| Hotline: 0983.970.780

Khóm mất mùa vì nắng hạn

Thứ Sáu 05/04/2019 , 08:52 (GMT+7)

Đây là năm thứ hai liên tiếp, vùng trồng khóm (dứa) Đồng Dinh (huyện Phú Hòa, Phú Yên) rộng 500ha thất thu do giá hạ. Năm nay nắng hạn, khóm giảm năng suất kéo theo mất mùa năm sau vì cây khóm giống mất sức.

09-00-45_img_5195
Thương lái thu mua khóm

Ông Nguyễn Văn Tình ở xã Hòa Thắng đang thu hoạch khóm chia sẻ, tháng giêng thu lứa đầu, sau đó nắng quá lứa tiếp theo cây không đủ sức ra cần đơm trái. Ông trồng 2ha mới thu 30 triệu đồng. Đến cuối mùa thu mót chỉ được 80 triệu nữa.

Theo kinh nghiệm của nông dân trồng khóm, một năm cây khóm có 2 mùa chính ra trái tự nhiên thu hoạch vào tháng giêng và tháng năm (âm lịch). Để khóm ra trái rải vụ thu hoạch bán quanh năm thì dùng chất cặn gió đá (acetylen) pha với rượu rồi hòa nước tưới lên ngọn kích thích cho khóm ra nụ. Thường thì 1ha trồng 3 vạn cây, trong đó lựa khóm tốt “chế” cho ra 1 vạn trái, với giá hiện nay 8.000 đồng/trái, sau khi trừ chi phí đầu tư phân bón thì số tiền thu về trên 50 triệu.

Thế nhưng năm nay nắng hạn “chế” trái không đậu, nhiều người thất thu. Bà Trần Thị Linh, người trồng khóm cho hay: Từ lúc “chế” sau 1 tháng 10 ngày trên đọt nhú ra nụ màu hồng là khóm đậu trái, năm nay tôi “chế” lần hai nhưng nắng quá, khóm cũng không đậu.

Cũng theo bà Linh, khóm đầu vụ có nhiều cây tủ lại che nắng nên cây con đơm lên. Khi thu hoạch lứa đầu cắt dọn khóm mẹ còn khóm con gặp nắng không đủ sức ra trái. Cây nào “ráng” được thì ra trái nhỏ gọi là khóm đẹt, loại này bán giá rất thấp.

Hiện khóm Đồng Dinh thương lái mua phân loại: Khóm 1 mỗi trái khóm nặng 1kg trở lên là 80.000 đồng/chục “có đầu” (12 trái); sau đó hạ xuống đến khóm 6 là 60.000 đồng/chục, khóm 5 là 50.000 đồng/chục, thấp nhất là khóm 10 là 10.000 đồng/chục, tức là 1.000 đồng/trái, gọi là khóm đẹt. Mấy năm trước trời có mưa, khóm loại 1 trái lớn nặng 1,4kg, nay nắng hạn trái khóm nhỏ lại, trái lớn nhất chỉ 1,1kg, cùng với đó lứa khóm đẹt rất nhiều trong rẫy.

Những ngày này, sáng sớm bà con thu hoạch khóm. Sau khi treo những bao tải khóm vào dây cáp thả ròng rọc xuống chân rẫy rồi phân ra từng loại cho vào bao tải chở bán cho vựa. Vùng khóm Đồng Dinh chạy dọc theo con suối Cái, người trồng khóm chở ra 2 ngõ, một ngõ nằm ngay miệng suối Cái ra thị trấn Phú Hòa, còn một ngõ qua cánh xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa).

Thị trấn Phú Hòa có 5 vựa thu mua khóm, xã Hòa Quang Bắc có 10 vựa. Trước đây, mỗi vựa thu 5 tấn khóm/ngày, nay nắng nóng khóm ít trái nên mỗi vựa thu 1,5 tấn khóm. Bà Bùi Thị Xinh, một vựa mua khóm cho hay: Mấy năm trước, một ngày chở xe tải 5 tấn  đi Khánh Hòa, Ninh Thuận…bán, nay khóm ít chỉ chở 1,5 tấn/ngày.

09-00-45_img_5116
Khóm Đồng Dinh năm nay mất mùa vì nắng hạn

Vùng khóm Đồng Dinh hình thành gần 20 năm. Trước đây, người dân ở xã Hòa Định Tây và thị trấn Phú Hòa đến Đồng Dinh để trồng rẫy bạch đàn, về sau phá rẫy bạch đàn đầu tư trồng khóm. Từ đó đến nay vùng khóm Đồng Dinh mở rộng gần 500ha trải dài qua 3 xã Hòa Định Tây, Hòa Quang Nam, Hòa Quang Bắc và thị trấn Phú Hòa. Quang vùng có gần 200 hộ dân chuyên trồng khóm, hộ trồng nhiều trên 10ha, còn lại đa số mỗi hộ trồng 7-8ha. Thời gian trồng khóm đã lâu, vùng này là đất rẫy triên (đất có độ dốc), mùa mưa bị rửa trôi nên đất trồng khóm xấu cộng với thời tiết nắng nóng dẫn đến vùng khóm “xuống sức”.

Ông Phan Hòa, người trồng khóm ở xã Hòa Định Tây phân trần: Thường trồng lứa khóm tơ thu hoạch mùa đầu, năm sau “ăn” đến khóm gốc, mỗi mùa cây “nhảy” ra 5-6 cây con quanh gốc, người trồng tách bỏ bớt chừa lại 3-4 cây con cho ra trái, cứ vậy tiếp tục “ăn” lứa khóm gốc ít nhất là 5 năm.

Thế nhưng hai năm nay, nắng hạn kéo dài, đất trồng khóm khô khốc kéo theo khóm bị bệnh nên cây mau xuống sức, thời gian “ăn” lứa khóm gốc chỉ còn 3 - 4 năm. Người trồng khóm phải bỏ tiền công đầu tư trồng mới.

“Không những thế, đối với cây khóm gặp thời tiết nắng hạn năm nay kéo theo mất mùa sang năm vì lứa khóm gốc năm nay bị nắng “đè” yếu sức, cây nhỏ không đủ sức ra trái. Chi phí càng ngày tăng cao. Trước đây trung bình 1ha khóm mỗi năm thu 200 triệu đồng thì chi phí gần 120 triệu đồng, nay do đất càng ngày càng xấu nên phân bón, công chăm sóc lên đến 150 triệu”, ông Hòa nói. 

Theo ông Nguyễn Siêng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, khóm Đồng Dinh là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện, nức tiếng gần xa với vị ngọt thơm được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên do nắng hạn và giá cả thị trường xuống thấp nên người trồng gặp khó. Huyện kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng nhà máy chế biến để đảm bảo ổn định đầu ra, hình thành vùng SX hàng hóa tập trung...

 

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm