| Hotline: 0983.970.780

Khởi công xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành

Thứ Ba 05/01/2021 , 14:16 (GMT+7)

Sáng 5/1, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đã chính thức khởi công giai đoạn 1. Đây là dấu mốc quan trọng trong đầu tư xây dựng sân bay lớn quốc gia... 

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cùng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp...

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 12/2025.Ảnh: AV.

Dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 dự kiến đưa vào hoạt động vào tháng 12/2025.Ảnh: AV.

Lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) làm chủ đầu tư là sự kiện quan trọng đầu tiên trong năm 2021 của ngành giao thông và cũng là dự án quan trọng hàng đầu trong lĩnh vực hàng không từ trước tới nay.

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế vinh danh là nền kinh tế năng động, tăng trưởng nhanh tại châu Á, với GDP tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua trên 6.3%/năm. Năm 2020, chúng ta là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất, đã thực hiện thành công mục tiêu kép: Đẩy lùi dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh Covid -19 và duy trì được mức tăng trưởng gần 3%, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: AV.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành. Ảnh: AV.

Thủ tướng nhấn mạnh triển vọng kinh tế rất tươi sáng đang chờ đợi chúng ta, niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, đặc biệt là niềm tin của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam sau đại dịch, đang gia tăng mạnh mẽ.

Dự án Cảng HKQT Long Thành nằm trên địa bàn 6 xã của huyện Long Thành (Đồng Nai), có diện tích 5.000 ha, trong đó diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng Cảng hàng không là 2.750 ha, diện tích đất cho quốc phòng và xây dựng kết cấu hạ tầng hàng không dùng chung quân sự và dân dụng là 1.050 ha, diện tích đất cho hạng mục phụ trợ, công nghiệp hàng không và công trình thương mại khác là 1.200 ha.

Tổng mức đầu tư toàn bộ dự án là trên 336 ngàn tỉ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 sân bay Long Thành được đầu tư đường băng cất hạ cánh dài 4 km, rộng 75m, cùng hệ thống đường lăn, sân đỗ đảm bảo cho các loại máy bay hoạt động; xây dựng nhà ga hành khách có công suất thiết kế 25 triệu khách/năm, tổng diện tích sàn 373 ngàn m2; xây dựng đài kiểm soát không lưu cao khoảng 123m. Cùng với đó là các công trình phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm; khu cung cấp suất ăn hàng không; các cơ sở bảo trì trang thiết bị, vệ sinh máy bay, trạm cung cấp nhiên liệu, thoát và xử lý nước thải...Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 109.111,742 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025.

Giai đoạn 2 sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3, sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thiện, sân bay sẽ có 4 nhà ga và 4 đường băng, dự kiến năm 2040 sẽ hoàn thành

Dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam bền vững và góp phần tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng - an ninh cho đất nước. Ảnh: AV.

Dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam bền vững và góp phần tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng - an ninh cho đất nước. Ảnh: AV.

Theo ông Cao Tiến Dũng Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, tỉnh đã bàn giao đất cho dự án Sân bay Long Thành theo đúng cam kết với Chính phủ và đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ để có thể cơ bản hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý I/2021.

Khi hoàn thành, Cảng HKQT Long Thành sẽ có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Ngoài ra, để phục vụ công tác thi công cũng như kết nối giao thông, giai đoạn 1 có thêm tuyến đường số 1 nối sân bay Long Thành với quốc lộ 51 có quy mô 6 làn xe và tuyến đường số 2 nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có quy mô 4 làn xe.

Dự án Sân bay Long Thành là một trong những mục tiêu đầu tư rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam bền vững và góp phần tăng cường khả năng đảm bảo quốc phòng - an ninh cho đất nước. Khi sân bay đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy du lịch vùng và là cửa ngõ đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam và khách du lịch Việt Nam tới quốc tế. Thứ trưởng Bộ GT-VT Lê Anh Tuấn nhấn mạnh: “Sân bay Long Thành sẽ trở thành sân bay trung chuyển quốc tế của khu vực theo xu hướng chung của thế giới. Qua đó, tạo điều kiện để Việt Nam xây dựng và nâng cao vị thế cạnh tranh của mình trên thị trường hàng không khu vực Đông Nam Á và thế giới”...

"Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong Top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia, thể hiện khát vọng, ý chí vươn lên mạnh mẽ của nước ta, có ý nghĩa to lớn với sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Đây cũng là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay. Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng cần sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo..

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).