| Hotline: 0983.970.780

Không có chuyện Trung Quốc đóng cửa khẩu, nông sản thông quan bình thường

Thứ Tư 18/08/2021 , 17:29 (GMT+7)

UBND tỉnh Lạng Sơn và báo chí Trung Quốc đồng loạt thông tin việc xuất nhập khẩu hàng hóa ở cửa khẩu vẫn diễn ra bình thường, nông sản Việt Nam vẫn được mong đợi.

Vận chuyển thanh long theo 'luồng xanh' tại chợ hoa quả Bằng Tường, Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.

Vận chuyển thanh long theo "luồng xanh" tại chợ hoa quả Bằng Tường, Trung Quốc. Ảnh: Chinanews.

Thông tin không chính xác

"Thông tin đóng cửa khẩu là không đúng. Hai nước vẫn duy trì đều đặn việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Lạng Sơn vẫn đang nỗ lực hết mình đảm bảo nông sản nói riêng và hàng hóa qua cửa khẩu được thuận lợi, song vẫn đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch", ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết hôm 18/8.

Theo ông Thiệu, thông tin về việc Trung Quốc đóng cửa khẩu do diễn biến phức tạp về dịch Covid-19 là không chính xác.

Ngày 16/8, các cơ quan chức năng của Trung Quốc cho dừng hoạt động một ngày ở khu vực cửa khẩu để "rà soát công tác phòng chống dịch Covid-19". Hoạt động xuất nhập khẩu sau đó trở lại bình thường. 

Ngày 17/8, chính quyền tỉnh Lạng Sơn đã hội đàm với phía Trung Quốc, nhất trí thực hiện một số biện pháp mới, nhằm nâng cao hơn nữa khả năng phòng chống dịch Covid-19, bảo đảm an toàn cho các lực lượng chức năng của cả 2 bên trong công tác xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa.

Đồng thuận với phát ngôn của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tờ Tân Hoa Xã - cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc hôm 18/8 cũng đăng bài viết với tựa "Làm tốt công tác chống dịch, đẩy mạnh thông thương hàng hóa ở cửa ngõ phía nam".

Bài viết cho biết trong nửa đầu năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 gây một số trở ngại, song xuất nhập khẩu hàng hóa tại Bằng Tường, cửa ngõ lớn nhất phía nam của Trung Quốc vẫn tăng trưởng 44,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, thời gian thông quan hàng hóa giảm 1/3 so với trước, nhờ việc hai bên thống nhất các khâu kiểm dịch, giao nhận hàng.

"Nếu trước kia thời gian thông quan là 2-3 tiếng, thì nay chỉ còn 10 phút. Hiệu suất thông quan hàng hóa là 90%. Có thể nói, sự phối hợp giữa cửa khẩu Pò Chài của Trung Quốc và Tân Thanh của Việt Nam đang được vận hành liền lạc, thông suốt", bài tường thuật của Tân Hoa Xã cho biết. 

Giấy tờ, thủ tục xét nghiệm được thống nhất giữa hai bên cũng đang được coi là mô hình "đáng để học hỏi, phát huy". Trong bối cảnh diễn biến dịch Covid-19 như hiện nay, phía Trung Quốc đang áp dụng thêm mô hình "bốn chỉ định" và "hai 100%". 

Trong đó, "bốn chỉ định" là: Giao hàng, lộ trình vận chuyển, xe vận chuyển, nơi ở của lái xe, đều tại những điểm đã được đăng ký, kiểm dịch. Còn "hai 100%" là tài xế, nhân viên giao hàng đều phải làm xét nghiệm 3 ngày một lần, phải đảm bảo 100% âm tính với Covid-19.

Theo thống kê của Cơ quan Quản lý cửa khẩu và thương mại Bằng Tường, tại khu thương mại của thành phố này, hiện có 197 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu, chủ yếu với đối tác Việt Nam. 

UBND tỉnh Lạng Sơn và Tân Hoa Xã đều cho biết, hiện còn 200 xe hàng nông sản ở cửa khẩu Tân Thanh đang hoàn thiện thủ tục thông quan, chủ yếu là thanh long, còn lại là đồ khô. 

Tường thuật của Tân Hoa Xã cho biết trái cây Việt Nam đang vào vụ thu hoạch, lượng xe hàng dồn về nhiều, song "mọi hoạt động vẫn diễn ra nhộn nhịp".

Xe chở hàng Trung Quốc đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Xe chở hàng Trung Quốc đi qua cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Bảo Thắng.

Cửa khẩu tại Lào Cai: Không biến động

Ông Phạm Hùng - Phó trưởng Ban Quản lý cửa khẩu Lào Cai cho biết, hoạt động xuất nhập khẩu trong những ngày gần đây không có biến động.

Ở chiều xuất khẩu, mỗi ngày tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) có 30-40 xe hàng chủ yếu là nông sản của Việt Nam xuất sang nước bạn. Chiều nhập khẩu, mỗi ngày có khoảng 250 xe rau, củ, quả... của Trung Quốc được thương lái nhập về.

Ghi nhận tại cửa khẩu này, khoảng gần một tháng nay, mặt hàng quả thanh long không còn được đưa lên Lào Cai để xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi đây là mặt hàng nông sản chủ lực xuất khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành. Khi chưa có dịch bệnh Covid-19, chỉ riêng mặt hàng quả thanh long mỗi ngày cũng có đến 200-300 xe được xuất đi.

Trong khi đó, một số thương lái thông tin, việc nhập các mặt hàng nông sản Trung Quốc thường là theo đơn hàng đã đặt trước. Do đó, đến ngày nhận hàng, họ vẫn phải nhập nông sản về tuy nhiên việc tiêu thụ các mặt hàng như bí, khoai tây... khá chậm.

Một số còn phải xé lẻ xe hàng ra để bán, không thể xuất cả chuyến như trước đây. Mặt khác, chi phí vận chuyển các mặt hàng nông sản đi các tỉnh cũng lên khá cao khiến việc buôn bán không được thuận lợi.

Hiện nay, tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành áp dụng phương án số 311/PA-BCĐ ngày 28/7/2021 quản lý người, phương tiện ra, vào và hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành và các khu công nghiệp. Theo đó, tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa (xe tải) xuất khẩu, nhập khẩu chỉ lưu thông theo đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vào cửa khẩu và ngược lại.

Trong đó, các lái xe, người đi theo xe chở hàng xuất khẩu đều được ở khu vực riêng được quy định tại cửa khẩu trong khi chờ nhận lại xe sau khi giao hàng. Các lái xe này không tiếp xúc cũng như không được đi ra ngoài khu vực quy định, vào trong khu vực dân cư tại Lào Cai.

Ngoài ra, mọi người lao động ra vào khu vực cửa khẩu đều phải xét nghiệm, có kết quả âm tính với Covid-19. Do đó, mặc dù nhiều địa phương bùng phát dịch Covid-19, song Lào Cai trong 14 ngày qua chưa có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng, đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi xuất, nhập khẩu hàng hóa đặc biệt là nông sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Chi phí vận tải tăng thêm

"Dạo này vẫn chạy hàng nhưng không đạt hiệu quả, vất vả lắm”, ông Phùng Ngọc Nguyên, Giám đốc Công ty Thống Nhất cho biết.

Đơn vị này thường xuyên đưa nông sản từ cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Trị đến tỉnh Lạng Sơn bằng cả xe nóng và xe lạnh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên quá trình đưa hàng lên cửa khẩu đã gặp không ít khó khăn. Trong đó có những chi phí phát sinh thêm khi tắc đường ở các cửa khẩu do lượng xe đông cộng với việc ùn tắc xảy ra trong quá trình phòng dịch.

“Như ở Lạng Sơn hiện nay, ngoài việc đỗ ở trạm cân, thì sau đó còn bị dồn vào trong bãi Đạt Phát, có khi 5-7 ngày mới sang được Trung Quốc. So với trước đây thì thời gian này phải tăng đến gấp 2 lần. Mà đỗ lâu tại thì phải mất thêm chi phí ăn uống và tiền bến bãi. Giờ tính ra mỗi chuyển chi phí tăng thêm là khoảng 5 triệu/xe. Công ty giờ chỉ cố làm để đủ trả lương công nhân và trả lãi ngân hàng là may lắm rồi”, ông Nguyên nói.

Xem thêm
Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.

Bình luận mới nhất