Tuyên Quang vốn nổi tiếng có giống trâu ngố vóc dáng to, khỏe. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, trọng lượng trâu đực trên địa bàn tỉnh trung bình là 457 kg/con, trâu cái trung bình 394 kg/con, trong đó con to có trọng lượng tới 800 – 900 kg. Nhưng đến nay, trọng lượng trâu đực trung bình chỉ còn 371 kg/con, trâu cái trung bình chỉ còn 354 kg/con. Tỷ lệ đẻ của trâu cái sinh sản chỉ đạt 36%/năm.
Ông Đào Duy Quý, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khối lượng đàn trâu ngày càng nhỏ là do việc khai thác trâu mang tính tự nhiên, thiếu khoa học. Số trâu ngố được bán thường là những con to, có sản lượng thịt lớn, số trâu nhỏ hơn lại để lại làm giống. Bên cạnh đó, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn trâu chưa đảm bảo, phương thức chăn nuôi vẫn mang tính lạc hậu, chủ yếu là thả rông, thiếu thức ăn.
Mặt khác, việc sử dụng trâu đực giống cũng hoàn toàn mang tính tự nhiên, dẫn đến hiện tượng cận huyết làm cho chất lượng con giống ngày càng giảm. Chỉ tính riêng giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2020, số lượng đàn trâu giảm dần và có xu hướng cận huyết từ 12,25 đến 31,25 %, dẫn đến đàn trâu bị suy thoái nghiêm trọng.
Nâng cao tầm vóc đàn trâu ngố và khôi phục nguồn gen của trâu bản địa, ngành chức năng tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với các nhà khoa học nghiên cứu các giải pháp. Trong đó tập trung tìm kiếm những con trâu đực giống tốt có khối lượng từ 450 kg/con trở lên để phục vụ nhân giống, bảo tồn nguồn gen trâu Chiêm Hóa, trâu Hàm Yên, nâng cao tầm vóc đàn trâu.
Tại huyện Chiêm Hóa, trong năm 2018, huyện đã áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo trên địa bàn huyện với 1.548 con trâu, bò. Trong đó có 1.279 con trâu và 269 con bò. Đã có 134 con nghé được đẻ ra từ phương pháp thụ tinh nhân tạo. Số nghé được sinh ra nhờ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo có tầm vóc và trọng lượng sơ sinh từ 38 - 42 kg (trọng lượng sơ sinh tự nhiên là 25 - 34 kg).
Phục tráng thể trạng và nguồn gen quý của giống trâu bản địa ở Tuyên Quang, giai đoạn từ đầu năm 2018 đến tháng 12/2022, nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) đã triển khai nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gen trâu khối lượng lớn tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang". Đề tài được triển khai để bảo tồn, lưu giữ nguồn gen của trâu bản địa Tuyên Quang.
Theo quan điểm của nhóm thực hiện đề tài, những giống vật nuôi bản địa tuy năng suất không cao nhưng lại mang nhiều những đặc điểm quý như: Chịu đựng kham khổ, thích nghi với điều kiện sinh thái nơi nó sinh ra, thịt thơm ngon… nên nguồn gen vật nuôi bản địa là tài sản quý, cần biết giữ gìn và phát triển.
Kết quả của đề tài không những đảm bảo chất lượng tiêu chuẩn trâu giống đối với người chăn nuôi và thị trường cung cấp trâu giống, mà còn giúp bảo tồn, phục tráng và khai thác, phát triển có hiệu quả đàn trâu có nguồn gen chất lượng nuôi tại Tuyên Quang.
Niềm vui với người nông dân tỉnh Tuyên Quang như thêm động lực để bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của trâu bản địa khi năm 2015 Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp nhãn hiệu tập thể “Trâu Chiêm Hóa” cho Hội Nông dân huyện, giúp nâng cao giá con trâu trên địa bàn.
Theo đó, nhãn hiệu tập thể đã bảo hộ độc quyền cho 3 nhóm sản phẩm, bao gồm: Nhóm trâu thịt đã qua chế biến; nhóm chăn nuôi trâu giống và chăn nuôi trâu thịt; nhóm mua bán trâu giống, trâu thịt và thịt trâu đã chế biến.
Hiện nay, giá thịt trâu trên thị trường rất ổn định, dao động từ 240 - 280 nghìn đồng/kg thịt ngon. Trâu tiêu thụ dễ nên bà con chăn nuôi rất yên tâm. Thịt trâu có thể chế biến ra nhiều món đặc sản mà người dân miền núi xứ Tuyên đã làm như thịt trâu nướng, trâu xào lăn lá lốt, tỏi, măng chua, trâu hầm sốt vang… trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.