| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 02/11/2015 , 07:15 (GMT+7)

07:15 - 02/11/2015

Không ai đi 'đòi' hối lộ!

Sáng 30/10, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận các vấn đề liên quan đến Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi.

Rất nhiều đại biểu đã quan tâm đến điều luật nhằm trừng phạt tội nhận hối lộ. Về điều này, BLHS cũ quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức để làm hoặc không làm được việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, là phạm tội nhận hối lộ.

Nay, BLHS sửa đổi quy định như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đòi, nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào dưới mọi hình thức, để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, là phạm tội nhận hối lộ.

Hai điều luật mới và cũ chỉ khác nhau một chữ “đòi”.

Một đại biểu đã dẫn lời một Bộ trưởng, khẳng định rằng: “Cán bộ ở cơ quan tôi không một ai đòi hối lộ cả”. Vị Bộ trưởng kia đã nói rất đúng. Không chỉ ở cơ quan ông mà còn ở mọi cơ quan công quyền khác trên cả nước, không có ai đòi hối lộ cả.

Họ không đòi hối lộ, nhưng họ gây khó khăn cho người có việc. Mà để gây khó khăn, thì họ có trăm ngàn cách, khiến cho người dân hay doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp, phải đi lên đi xuống hàng chục lần vẫn không xong.

Mà đối với doanh nghiệp, thì thời gian là thời cơ, là tiền bạc. Cuối cùng không chịu nổi, phải “lòi” tiền ra. Mà muốn đưa tiền cho họ đâu có dễ, phải qua trung gian chứ không thể đưa trực tiếp. Qua trung gian, số tiền hối lộ đáng lẽ một thì phải thành một rưỡi, vì cái số rưỡi kia là phần của ông “cò” hối lộ.

Thế đấy, tôi có đòi đâu? Chỉ tại dân hay doanh nghiệp đưa. Đưa thì tôi nhận. Muốn bắt tôi về hành vi nhận hối lộ, cơ quan pháp luật phải chứng minh được là tôi “đòi”.

Để bắt được quả tang hành vi đưa và nhận hối lộ, vốn đã khó như việc lên trời rồi. Bởi việc đưa và nhận hối lộ chỉ có “tứ tri”, nghĩa là trời biết, đất biết, người đưa biết, người nhận biết. Đất vốn đã im lặng rồi, còn trời, thì cũng “thiên hà ngôn tai?” (ta có nói gì đâu). Chỉ còn người đưa biết, người nhận biết.

Biết, nhưng ai dại gì mà nói? Chỉ trừ trường hợp đặc biệt, như Dương Chí Dũng, chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinalines, đã khai tại tòa rằng đã biếu một vị có chức sắc năm trăm ngàn đô la, để vị tướng đó “bóp” cho nhỏ cái vụ Dũng đã mua cái ụ nổi đồng nát M83, và báo tin trước cho Dũng biết là Dũng sẽ bị khởi tố, bắt tạm giam, để Dũng trốn đi. Nhưng đấy mới chỉ là lời khai của một phía. Muốn làm rõ sự thật, phải điều tra, đối chất. Mà đối chất với người nhận hối lộ thì… kết quả thế nào, hẳn ai cũng biết.

Nay, điều luật mới lại bắt cơ quan điều tra phải chứng minh người nhận hối lộ đã “đòi” hối lộ, thì hoàn toàn không khả thi, và điều luật sẽ trở nên vô hiệu. Thêm chữ “đòi” vào điều luật mới, thì khác gì thêm cho kẻ nhận hối lộ một cái lá chắn vững chắc, khác gì bao che?

Thế nên đa số đại biểu đã cho ý kiến là cứ giữ nguyên điều luật cũ. Bất cứ là ai, có đòi hay không, đã nhận tiền hoặc vật chất của người đưa để làm theo yêu cầu của họ, thì đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự.