| Hotline: 0983.970.780

Khởi sắc ở Hà Trung

Thứ Bảy 12/11/2022 , 14:36 (GMT+7)

Đảng bộ huyện Hà Trung (Thanh Hóa) đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế xã hội xây dựng quê hương giàu mạnh.

Ông Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hà Trung trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng công trình trên địa bàn huyện.

Ông Trần Duy Bình, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hà Trung trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng công trình trên địa bàn huyện.

Cách đây 5 năm, ông Trần Duy Bình là Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thanh Hóa đã thay mặt lãnh đạo tỉnh vào dự Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Văn phòng đại diện Báo Nông nghiệp Việt Nam khu vực Bắc Trung bộ. Tôi nhớ, năm đó trên số báo đặc biệt của NNVN, ông Bình đã dành nhiều tình cảm với những nhận xét đánh giá ghi nhận nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Báo NNVN, đặc biệt là anh chị em trong Văn phòng.

Điều ông Bình nhấn mạnh là Báo Nông nghiệp Việt Nam sát sao với thực tiễn, phản ánh vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách sâu sắc. Đánh giá rất cao Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Bình nói có hai điểm mà bạn đọc luôn nhớ ở báo: Một là sức chiến đấu của tờ báo rất cao, rất quyết liệt và mạnh mẽ; hai là, có một đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, yêu nghề, lăn lộn với cuộc sống.

Thành tựu lớn chính là sự đoàn kết thực chất

Mới đó đã 5 năm…

Lần này, tôi đến gặp ông Bình là Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Hà Trung. Tôi vui mừng trước những thành tựu mà Hà Trung gặt hái được trong những năm gần đây mà có lẽ thứ Hà Trung vui nhất chính là sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể từ huyện đến xã xuống các thôn, tổ dân phố. Tôi đặt vấn đề với ông Bình, 5 năm trước ông đánh giá cao về Báo NNVN, lần này xin phép cho tôi ghi một vài cảm nhận về sự phát triển của Hà Trung.

Ông Bình chia sẻ, cũng chưa làm được nhiều và còn nhiều việc phải tập trung nguồn lực để xây dựng Hà Trung phát triển. Như mọi người biết, Hà Trung là huyện bán sơn địa, đồi núi xen kẽ với đồng bằng chiêm trũng, bị chia cắt bởi các con sông và dãy núi, điều kiện để phát triển kinh tế xã hội không mấy tiềm năng như các địa phương khác.

Có lần ông Bình từng đặt vấn đề với tôi rằng, hễ đi đâu thấy có mô hình sản xuất nông nghiệp nào hay mà phù hợp với điều kiện của Hà Trung thì giới thiệu giúp. Tôi bảo, học tập các mô hình hay thì được nhưng bê vào chưa hẳn đã thành công.

Từ đó, tôi nhận thấy Hà Trung lựa chọn phát huy nội lực chính vì thế đến nay Hà Trung đã có một số sản phẩm nông nghiệp có tiếng, cách làm hay mà chính ông Cường, Giám đốc Sở NN – PTNT đã có lần dẫn ông Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp xuống tận Hà Trung kiểm tra để từ đó xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 của Trung ương về “tam nông” được sát sườn, hiệu quả hơn.

Thực tế cho thấy, Hà Trung đã phát huy nội lực, tập trung khai thác mọi tiềm năng, lợi thế so sánh để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, coi tái cơ cấu ngành nông nghiệp là vấn đề cốt lõi trong xây dựng NTM.

Huyện đã tập trung xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao KHKT vào sản xuất nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nội ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, giảm hộ nghèo trong nông thôn.

Thời gian tới, theo Bí thư Huyện ủy Trần Duy Bình thì huyện sẽ tập trung rà soát, lập quy hoạch phân khu; quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó chú trọng quy hoạch vùng chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang các loại cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Hỏi ông Bình kết quả tổng thể đó nó được hình thành trên các yếu tố nền tảng nào, ông cho biết, đấy là sự đoàn kết nhất trí trong toàn Đảng bộ và quyết tâm của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là các cơ chế, chính sách của Trung ương, địa phương đã được triển khai có hiệu quả trong phát triển sản xuất.

Đi từ mô hình lợi thế của địa phương

Một góc miền quê nông thôn mới ở Hà Trung.

Một góc miền quê nông thôn mới ở Hà Trung.

Những năm gần đây, Hà Trung đã xây dựng vùng lúa thâm canh năng suất, chất lượng hiệu quả cao ở 10 xã. Mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động mùa vụ. Mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao như trồng lúa nếp hạt cau xã Hà Lĩnh quy mô 120ha; nếp cái hoa vàng xã Hà Long quy mô 100ha, năng suất 4 tấn/ha, giá trị gấp 2 lần so với sản xuất lúa tẻ thông thường…

Địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi linh hoạt đất trồng lúa 1 vụ sang nuôi trông thủy sản, giá trị trên 100 triệu đồng/ha; phát triển nuôi trồng thủy sản ở vùng (Đông - Phong - Ngọc) với diện tích 93 ha đồng thời thực hiện mô hình sản xuất công nghệ cao, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp đang cho thấy hướng đi đúng đắn.

Vụ chiêm xuân 2022, xã Hà Lĩnh (Hà Trung) đã xây dựng, triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới sản xuất lúa - cá luân phiên hữu cơ gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ sản.

Mô hình sản xuất lúa ST24 theo tiêu chuẩn VietGAP trên cánh đồng lúa - cá luân phiên tại xã Hà Lĩnh được triển khai có diện tích 35 ha, với 214 hộ tham gia sản xuất. Để mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao, huyện Hà Trung đã phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận chất lượng nông, lâm, thủy sản Thanh Hóa tổ chức lấy mẫu đất, mẫu nước phân tích, kiểm tra hàm lượng các tạp chất có trong đất, nước.

Bên cạnh đó, để khuyến khích phát triển mô hình, xây dựng sản phẩm đặc trưng cho địa phương, huyện Hà Trung đã hỗ trợ kinh phí mua giống, phân hữu cơ và quy trình tổ chức sản xuất, chứng nhận VietGAP cho sản phẩm.

Vừa qua, các hộ dân tham gia mô hình tại xã Hà Lĩnh đã tiến hành thu hoạch lúa, năng suất đạt 64 tạ/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần so với các giống lúa khác đang sản xuất đại trà tại địa phương. 

Về chương trình xây dựng NTM, Hà Bình là một trong những điểm sáng của Hà Trung. Sau khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2017, xã Hà Bình luôn chú trọng nâng cao chất lượng trong thực hiện các tiêu chí để xây dựng xã NTM nâng cao. Sau 5 năm về đích NTM, diện mạo nông thôn ở Hà Bình đã có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể.

Để nâng cao thu nhập cho Nhân dân theo hướng bền vững, Đảng bộ và chính quyền xã đã tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình sản xuất, vận động bà con ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, đưa các giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, năng suất cao vào trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất, kinh doanh và phát triển các dịch vụ, gắn với đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp.

Toàn xã đã tích tụ được 15 ha đất nông nghiệp với các mô hình hiệu quả kinh tế cao; quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản thường xuyên trên diện tích 44 ha, diện tích trồng lúa kết hợp nuôi cá 47 ha, đưa giá trị nuôi trồng thủy sản (năm 2021) đạt 12 tỷ đồng/năm; duy trì đàn gia súc 750 con, đàn gia cầm hơn 34.200 con... Năm 2021, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 47 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,64%.

Hà Bình hôm nay đang khoác lên diện mạo của một vùng nông thôn đổi mới. Những ngôi nhà khang trang, hệ thống cây xanh, đường làng, ngõ xóm đã sạch, đẹp hơn, cơ sở vật chất của xã được đầu tư, nâng cấp. Xã đã hoàn thành 12/15 tiêu chí xã NTM nâng cao. Hà Bình phấn đấu đạt NTM nâng cao vào năm 2023 theo mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020–2025 đề ra.

Nhìn lại hơn 10 năm xây dựng NTM, chính quyền và nhân dân huyện Hà Trung thực sự tự hào. Đó không chỉ là thành quả của sự nỗ lực, đoàn kết của toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện mà còn là sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của các cấp, ngành Trung ương, của tỉnh và cộng đồng các doanh nghiệp.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm