Năm nay, bà Nguyễn Thị Nghĩa (ở ấp Quân An, xã Long Thới, huyện Chợ Lách) trồng được 1.000 chậu cúc mâm xôi. Bà rất phấn khởi vì thời tiết tương đối thuận lợi và sản phẩm cũng đã được thương lái đặt hàng thu mua từ hơn 2 tháng nay với giá khá cao, 220.000 đồng/cặp.
Tuy nhiên, giá này là cá biệt, theo tìm hiểu của chúng tôi, hoa cúc mâm xôi được thương lái mua giá dao động từ 160.000 – 180.000 đồng/cặp. Bà Nghĩa chia sẻ: “Nhìn chung bà con trồng hoa cúc ở đây rất đạt, từ 80-90%. Nếu từ đây đến ngày giao hàng không bị mưa trái mùa làm cho hoa nở sớm, bị bệnh thì bà con lãi chắc trên 50%”.
Không chỉ riêng hoa cúc, tình hình tiêu thụ hoa giấy năm nay cũng khả quan hơn năm ngoái. Tại làng nghề hoa kiểng xã Phú Sơn (huyện Chợ Lách), UBND xã thống kê sản lượng hoa kiểng hàng năm vào khoảng 1 – 1,2 triệu sản phẩm, trong đó sản lượng hoa giấy chiếm từ 300- 400 ngàn sản phẩm.
So với năm ngoái, sản lượng hoa giấy ở Phú Sơn không tăng, tuy nhiên tình hình tiêu thụ khả quan hơn năm ngoái. Nếu vụ Tết Quý Mão, bà con trồng hoa giấy chỉ tiêu thụ được từ 40-50% thì những ngày gần đây, thương lái tìm về xã Phú Sơn, huyện Chợ Lách để đặt hàng ngày càng nhiều, nhộn nhịp hơn.
Chị Vân, một thương lái ở tỉnh Đắk Lắk vừa đặt cọc mua được hơn 1.000 chậu hoa giấy của nông dân địa phương cho biết, mấy ngày nay chị mua được nhiều hoa của bà con ở Chợ Lách và hiện đang tìm kiếm sản phẩm hoa giấy và bạch mai. Chị vui vẻ chia sẻ: “Thấy bà con trúng giá cà phê, những ngày này chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa nên mình mua các loại hoa chở về trên đó cho có không khí Tết”.
Anh Lê Hoài Hân trồng 3.000 chậu hoa giấy bán tết năm nay. Đến thời điểm này, anh đã chốt cọc được gần 40% sản lượng, so với năm ngoái anh nhận xét là đỡ hơn. Tuy nhiên, do năm ngoái hoa giấy bị dội chợ nên năm nay giá bán có phần giảm hơn đôi chút. Tùy cây tùy chậu, giá khoảng từ 70.000 đồng đến 400.000 – 500.000 đồng/chậu.
Ông Đặng Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Sơn thông tin: Hoa kiểng là một trong những thế mạnh của địa phương, đặc biệt là cây hoa giấy. Thị trường tiêu thụ hoa giấy năm nay tập trung vào những thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, bà con còn sử dụng mạng xã hội để livestream bán hàng, quảng bá thu hút được nhiều thương lái tìm đến xem hàng.
“Thời điểm hiện tại, nước mặn chưa xâm nhập nhưng UBND xã luôn cập nhật thông tin để kịp thời thông báo cho bà con. Đến nay, tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, bà con đang tập trung chăm sóc hoa”, ông Việt cho biết.
Trái ngược với hoa Tết, thị trường cây mai kiểng được nhiều bà con nông dân nhận xét là khá trầm lắng. Đại diện vườn mai Hoàng Long, một vườn mai khá nổi tiếng ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách) chia sẻ, tình hình chung năm nay lượng khách đến địa phương xem mai giảm đáng kể. Riêng ở vườn mai Hoàng Long, nhờ giữ được những mối quen và có đội ngũ tư vấn bán hàng online nên lượng sụt giảm không nhiều. Đợt vừa rồi, nhà vườn này còn xuất bán được một số đơn hàng cho khách tại Mỹ.
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có trên 7.900 hộ sản xuất hoa kiểng, riêng huyện Chợ Lách chiếm hơn 80%. Hàng năm, cung ứng cho thị trường khoảng 15 đến 20 triệu sản phẩm hoa, kiểng các loại như: mai vàng, hoa giấy, kiểng thú, kiểng treo, kiểng lá, cây công trình… Theo phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách, Tết năm nay sản lượng hoa kiểng ở Chợ Lách ước khoảng 9-10 triệu sản phẩm.