| Hotline: 0983.970.780

Khôi phục thành công giống cam 'tiến vua' từ thời Trần

Thứ Tư 08/03/2023 , 13:48 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Từ nguy cơ bị tuyệt chủng, Hải Phòng đã xây dựng đề án và khôi phục thành công giống cam 'tiến vua' Đồng Dụ với số lượng hàng nghìn cây từ 2 gốc già yếu.

Cam quý từ thời nhà Trần

Theo các nghiên cứu, giống cam ở làng Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương, TP Hải Phòng là một trong những giống cam quý, được trồng cách đây khoảng 800 năm từ thời nhà Trần với hai loại, cam Chanh và cam Đường.

Trong đó, cam Chanh có thành cao, vỏ dày, dưới đáy quả có một vùng tròn nên gọi là cam “đồng tiền”. Quả cam Chanh to bằng ấm pha nước chè, tép nhỏ, có màu hơi hồng, mọng nước, có vị ngọt, khi chín vỏ có màu vàng tươi.

Empty

Cơ quan chuyên môn khảo sát cây cam Đồng Dụ hiếm hoi tại vườn nhà ông Nguyễn Sinh Xúy, xã Đặng Cương. Ảnh: Đinh Mười.

Còn cam Đường quả nhỏ, bằng chén uống nước trà, thấp thành, vỏ mỏng, nhiều tinh dầu thơm, khi chín giống như cam giấy, khi ăn cam có vị ngọt thanh, dịu, là sản phẩm dùng để tiến vua.

Theo người dân địa phương, cam Đồng Dụ cho quả vụ đầu 5 - 7 quả/cây, sau đó số quả tăng dần, đến khi trưởng thành cho năng suất 50 - 70 quả/cây/năm và cho quả liên tục trong hàng chục năm.

Trước đây, để có cam tiến vua, làng đã tổ chức phân công dân làng trồng và lựa chọn cam theo hướng chuyên nghiệp, người chọn giống, người trồng, người chăm sóc.

Trong khâu chăm bón, người dân sử dụng bột đậu tương, ruột ốc bụt ngâm để bón cây, khâu chọn cam được tổ chức vào dịp giáp Tết Nguyên Đán do những bậc cao niên, chức sắc chọn để tiến vua. Từ chỗ là cây trồng chủ lực, là đặc sản dùng để tiến vua nhưng do nhiều lý do khách quan, đến giữa Thập niên 90 của Thế kỷ 20, cả làng Đồng Dụ chỉ còn hơn 10 hộ trồng hai loại cam này.

Theo thời gian, đến năm 2004, cam đường biến mất, cam chanh chỉ còn 20 cây, lúc này, chính quyền địa phương mới sốt sắng tìm, sau đó xây dựng đề án khôi phục giống cam Đồng Dụ với 12 hộ tham gia.

Empty

Ông Nguyễn Sinh Xúy và 1 trong 3 cây cam già yếu còn sót lại. Ảnh: Đinh Mười.

Dù vậy, do người dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật nên đề án bị phá sản, người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hầu hết đất vườn, ruộng được trồng hoa hải đường, đào cảnh... khi những loại cây này cho giá trị kinh tế cao hơn.

“Hai giống cam Đồng Dụ đều ngon, nhưng bị sâu bệnh và trước đây không cạnh tranh được với các giống cam có tiếng khác nên nhiều hộ không còn quan tâm. Đến năm 2020, cả làng chỉ còn 3 cây trong vườn nhà tôi, trong đó, 2/3 cây cam đã yếu, nhiều bệnh, cây to nhất hơn 20 tuổi, có dấu hiệu tàn lụi dần. May mắn vào thời điểm đó thì giống cam được cứu”, ông Nguyễn Sinh Xúy, 90 tuổi, trú tại thôn Dân Hạnh, xã Đặng Cương bộc bạch.

Kỳ vọng thành sản phẩm OCOP

Ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết, trước thực trạng "báo động đỏ" mất giống cam quý, để lưu giữ, bảo tồn, phát triển kinh tế đối với đặc sản nổi tiếng của xã, địa phương và các ngành chức năng đã có ý kiến đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng về việc bảo tồn, lưu giữ, nhân giống, phát triển giống cam Đồng Dụ.

Cuối năm 2020, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng) đã về kiểm tra và lấy 100 mắt của cây mang đi nhân giống với kỳ vọng khôi phục được để phát triển, cũng như tạo thương hiệu vùng trồng và sản phẩm chủ đạo của làng quê Đặng Cương.

Empty

Những mắt ghép thành công đầu tiên. Ảnh: Đinh Mười.

Nhóm nghiên cứu chiết cành từ cây cam trong vườn nhà ông Xúy ra ghép vào 40 thân cây bưởi khỏe mạnh để gây dựng vườn cam bản địa, chống tuyệt chủng.

Việc ghép cam vào gốc bưởi đã được nhiều nơi áp dụng thành công, kỹ thuật nhân giống này có chi phí thấp, tiết kiệm công chăm sóc, cây giống ít sâu bệnh, sinh trưởng mạnh mẽ.

Bên cạnh việc khôi phục vườn cam bản địa, nhóm nghiên cũng sử dụng phương phát ghép đỉnh sinh trưởng để tạo ra cây cam F0 trong phòng thí nghiệm nhằm khôi phục cam Đồng Dụ.

Sau đó, từ cây F0 từ phòng thí nghiệm sẽ tạo ra cây giống sạch bệnh, có sức chống chịu tốt. Thông qua việc thu thập dữ liệu về việc thích ứng với khí hậu, thổ nhưỡng, đơn vị nghiên cứu cũng đã xây dựng kỹ thuật chăm sóc tối ưu cho giống cam Đồng Dụ.

Việc khôi phục giống cam Đồng Dụ được thực hiện chặt chẽ theo đề án, từ 50 cây F0 được phát triển trong phòng thí nghiệm, đến nay đã nhân được khoảng 2.500 cây giống để đưa ra trồng đại trà.

Empty

Từ 3 cây cam già yếu, cơ quan chuyên môn ở Hải Phòng đã nhân giống được hàng nghìn cây khác để trồng đại trà. Ảnh: Đinh Mười.

“Chúng tôi đã có kế hoạch để nhân rộng diện tích trồng cam Đồng Dụ, riêng ở xã Đặng Cương hiện tại đã có hơn 5.000m2. Theo đánh giá, hiệu quả kinh tế của cam Đồng Dụ rất tốt, hoàn toàn có thể bán được 60.000 - 100.000 đồng/kg. Cam Đồng Dụ đã có tiếng tiến vua nên làm thương hiệu không khó, chúng tôi sẽ xây dựng cam Đồng Dụ thành sản phẩm OCOP của huyện An Dương”, ông Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Dương cho biết.

Quá trình khôi phục giống cam "tiến vua", cơ quan chức năng đã cùng với các địa phương tìm được 3ha đất ở xã Đặng Cương, 1ha ở huyện Thủy Nguyên và 1ha ở đảo Cát Bà (Hải Phòng) để trồng cam Đồng Dụ theo phương pháp mới.

Riêng tại huyện An Dương, ngoài diện tích hiện có, đại diện Hợp tác xã Nông lâm thủy hải sản Nam Việt cho biết, đã liên hệ với Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng để xin được nhận chuyển giao số lượng lớn giống cam Đồng Dụ về trồng tại khu đất rộng hơn 6ha tại xã Bắc Sơn.

Xem thêm
Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ

THÁI NGUYÊN Nuôi bò thịt VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế tăng 15 - 20% so với phương pháp truyền thống.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Giống ngô TBM189 chinh phục đồng đất Lâm Thao

PHÚ THỌ Giống ngô TBM189 của ThaiBinh Seed với ưu điểm ngắn ngày, năng suất cao, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh… đã giúp nông dân Lâm Thao gia tăng lợi nhuận trong vụ đông 2024.