây nhà. Có tiền là đều nhờ ơn của rừng mà ra chứ ở đâu?

Không những vậy, kể từ khi Nậm Đét trở thành vùng nguyên liệu, bà con không còn phải ly hương đi làm xa ở các công ty dưới xuôi nữa.

Ông Phạm Văn Thắng, đầu mối thu gom quế trên địa bàn cho biết, nhà tôi cũng có khoảng 10ha quế 12-13 năm tuổi, vừa bóc xong một đồi thu được 12 tấn vỏ quế; giá bán khoảng 24 nghìn đồng/kg. Ở đây vào vụ thu hoạch còn phải thuê thêm người. Không khai thác quế của nhà mình thì đi làm công. Không phải ngày nào cũng có việc nhưng những tháng cao điểm cũng kín lịch. Một ngày, mỗi công bóc vỏ quế cũng cho thu nhập từ 500 đến 700 nghìn đồng.

Người dân Nậm Đét hối hả thu hoạch quế. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân Nậm Đét hối hả thu hoạch quế. Ảnh: Hải Đăng.

Giữ rừng, xây dựng nông thôn mới

Ông Nguyễn Tư Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai) cho biết, hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 2.000 ha quế thì diện tích quế hữu cơ chiếm phân nửa, đạt gần 1.300 ha. Xã có 2.800 hộ dân với 5 thôn, thì có đến 4 thôn trồng quế, 1 thôn giáp thị trấn Bắc Hà không trồng quế vì độ cao, thời tiết không phù hợp; thu nhập bình quân của xã này đạt 39 triệu đồng/người/năm.

“Cuộc sống của bà con, nhân dân trong xã thoát nghèo nhờ cây quế rất nhiều. Như năm ngoái hộ nghèo của chúng tôi giảm được 19%, đạt 313% so với kế hoạch. Riêng về cây quế, năm ngoái chúng tôi thu hoạch 300 tấn quế khô và 800 tấn quế tươi, tổng thu được khoảng 62 tỷ đồng. Nhờ đó, bà con trong xã được ấm no. Có những thôn, gần như các hộ gia đình đã xây được nhà, có những hộ mua được ô tô. Tất cả các hệ thống đường giao thông nông thôn của chúng tôi đã hoàn thành chỉ tiêu trong đó có sự đóng góp lớn của bà con. Có thể thấy cây quế tác động rất lớn đến đời sống của bà con nhân dân”, ông Nguyễn Tư Hiền nói.

Về công tác bảo vệ rừng, theo Phó Chủ tịch UBND xã này thì cây quế nằm trong diện phát triển kinh tế xã hội nên tỷ lệ che phủ rừng của xã tương đối lớn, trên 70%. Khi có cây quế đời sống bà con ổn định nên đã hạn chế được nạn đốt phá rừng.

Người dân xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai) phấn khởi vì quế ống sáo bán được giá. Ảnh: Hải Đăng.

Người dân xã Nậm Đét (huyện Bắc Hà, Lào Cai) phấn khởi vì quế ống sáo bán được giá. Ảnh: Hải Đăng.

Ông Bùi Văn Long, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà) cho biết, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền xã, tổ quản lý, bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra theo tuyến, khu vực trọng điểm xảy ra tình trạng phát phá, khai thác lâm sản trái phép để ngăn chặn người dân khai thác trái pháp luật. Với diện tích rừng thuộc ban quản lý rừng phòng hộ đều không để xảy ra tình trạng các hộ gia đình phát phá đất rừng của tổ chức để trồng cây quế…

Hiện người dân vừa tham gia phát triển kinh tế vừa trồng rừng, trồng quế nên công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong bảo vệ, phát triển rừng, bảo vệ nguồn nước, chống xói mòn… cũng có nhiều thuận lợi.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Dựa vào dân để giữ rừng Pù Huống

Diện tích rừng trải rộng nhưng sức người quá nhỏ bé, để giữ vốn quý những con người tại Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống phải nỗ lực rất lớn.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.